Mỹ triển khai rầm rộ lực lượng quân sự sát nước Nga

Khánh Duy 07/02/2017 19:05

Hàng loạt các trang thiết bị vũ khí hiện đại của Mỹ, bao gồm nhiều xe tăng chiến đấu M1A2 Abrams cùng thiết giáp Bradley, đã được triển khai tới thị trấn Tapa, phía Bắc Estonia như một phần trong nỗ lực nhằm đối phó với cái mà họ gọi là “mối đe dọa đến từ Nga”.

Mỹ triển khai nhiều xe tăng chiến đấu Abrams cùng thiết giáp tới Estonia. (Nguồn: RT).

Hơn 50 đơn vị quân sự Mỹ, trong đó có 4 xe tăng chiến đấu cùng 15 xe thiết giáp đã đến thị trấn Tapa, Lực lượng Phòng vệ Estonia xác nhận trong một tuyên bố đưa ra hôm 7/2. Trước đó vài ngày, Sư đoàn thiết giáp số 4 thuộc Tiểu đoàn 1 của quân đội Mỹ cũng đã được triển khai tới thị trấn này.

Chỉ huy Tiểu đoàn, Đại tá Edward Bachar nói rằng, quân đội Mỹ sẽ tham gia vào cuộc diễu binh mừng Ngày độc lập của Estonia. Trước đó, vị sĩ quan này cũng cho hay, Tiểu đoàn của ông sẽ bắt đầu các khóa tập luyện xạ thủ nâng cao trong tuần này. Được biết đơn vị này sẽ thay thế một Tiểu đoàn lính dù của Mỹ, từng được triển khai tới Estonia hồi tháng 9 năm ngoái. Tiểu đoàn này sẽ trở lại một căn cứ của Mỹ ở Italy.

“Việc di chuyển trang thiết bị quân sự và binh sỹ tại châu Âu đánh dấu sự khởi đầu của việc triển khai luân phiên các sư đoàn thiết giáp Mỹ, theo Chiến dịch Atalantic Resolve” - Bộ Quốc phòng Mỹ nói trong một tuyên bố đưa ra về việc triển khai quân.

“Atalantic Resolve là chiến dịch thể hiện cam kết của nước Mỹ đối với phòng vệ tập thể thông qua hàng loạt các hoạt động được thực hiện nhằm đảm bảo an ninh cho các đồng minh và đối tác của NATO, với mục đích duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực, trong bối cảnh Nga can thiệp vào Ukraine” - Tuyên bố này nêu rõ.

Động thái của Mỹ đánh dấu một giai đoạn mới của Chiến dịch Atlantic Resolve - bắt đầu từ tháng 4/2014 - sau sự kiện trưng cầu dân ý ở Crimea với kết quả là bán đảo này trở lại thành một phần của nước Nga. Chiến dịch này được xem như sự thể hiện của nước Mỹ trong việc giữ vững cam kết phòng thủ chung ở châu Âu, trong bối cảnh cái mà họ gọi là “mối đe dọa từ Nga”.

Trước đó, trong tháng 1, khoảng 2.800 trang thiết bị quân sự Mỹ, gồm xe tăng Abrams, hệ thống pháo Paladin, thiết giáp Bradley cùng 4.000 binh sỹ đã được triển khai tới châu Âu như một phần của chiến dịch này. Lực lượng này phần lớn được điều tới Ba Lan để tham gia các cuộc tập trận tổ chức hồi cuối tháng trước, và sau đó được triển khai trên khắp 7 nước, trong đó gồm các nước Baltic, Bulgaria, Romania và Đức.

Hồi tháng 7/2016, các nước thành viên NATO đã nhất trí sẽ triển khai “đợt tăng cường quân lực lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh”, trong đó thành lập 4 tiểu đoàn đa quốc gia tới Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.

Ngoài việc Mỹ đóng góp binh sỹ tới Ba Lan, các nước thành viên NATO như Đức, Canada và Anh cũng đang đóng góp vào lực lượng tăng cường của khối đồng minh này ở khu vực Đông Âu cũng như cắt cử nhiều sư đoàn với tổng số lượng binh sỹ khoảng 1.000 mỗi đơn vị tới Estonia, Latvia và Lithuania.

Ngoài việc tăng cường hiện diện quân sự sát các đường biên giới của Nga, chiến lược của Mỹ và NATO còn bao gồm tổ chức liên tiếp các cuộc huấn luyện đa quốc gia và phối hợp hoạt động an ninh với các đối tác của họ ở khu vực Đông Âu. Kể từ khi chiến dịch Atalantic Resolve bắt đầu, hàng loạt các cuộc tập trận rầm rộ đã được tổ chức ở Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Bulgaria và Hungaria.

Hồi trung tuần tháng 1 vừa qua, Estonia và Lithuania còn ký kết một số thỏa thuận với phía Mỹ trong đó vạch ra kế hoạch triển khai binh sỹ và trang thiết bị quân sự của Mỹ tới lãnh thổ của hai quốc gia Baltic này, đánh dấu sự hiện diện lần đầu tiên của các loại khí tài hiện đại của Mỹ ở khu vực.

Các thỏa thuận trên đưa ra khung làm việc pháp lý cho sự hiện diện của binh sỹ Mỹ cùng gia đình họ ở hai nước Baltic, đồng thời cho phép quân đội Mỹ sử dụng một số căn cứ trong khu vực. Thỏa thuận cũng cho phép hai bên tiến hành hàng loạt các hoạt động quân sự phối hợp liên quan tới phòng thủ chung.

Trong bối cảnh các nước thành viên NATO liên tiếp vẽ ra cái mà họ gọi là “sự hung hăng của nước Nga”, coi đó là “nguồn gốc sự bất ổn”, thì Moscow vẫn kiên trì bác bỏ cáo buộc cho rằng họ tạo ra các mối đe dọa trong khu vực. Để đối phó trước việc NATO điên cuồng triển khai quân dọc các đường biên giới của mình, Nga cũng liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận và tăng cường sức mạnh chiến lược của họ tại nhiều khu vực như Kaliningrad và khu vực lãnh thổ phía Tây.

Bên cạnh đó, Nga cũng nỗ lực giảm bớt căng thẳng bằng cách đưa ra các đề xuất tăng cường hợp tác với NATO ở nhiều cấp độ hồi tháng 8 năm ngoái. Đề xuất này bao phủ nhiều lĩnh vực như chống chủ nghĩa khủng bố và “hợp tác để tránh các vụ đụng độ trên biển và trên không” tại các khu vực biên giới giữa Nga và các nước NATO.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ triển khai rầm rộ lực lượng quân sự sát nước Nga

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO