Nam Định: Cấm biển, hoãn họp…

Duy Hưng 17/10/2016 21:51

Phòng chống bão số 7, trong công điện khẩn phát đi chiều nay (17/10), Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương ven biển thực hiện lệnh “cấm biển” từ 19h cùng ngày, trong ngày mai, 18/10, các cơ quan của tỉnh hoãn tất cả các cuộc họp để cán bộ tập trung lo việc phòng chống bão…

Nam Định: Cấm biển, hoãn họp…

Vào thời điểm này năm 2012, bão Sơn Tinh bất ngờ đổ bộ,gây thiệt hại nặng nề, trên diện rộng ở tỉnh Nam Định.

Chiều nay (17/10), thông tin với báo chí, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết, hiện tỉnh có trên 1.800 tàu thuyền đã vào bến neo đậu; có 201 tàu, thuyền vẫn đang đánh bắt trên biển nhưng đều ở vị trí gần bờ…

Trong khi đó, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh tranh thủ thu hoạch lúa mùa, theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”…

Trước đó, vào 14h chiều cùng ngày, trong công điện khẩn chỉ đạo phòng chống bão số 7 trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu: “Các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về các địa phương được phân công, bám sát địa bàn để phối hợp với lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai chống bão”.

Ông Phạm Đình Nghị cũng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh khẩn trương kêu gọi, yêu cầu các loại tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ tránh trú bão.

Từ 19h ngày 17 nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; kiểm soát chặt chẽ số ngư dân, người sản xuất trên biển, yêu cầu tất cả phải vào bờ trước 17h ngày 18/10…

Các địa phương, nhất là TP Nam Định và các huyện ven biển triển khai phương án di dời người và tài sản ra khỏi nhà không đảm bảo, khu vực không an toàn; phương án sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ven biển, ngoài đê…

“Kiên quyết không để người ở lại trên các chòi canh ven biển, trên các tàu thuền đánh cá. Chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn”, công điện nhấn mạnh.

Ông Phạm Đình Nghị cũng chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bằng mọi hình thức tuyên truyền hướng dẫn người dân phòng chống bão, chằng chống nhà cửa; bảo vệ gia súc, gia cầm, ao đầm nuôi trồng thủy sản, chuồng trại chăn nuôi.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh thực hiện trực đảm bảo 100% quân số, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh…

Cùng với các tỉnh ven biển khác, Nam Định là địa phương thường xuyên có bão đổ bộ. Trong cơn bão số 1 năm nay, Nam Định là một trong những tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Trong đó, toàn tỉnh có 17 điểm đê kè bị sạt lở, hư hỏng; 74.100 ha lúa mùa (95% tổng diện tích) bị ngập úng; toàn bộ 8.500 ha ra màu bị ngập, dập nát; hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 1.900 cột điện trung thế trên địa bàn tỉnh bị đổ nghiêng; 13.000 cột điện hạ thế bị hư hỏng…

Đáng chú ý, vào năm 2012, cùng vào thời điểm cuối tháng 10 này, cơn bão Sơn Tinh đã bất ngờ đổ bộ vào các tỉnh ven biển phía Bắc, trong đó có Nam Định, gây thiệt hại nặng nề…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Cấm biển, hoãn họp…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO