Mỹ và đồng minh tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên

Khánh Duy 17/01/2018 07:25

Ngoại trưởng đến từ 20 quốc gia trên thế giới đã tham gia nhóm họp trong hôm 16/1 để thảo luận về các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, dù cho sự vắng mặt của Trung Quốc đang khiến nhiều người lo ngại về tính hiệu quả của bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.

Mỹ và đồng minh tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên

Phái đoàn hai miền Triều Tiên trong cuộc đối thoại tổ chức hôm 9/1 vừa qua. (Nguồn: Reuters).

Tâm điểm Triều Tiên

Cuộc họp kéo dài 2 ngày do Canada và Mỹ tổ chức diễn ra tại thành phố Vancouver, Canada trong bối cảnh có nhiều tín hiệu giảm thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó, Seoul và Bình Nhưỡng có cuộc đối thoại cấp cao lần đầu tiên trong 2 năm qua và kết quả là Triều Tiên quyết định cử đoàn vận động viên tới tham dự Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang.

Trong khi đó, tình trạng căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng dường như cũng đang tạm lắng.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn tỏ rõ thái độ hoài nghi rằng phía Triều Tiên khó có thể sẵn sàng cho đàm phán về chương trình vũ khí của họ. Chính quyền Washington cũng nhân hội nghị này để cùng các đồng minh xem xét lại tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt áp đặt với Bình Nhưỡng, thậm chí có thể áp đặt thêm.

Cái gọi là Nhóm Vancouver được thành lập bởi 20 quốc gia từng liên quan tới cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, bao gồm cả Australia, Anh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc. Các tướng lĩnh quân sự cũng tham gia góp mặt trong sự kiện này.

Nhiều ý kiến cho rằng cuộc họp lần này khó đạt được hiệu quả khi thiếu vắng Trung Quốc và Nga.

Trong buổi họp báo thường niên tổ chức hôm 15/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã liên tiếp chỉ trích Mỹ, cáo buộc chính quyền Washington đang cố gắng đưa ra "tối hậu thư" và thất bại trong việc công nhận "thực tế về một thế giới đa cực đang trỗi dậy".

"Thật không may mắn khi các đồng nghiệp Mỹ của chúng ta và các đồng minh của họ vẫn muốn làm việc dựa trên cơ sở đưa ra tối hậu thư và không muốn lắng nghe quan điểm của các trung tâm chính trị thế giới khác" - Ngoại trưởng Lavrov nói, cáo buộc Washington làm tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Giáo hoàng Francis cũng thừa nhận rằng ông cảm thấy sợ hãi vì viễn cảnh xảy ra một cuộc chiến hạt nhân.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến đến rất gần điều đó" - Giáo hoàng Francis phát biểu trước báo giới khi đang trên đường tới Chile - "Tôi thực sự lo ngại về điều đó. Chỉ một tai nạn cũng đủ để làm mọi việc trở nên tồi tệ".

Hội nghị Vancouver mở màn từ tối hôm 15/1 bằng một bữa tối giữa các lãnh đạo cùng một số cuộc gặp song phương, và thực sự đi vào phiên thảo luận trong hôm 16-1 nhằm đưa ra các bước tiếp theo trong vấn đề Triều Tiên.

Trong số các đề xuất đang được cân nhắc bao gồm cử chiến hạm tới Biển Nhật Bản để ngăn chặn các con tàu đáng ngờ di chuyển đến Triều Tiên... Trong tháng 11 năm ngoái, Hàn Quốc đã bắt giữ được 2 con tàu chở dầu tới Triều Tiên. Tuy nhiên một số nước cảnh báo rằng biện pháp như vậy chỉ làm tăng căng thẳng quân sự và có thể bị chính quyền Bình Nhưỡng coi là hành động chiến tranh.

Thúc đẩy ngoại giao

Mục tiêu cuối cùng của hội nghị Vancouver chính là buộc chính quyền Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán ngoại giao để thảo luận về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây nói rằng, nếu hội đủ các điều kiện cần thiết, ông sẵn lòng ngồi nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lại tìm cách thuyết phục Liên minh châu Âu (EU) gia tăng sức ép đối với Triều Tiên nhân chuyến công du của ông tới 6 nước thuộc vùng Baltic và Balkan hồi cuối tuần qua.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người theo đuổi chính sách đối thoại với Triều Tiên nhưng vẫn giữ thái độ chỉ trích về chương trình vũ khí của nước này, hồi tuần trước nói rằng ông sẵn sàng tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Kim Jong-un "dưới các điều kiện cần thiết", nhưng thêm rằng "cần phải đảm bảo được một số kết quả nhất định".

Triều Tiên từng tẩy chay Thế vận hội mùa Hè 1988 ở Seoul. Và hiện nay, thỏa thuận của họ trong việc cử đoàn vận động viên, một dàn nhạc cùng các quan chức cấp cao tới tham dự Thế vận hội mùa Đông ở Pyeongchang vào tháng tới được xem là một phần trong tiến trình giảm thang căng thẳng quân sự với Mỹ và Hàn Quốc.

Các vòng đối thoại song phương giữa hai miền Triều Tiên cũng sẽ được tổ chức trong ngày hôm nay (17/1), sau khi hội nghị Vancouver kết thúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ và đồng minh tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO