Năm học 2018-2019 đối với lớp 1: Đủ điều kiện học 2 buổi/ngày

Linh Thủy 10/05/2017 10:05

Trước dư luận băn khoăn về các điều kiện cơ sở vật chất trong các nhà trường hiện nay có đáp ứng được khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ông Phạm Hùng Anh - Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) khẳng định, Bộ GD-ĐT đang có khảo sát và có giải pháp để thực hiện.

Ông Phạm Hùng Anh - Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em.

Theo ông Phạm Hùng Anh, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khảo sát thiết bị dạy học ở tất cả các trường trên phạm vi toàn quốc và nhận diện được những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của từng cấp, từng địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ đã xác định được những trọng tâm ưu tiên đầu tư, trong đó có bổ sung thiết bị dạy học cho các địa phương trong thời gian tới theo lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Nội dung này đã được thể hiện trong đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông” mà Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ.

“Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa tới đây tập trung chủ yếu là đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức dạy học. Đối với các môn học có nhiều thiết bị dạy học, xét về mặt khoa học thì các thiết bị này cơ bản không thay đổi. Một phần thay đổi ở đây là sẽ sắp xếp và tổ chức lại việc khai thác và sử dụng thiết bị cho phù hợp với các môn học.” – ông Phạm Hùng Anh khẳng định.

Trước mắt các nhà trường cần rà soát lại thiết bị hiện có, chỉ mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu và sắp xếp lại cho phù hợp với các môn học chứ không phải mua sắm lại toàn bộ. Việc mua sắm bổ sung cũng sẽ tính đến việc trang bị các thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay. Song song với đó là khuyết khích các nhà trường tổ chức cho giáo viên và học sinh tự làm thiết bị dạy học, vừa đáp ứng nhu cầu dạy và học, vừa nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh.

Trước băn khoăn về việc không phải nơi nào cũng có thể tận dụng, sắp xếp được khi thực tế là ở một số trường thiết bị dạy học rất thiếu hoặc nếu có cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng không còn đảm bảo cho việc dạy và học, ông Phạm Hùng Anh thừa nhận: Qua khảo sát cho thấy đúng là một số trường trang thiết bị còn thiếu và đã hỏng nhiều, nhiều phòng học bộ môn chưa đạt chuẩn, những thiếu hụt này đã được Bộ đưa vào nội dung của Đề án, các tỉnh/thành sẽ đầu tư bổ sung cho các trường trong thời gian tới.

Trong quá trình khảo sát, theo thông tin từ Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, để các trang thiết bị sử dụng được lâu bền, ngoài việc trang bị những thiết bị tốt, đúng quy chuẩn thì việc bảo quản và sử dụng của các nhà trường cũng hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, trường nào ban giám hiệu quan tâm, xây dựng quy chế bảo quản và sử dụng đúng quy trình thì nơi đó trang thiết bị sẽ tốt và bền.

Còn vấn đề đầu tư mua sắm, theo lãnh đạo Cục, việc đổi mới chương trình sẽ được thực hiện theo lộ trình từng năm, vì vậy việc mua sắm thiết bị cũng thực hiện theo đúng lộ trình của đổi mới chương trình và sách giáo khoa, có nghĩa khi áp dụng chương trình mới ở lớp nào thì mới trang bị thiết bị dạy học cho lớp đó và được thực hiện cuốn chiếu theo từng năm học, không mua sắm dồn dập cùng một lúc.

Theo tinh thần dự thảo, chương trình được xây dựng theo hướng mở và có nhiều môn học mới, học sinh được phép lựa chọn để học tập. Điều này sẽ dẫn đến việc tự chọn môn học rất đa dạng, phong phú, có thể cùng một lúc, một buổi diễn ra nhiều hoạt động dạy và học khác nhau. Vậy cơ sở vật chất phải làm sao để đáp ứng việc chọn môn học cho học sinh?

Về việc này, lãnh đạo của Cục khẳng định: Dự thảo chương trình mới sẽ có nhiều môn học tự chọn và tập trung ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo khảo sát của Bộ thì ở hai cấp học này, tỷ lệ phòng học trên lớp học trung bình trong cả nước khoảng 0,7 phòng/lớp (một vài nơi có tỷ lệ thấp hơn), trong khi đó hai cấp học này không bắt buộc học 2 buổi/ngày, vì vậy cơ bản phòng học được đáp ứng.

Ngoài ra, để tránh trường hợp có quá nhiều hoạt động diễn ra cùng một lúc, cùng một thời điểm thì việc lập kế hoạch giáo dục của nhà trường là hết sức quan trọng. Với một kế hoạch giáo dục khoa học, hợp lý và phù hợp thì việc sử dụng cơ sở vật chất hiện có sẽ hiệu quả. Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, tỷ lệ học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày tương đối cao. Việc học 2 buổi/ngày không chỉ đối với học sinh lớp 1 mà còn ở tất cả các lớp thuộc bậc tiểu học.

Ông Phạm Hùng Anh khẳng định: Theo lộ trình năm học 2018 - 2019 sẽ thực hiện áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới đại trà với lớp 1. Hiện nay, các địa phương đang vào cuộc tích cực để chuẩn bị cho lộ trình này. Năm học 2018 - 2019, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 và từng bước tiến tới áp dụng đại trà với từ lớp 2 đến lớp 5 trong những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm học 2018-2019 đối với lớp 1: Đủ điều kiện học 2 buổi/ngày

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO