Mỹ thuật Việt Nam: Thiếu vắng tác phẩm về những vấn đề lớn của đất nước

Hoàng Minh 17/12/2019 23:13

Ngày 17/12, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX và ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Đến dự Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Hữu Thỉnh.

Mỹ thuật Việt Nam: Thiếu vắng tác phẩm về những vấn đề lớn của đất nước

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tặng hoa cho Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Từng bước khẳng định được vị trí, uy tín

Phát biểu tại chỉ đạo tại Đại hội, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, tại Đại hội này chúng ta nhớ lại sự kiện ngày 10/12/1951, tại chiến khu Việt Bắc, giới Mỹ thuật cách mạng đã khai mạc triển lãm Hội họa lịch sử nhân dịp kỷ niệm 5 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến chào mừng thành công Đại hội II của Đảng và đón nhận thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các họa sĩ, nghệ sĩ nhân dịp triển lãm. Trong thư, Bác Hồ khẳng định một phương châm nổi tiếng “Văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Bác nhấn mạnh “…cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công nông binh”. Thực hiện lời dạy của Người, đội ngũ nghệ sĩ tạo hình đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ trong tư cách nghệ sĩ, chiến sĩ; một số người trực tiếp cầm súng chiến đấu trên các chiến trường có đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; đặc biệt là trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo...

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng đánh giá, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới, 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, và Nghị quyết của đại hội Mỹ thuật toàn quốc lần thứ VIII, Hội Mỹ thuật Việt Nam và giới nghệ sĩ tạo hình đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo và thành tựu. Nhiều tác phẩm, công trình mỹ thuật có chất lượng ra đời; đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc phát triển cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng nòng cốt để xây dựng đời sống thẩm mỹ lành mạnh, tích cực, nhân văn. Các hội viên của Hội đoàn kết, sáng tạo, kế thừa và phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống và tiếp thu có chọn lọc các xu hướng, trường phái nghệ thuật của thế giới. Mỹ thuật Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị trí, uy tín của mình trong khu vực và thế giới. Các hoạt động chuyên môn của Hội được tổ chức đa dạng, phong phú trên khắp cả nước, tham gia tích cực các triển lãm khu vực và thế giới, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần tích cực nâng cao đời sống tinh thần và thẩm mỹ của nhân dân.

Cần trẻ hóa bộ máy lãnh đạo

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu quan trọng đã đạt được, hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần khắc phục. Đó là còn ít tác phẩm mỹ thuật về những vấn đề lớn của đất nước, về lịch sử hào hùng, về cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc; về công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vẫn còn có những tác phẩm chưa thoát khỏi lối mòn, đơn giản, thậm chí dễ dãi, mang tính minh họa. Lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng chưa có được vai trò và phát triển xứng đáng, còn ít các thiết kế sáng tạo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, có công năng hữu ích phù hợp với đời sống, có tính thẩm mỹ cao để trở thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Phê bình mỹ thuật có lúc còn cảm tính, dễ dãi, chưa thật sự khách quan, khoa học để trở thành người bạn đồng hành với sáng tác và định hướng thẩm mỹ cho xã hội. Hiện tượng vi phạm bản quyền tác giả, tranh giả, tranh nhái đang tồn tại ở không ít nơi làm ảnh hưởng đến uy tín của mỹ thuật Việt Nam. Một số hoạt động của Hội chưa thực sự thiết thực và hấp dẫn để thu hút các hội viên và tác giả trẻ tham gia...

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị, trong thời gian tới Hội Mỹ thuật Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn mang tính chuyên nghiệp, làm tốt công tác tư tưởng cho hội viên, tạo điều kiện cho hội viên sáng tác nhiều tác phẩm, công trình có tầm tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao. Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng sáng tác cho hội viên và toàn xã hội hiểu rõ các giá trị của mỹ thuật, phát huy các di sản mỹ thuật truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa mỹ thuật thế giới, sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình mỹ thuật mới, có giá trị; chú ý đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, cả mỹ thuật thủ công truyền thống lẫn design hiện đại, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nền mỹ thuật nước nhà. Bên cạnh đó, Hội cần phát huy vai trò tư vấn phản biện xã hội của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tích cực tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan quản lý các cấp trong lĩnh vực mỹ thuật. Tích cực tham gia cùng các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để đề xuất, nghiên cứu, từng bước cải thiện điều kiện hành nghề, tạo hành lang pháp lý không chỉ để khắc phục và đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng của các họa sĩ theo thông lệ quốc tế mà quan trọng hơn còn tạo điều kiện để người nghệ sĩ tự do sáng tạo góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Hội cần tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng bộ máy lãnh đạo Hội theo hướng trẻ hóa, chuẩn hóa; chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ hội viên, nhất là cán bộ trẻ từ Trung ương Hội đến các chi hội. Chăm lo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân cho hội viên, để mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế là một nghệ sỹ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam trong thời đại mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”-Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Đại hội đại biểu Toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ IX đã bầu ra Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2019 - 2024. Theo đó, Ban Chấp hành gồm 11 thành viên. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn được bầu Chủ tịch Hội, 2 Phó Chủ tịch là nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh và họa sĩ Vi Kiến Thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ thuật Việt Nam: Thiếu vắng tác phẩm về những vấn đề lớn của đất nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO