Năm 2021, tăng tín dụng khoảng 12%

Thúy Hằng 25/12/2020 07:00

Sáng ngày 24/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp báo triển khai nhiệm vụ năm 2020. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ theo kế hoạch năm 2021, mức tín dụng NHNN đặt ra để định hướng là 12% và sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ hấp thụ của doanh nghiệp, nền kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo.

Năm 2020, tín dụng tăng 11%

Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính đến ngày 18/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 12,83% so với cuối năm 2019, tăng 14,62% so với cùng kỳ năm 2019. Thanh khoản hệ thống thông suốt.

Về tín dụng, dịch bệnh Covid-19 khiến cầu tín dụng bị suy yếu, tăng trưởng tín dụng tính đến 21/12/2020 chỉ tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so với cùng kỳ năm 2019.

Từ đầu năm đến nay, NHNN chủ động điều hành tín dụng với tốc độ tăng trưởng phù hợp với mức độ hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, góp phần quan trọng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế sau dịch. Tín dụng với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.

Để hỗ trợ nền kinh tế, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần giảm các mức lãi suất điều hành, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay. NHNN cũng là ngành vào cuộc sớm nhất ban hành Thông tư về giãn, hoãn, cơ cấu nợ để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay với lãi suất ưu đãi (thấp hơn 0,5-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng. Tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là hơn 1.000 tỷ đồng.

Riêng về vấn đề lãi suất có thể giảm được nữa không, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ việc điều hành lãi suất phụ thuộc vào điều kiện tình hình thực tế của thị trường, ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định ở mức phù hợp. Vốn vay tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu…

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm, lãi suất thấp được duy trì nếu nền kinh tế ổn định, ngăn chặn được đại dịch Covid-19 cùng việc kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý.

Ước tín dụng cả năm tăng 11%. Tín dụng tăng mạnh vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như cho vay nông nghiệp nông thôn 9,7%; vốn cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 11%... so với cuối năm 2019. Năm 2021, NHNN định hướng tăng tín dụng khoảng 12%

“Đây là mức tăng trưởng tín dụng định hướng điều hành chứ không phải tăng trưởng cố định. Việc tăng trưởng tín dụng sẽ được cân nhắc vào nhiều yếu tố để đảm bảo ổn định thị trường và hỗ trợ tăng trưởng” - ông Tú nhấn mạnh.

Về nợ xấu, NHNN cho biết, mặc dù đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2%, nhưng theo khẳng định của NHNN đây là tất yếu khách quan và thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm.

Tết Tân Sửu tiếp tục không in tiền mới

Cũng tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong mấy năm qua, việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỉ đồng. Do đó, năm nay Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết liệt không in tiền mới có mệnh giá nhỏ.

Như vậy, năm 2020 là năm thứ 8 liên tiếp cơ quan quản lý tiền tệ đưa ra chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN khẳng định tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn sẽ được cung ứng để phục vụ nền kinh tế.

Năm 2021, định hướng của NHNN là tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng và an toàn tín dụng.

Nhấn mạnh thêm về tín dụng, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng với các lĩnh vực rủi ro.

Thông tin tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2020 và định hướng năm 2021, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết hoạt động thanh toán trong năm nay có sự tăng trưởng mạnh. Tính đến cuối tháng 10/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm 2021, tăng tín dụng khoảng 12%

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO