Nam Định: Kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà thơ Trần Tế Xương

Duy Hưng 29/08/2020 17:51

Lận đận đường học hành, thi cử nhưng Tú Xương được hậu thế nhìn nhận là một nhà thơ lớn, có giọng điệu trào phúng sắc sảo, sâu cay, quyết liệt.

Ngày 29/8, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Nam Định tổ chức Lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà thơ Trần Tế Xương (1870-2020).

Theo thông tin tại buổi lễ, nhà thơ Trần Tế Xương tên khai sinh là Trần Duy Uyên (sau khi thi đậu Tú tài có bút danh là Tú Xương), sinh ngày 5/9/1870 ở làng Vỵ Xuyên, huyện Mỹ Lộc, sau là phố Hàng Nâu và nay là phố Minh Khai, phường Vỵ Hoàng, TP Nam Định; mất vào ngày rằm tháng Chạp năm Bính Ngọ, tức ngày 28/ 1/1907, khi mới 37 tuổi.

Tác giả bài thơ “Thương vợ” được biết đến là người có khát vọng, kiên trì theo đuổi việc học hành nhưng 8 lần đi thi (vào các năm 1886, 1888, 1891, 1894, 1897, 1900, 1903, 1906) cũng chỉ đỗ được đến Tú tài, diện “đỗ vớt”.

Lận đận đường học vấn, Tú Xương chọn cho mình cách “nhập thế” của một “nhà nho-quân tử”, của kẻ sĩ Bắc Hà, trở thành một nhà thơ trào phúng nổi danh.

Lễ kỷ niệm được tổ chức hôm nay, 29/8.

Thạc sỹ Nguyễn Công Thành, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Nam Định nhìn nhận: trong dòng chảy văn học Việt Nam, ít có nhà thơ trào phúng nào có giọng điệu sắc sảo, sâu cay, quyết liệt như Tú Xương.

Đề tài sáng tác của Tú Xương thường lấy ngay từ những con người thực, cảnh sống thực ở Thành Nam lúc bấy giờ.

“Trong bối cảnh chế độ thực dân phong kiến bắt đầu “trổ sừng mọc gạc” mọi ngõ ngách của cuộc sống, đồng tiền chi phối mọi quan hệ xã hội, phá hoại mọi thuần phong mỹ tục, dưới ngòi bút của Tú Xương, những người được cho là nhân tài đất Bắc nhưng thực chất chỉ là những kẻ vô liêm sỉ, mua danh, vênh váo, xu nịnh bợ đỡ quan Tây; những công chức thuộc địa làm thuê, sống tẻ nhạt “sáng vác ô đi, tối cắp ô về”; hình ảnh bọn me tây, gái điếm, bọn con buôn giảo hoạt, những ông Tây bà đầm …hiện lên với tất cả vẻ hợm hĩnh, lố lăng, kệch cỡm. Ông đem đến cho văn học những bức ký họa thơ đầy ấn tượng, khái quát được tính chất của xã hội phong kiến suy tàn bị thực dân hóa áp đảo...”, ông Nguyễn Công Thành nhìn nhận.

Thành ngữ “Sáng vác ô đi, tối vác về” báo chí, mạng xã hội ngày nay thường sử dụng để ám chỉ những người “thừa” trong các cơ quan nhà nước xuất phát từ một câu thơ của Tú Xương.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Nam Định, những bài thơ ngông nghênh, cợt nhả, bất cần của Tú Xương thật ra chỉ là “cái mã nghĩa bên ngoài”, ẩn chứa bên trong là bầu tâm sự sâu nặng của một văn nhân ưu thời mẫn thế, được thể hiện qua những câu thơ như: “Trời không chớp bể với mưa nguồn/ Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”, “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”, “Thiên hạ dễ thường ai ngủ cả/ Việc gì mà thức một mình ta”, “Non non, nước nước, tình tình/ Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ”…

Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu xếp Tú Xương đứng thứ năm, sau bốn nhà thơ lớn của dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm.

Nhà thơ Hồ Trọng Hiếu, tức nhà thơ trào phúng Tú Mỡ thì chia sẻ: “Tôi được ảnh hưởng nhiều nhất của Tú Xương nên truy tôn cụ Tú làm thầy học và lấy biệt hiệu là Tú Mỡ, mặc dầu tôi không đỗ Tú tài và người chẳng có tí mỡ nào.”

Tú Xương là một trong hai mươi tác giả lớn được đúc tượng đồng toàn thân, đặt trong vườn tượng thi nhân tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Ở Thành Nam, mộ thi sỹ được đặt trang trọng trong Công viên Vỵ Xuyên, bên cạnh hồ nước, rợp bóng cây xanh. Thành phố cũng có nhà lưu niệm, có đường, có trường học và một phường trung tâm mang tên ông, Trần Tế Xương.

“Ăn chuối ngự, đọc thơ Xương” là câu nói cửa miệng, tự hào của người dân Nam Định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà thơ Trần Tế Xương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO