Nam Định: Sau hai ngày đình công, công nhân da giầy được thêm 200.000 đồng hỗ trợ thôi việc

Duy Hưng 21/06/2022 18:13

Khi còn làm việc, phần đông trong số họ nhận được mức lương cơ bản 3.670.000 đồng, tăng ca đều thì tổng thu nhập đạt gần 6 triệu đồng/tháng…

Liên quan đến việc mấy trăm công nhân Xưởng gia công mũi giầy (NP4), Nhà máy gia công đế và mũi giầy dép Nice Power đứng chân ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, thuộc Công ty TNHH Nice Power, đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đình công trong hai ngày 17,18/6 để kiến nghị chế độ cho người lao động, ngày 21/6, nguồn tin từ chính quyền địa phương và các công nhân cho biết, phía chủ sử dụng lao động và đại diện các công nhân tham gia đình công đã “đạt được thỏa thuận mới”…

Việc đình công của các công nhân diễn ra trong hai ngày 17,18/6.

Như Đại Đoàn Kết Online đã phản ánh, trong hai ngày 17,18/6, sau khi nhận được thông báo của Công ty TNHH Nice Power về việc hết tháng 6/2022 công ty sẽ giải thể Xưởng NP4, công nhân nào có nhu cầu đến làm việc tại xưởng gia công đế giầy sẽ được công ty bố trí làm việc ở đây, công nhân nào không đồng ý làm việc tại xưởng gia công đế giầy sẽ được công ty giải quyết chế độ thôi việc, áp dụng theo quy định tại Điều 46-Bộ luật Lao động.

Trước thông báo trên, 335/432 công nhân Xưởng NP4 không đồng ý về làm việc tại xưởng gia công đế, chấp nhận “mất việc” vì theo họ, làm việc tại xưởng gia công đế họ phải làm cả ca ngày và ca đêm trong khi họ là phụ nữ, đang trong thời gian phải nuôi con nhỏ, chăm sóc gia đình…

Họ cũng cho rằng chế độ hỗ trợ thôi việc của công ty không thỏa đáng. Theo đó, tuy thông báo những người thôi việc sẽ được giải quyết chế độ hỗ trợ theo quy định tại Điều 46-Bộ luật lao động, tức mỗi năm làm việc được hỗ trợ một nửa tháng lương nhưng theo thông báo, các công nhân diện này chỉ được hỗ trợ 900 nghìn đồng cho một năm lao động; hỗ trợ 300.000 đồng cho người có thời gian làm việc từ 3-6 tháng; hỗ trợ 500.000 đồng cho người có thời gian làm việc từ 6-dưới 12 tháng.

Từ những lý do trên, các công nhân đã tiến hành đình công, yêu cầu phía Công ty giải quyết chế độ nghỉ việc cho họ theo quy định tại Điều 47-Bộ luật Lao động.

Các công nhân tham gia đình công phần lớn là phụ nữ.

Sau khi cuộc đình công diễn ra, huyện Giao Thủy đã thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cao Thành Nam làm Tổ trưởng (cùng tác thành viên là lãnh đạo Liên đoàn Lao động huyện, Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội huyện, Phòng Kinh tế-Hạ tầng, Công an huyện, Văn phòng HU-HĐND-UBND huyện, Hội Phụ nữ huyện, Đoàn Thanh niên huyện, UBND xã Giao Tiến) phối hợp với Công ty TNHH Nice Power trong việc đảm bảo an ninh trật tự…

Tiếp đó, ngày 20/6, Tổ công tác phối hợp cùng đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh, lãnh đạo Công ty TNHH Nice Power đã tổ chức cuộc đối thoại với đại diện của các công nhân đình công để xem xét, giải quyết những kiến nghị.

“Sau khi nghe các ý kiến phản ánh và các đề xuất của công nhân, ý kiến trả lời của lãnh đạo Công ty, Đoàn công tác đã đề nghị Công ty xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các trường hợp không chấp thuận làm việc tại Công ty sau ngày 30/6”, báo cáo của UBND huyện Giao Thủy cho biết.

Cũng theo báo cáo trên, “sau khi bàn bạc lãnh đạo Công ty đã thống nhất nâng mức hỗ trợ cho người lao động thôi việc, cụ thể nâng lên 500.000 đồng đối với người có thời gian làm việc từ 3-6 tháng; 700.000 đồng đối với người có thời gian làm việc từ 6-12 tháng; các trường hợp có thời gian làm việc trên 12 tháng ngoài mức hỗ trợ theo quy định tại điều 46-Bộ luật Lao động cũng được tăng thêm 200.000 đồng”; thêm rằng: “Công ty sẵn sàng bố trí công việc ngay đối với những người có nguyện vọng tiếp tục làm việc tại các xưởng khác của nhà máy”.

Theo báo cáo của UBND huyện Giao Thủy, đại diện các công nhân đã đồng ý với kết quả cuộc đối thoại.

Một đoạn trong văn bản báo cáo sự việc của UBND huyện Giao Thủy.

Trước đó, theo các nữ công nhân làm việc tại xưởng gia công mũi giầy, mức lương cơ bản họ nhận được trong thời gian làm việc tại đây là 3.670.000 đồng.

“Làm thêm, tăng ca đều thì tổng thu nhập được gần 6 triệu đồng/tháng ”, một nữ công nhân cho hay; thêm rằng “nếu chuyển đến xưởng đế sẽ được khoảng 7-8 triệu tiền lương nhưng phải tăng ca hơn 12 tiếng và phải làm cả ca ngày và ca đêm”.

Điều 46, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về “Trợ cấp thôi việc”:

  1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
  2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
  3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Điều 47, cùng Bộ luật trên quy định về “Trợ cấp mất việc làm”

  1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
  2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
  3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Sau hai ngày đình công, công nhân da giầy được thêm 200.000 đồng hỗ trợ thôi việc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO