Năm học 2022-2023: Đổi mới phải hiệu quả

HOÀI VŨ (thực hiện) 04/09/2022 05:58

Trước thềm năm học mới, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, đổi mới là cần thiết, nhưng cứ đổi mới liên tục e rằng sẽ không mang lại hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Quang Vinh.

“Đổi mới phải trên cơ sở kế thừa cái cũ và phải tính toán kỹ, chứ thực hiện rồi xong lại thấy nảy sinh bất cập. Sau đó, chúng ta lại khắc phục bất cập bằng đổi mới lần nữa thì không có sự ổn định cần thiết”, bà Việt Nga nhấn mạnh.

PV: Thưa bà, từ thực tế đi giám sát, bà cảm nhận như thế nào về những khó khăn mà ngành giáo dục sẽ phải đối mặt trong năm học 2022-2023 tới?

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: Năm nay ngành giáo dục tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa (SGK). Những năm trước, SGK mới áp dụng cho lớp 1, lớp 6.

Năm nay áp dụng tiếp cho các lớp 2, 7, và 10. Năm học 2022-2023 theo tôi ngành tiếp tục với đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, có thể nói là áp lực. Thứ nhất, tiếp tục đổi mới chương trình - SGK. Nhiều phản ánh cho biết SGK đến tay giáo viên (GV) chậm, phải tập huấn gấp gáp, nên GV vất vả trong tiếp cận chương trình - SGK mới.

Thứ hai, ngành sẽ chịu nhiều áp lực khi số lượng GV còn đang thiếu rất nhiều. Theo thống kê, hiện địa phương nào trên cả nước cũng đang thiếu GV. Đồng nghĩa với việc GV trong biên chế của ngành giáo dục phải “gánh” khối lượng công việc rất lớn. Nếu đủ GV, khối lượng công việc sẽ được san sẻ. Nhưng vì thiếu nên càng tăng áp lực cho GV, trong khi đó chính sách cho GV chưa được cải thiện. Do đó tôi e ngại sẽ gia tăng trường hợp GV bỏ nghề.

PV: Thưa bà, cách gì để xử lý dứt điểm việc dạy thêm - học thêm trong năm học 2022-2023 tới?

- Tôi xin nhấn mạnh rằng, học thêm rất cần thiết với cả 2 đối tượng. Một là các em học kém cần phụ đạo, hai là các em muốn học nâng cao bổ sung kiến thức. Đó là “học thêm đúng nghĩa” chứ không ai “ép” ai cả.

Ví như thấy môn nào kém thì tìm lớp cho con học thêm, hoặc thấy con có năng khiếu muốn nâng cao hơn thì có thể tìm thầy giỏi cho con học thêm. Đó là học thêm tự nguyện. Học thêm đúng nghĩa vẫn rất cần thiết, chúng ta không nên cấm triệt để theo kiểu không quản lý được thì cấm.

Nhưng làm thế nào để quản lý được dạy thêm - học thêm là việc chúng ta cũng cần tính đến yếu tố đời sống của GV. Nếu đời sống chưa được đảm bảo, lương quá thấp, không có thu nhập gì thêm ngoài việc dạy thêm thì tự nhiên dạy thêm trở thành công việc kiếm tiền, càng dạy nhiều càng tốt, càng “bắt” được nhiều học sinh đi học càng tốt. Lúc đó lại trở thành vấn nạn học thêm tràn lan, dạy thêm tràn lan.

Không có nhu cầu vẫn phải đi học thêm, học không có tác dụng, chỉ cần nộp tiền đi học thêm là cái cần phải cấm. Tuy nhiên, học là quyền của các em, các em có quyền chọn lựa mình học thêm ở đâu, học thầy cô nào, chứ không phải ngoài giờ học ở trường thì các em không được học thêm ở đâu khác nữa. Như thế là không đúng!

Thứ ba, hệ thống trường học của chúng ta ở nhiều địa phương chưa đáp ứng đủ yêu cầu của học sinh (HS). Phân luồng đào tạo và định hướng nghề nghiệp chưa tốt. Nó xảy ra tình trạng lượng lớn HS tốt nghiệp THCS có nguyện vọng nhưng không được vào học tại các trường THPT vì thiếu các trường THPT.

Vì thế các em phải rẽ sang học nghề cũng chỉ để lấy bằng cấp 3, rồi sau này đi học đại học tiếp. Điều đó khiến lãng phí. Bởi lẽ ra HS học trường nghề xong thì vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề để ra trường có thể làm được việc luôn.

Nhưng do thiếu trường nên các em phải vào học ở trường nghề để lấy bằng THPT, sau đó lại tiếp tục đi học đại học. Như thế dẫn đến tình trạng trường nghề đào tạo nghề nhưng học xong thì HS không thực hành nghề nghiệp mà đi học đại học tiếp. Đó cũng là khó khăn mà ngành giáo dục cần phải nghiêm túc nhìn nhận để giải quyết.

Bên cạnh đó, dư luận còn nhiều băn khoăn đối với ngành giáo dục, và đó cũng là áp lực đối với ngành. Ví dụ chuyện giá SGK; lạm thu đầu năm học; giáo dục đạo đức trong nhà trường...

Thưa bà, câu chuyện giá SGK năm học 2022-2023 cao gấp 3-4 lần so với hiện hành đang “nóng” dư luận. Tại sao chúng ta không tăng có lộ trình mà lại để tăng quá cao như vậy. Điều đó gây áp rất lực đối với người cho con đi học, nhất là người nghèo, người ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn?

- Nói đến câu chuyện SGK chúng ta phải hiểu rõ “đầu đuôi ngọn ngành”. Nguyên nhân tăng do áp dụng bộ SGK mới có sự chênh lệch đáng kể về giá giữa SGK cũ và SGK mới.

Ví dụ, bộ SGK lớp 10 theo chương trình cũ của năm 2021 thì ít tiền. Nhưng năm nay không dùng bộ đó mà dùng bộ mới có giá nhiều tiền hơn. Do số trang khác nhau, chất lượng giấy in khác nhau nên tiền tăng lên. Nó không phải việc dùng bộ SGK cũ mà tăng giá, nó là bộ SGK mới hoàn toàn. Cho nên không thể có lộ trình tăng giá dần dần, bởi nó là bộ sách mới.

Tuy nhiên trong câu chuyện trên, ngành giáo dục cũng có sơ suất. Bởi khi tính đến SGK mới cần phải tính toán toàn diện. Bên cạnh chất lượng cần phải tính đến vấn đề giá thành. Dường như ngành đã bỏ qua giá thành, chỉ quan tâm tới SGK mới chất lượng như thế nào, để thẩm định chất lượng. Cho nên khi đưa ra, giá thành sách bộ mới cao hơn nhiều so với giá sách cũ gây phản ứng đối với các bậc phụ huynh. Cho nên cần chọn thời điểm nào là phù hợp, và nó có phù hợp với hoàn cảnh hiện nay hay không? Phụ huynh khó có thể chấp nhận ngay được việc giá SGK tăng cao. Năm trước giá này, năm nay giá khác, nó là một sự vô lý.

Đây là việc Bộ GDĐT đã giải trình nhiều, nhưng sắp tới sẽ có thanh tra, kiểm tra từ việc giá SGK, in ấn ra sao cho đến việc sách có đưa vào mặt hàng bình ổn giá hay không thì trong thời gian tới chúng ta cần giải quyết dứt điểm vấn đề này để phụ huynh học sinh yên tâm hơn.

Câu chuyện giá sách giáo khoa năm học 2022-2023 cao gấp 3-4 lần so với hiện hành đang “nóng” dư luận. Ảnh: Hà Thu.

Điều đó cũng cho thấy sự bị động của ngành giáo dục nên chưa tạo được sự đồng thuận của người dân, thưa bà?

-Tôi nghĩ ngành giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông. Bởi việc sử dụng bộ SGK mới, áp dụng theo đổi mới chương trình - SGK là thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội. Nhưng truyền thông chưa được đẩy mạnh, cho nên không chỉ phụ huynh học sinh và học sinh, mà tôi thấy GV cũng rất hoang mang về việc nhiều bộ SGK dạy như thế nào? Qua đi giám sát tôi đã hỏi nhiều GV “nếu bây giờ cho chọn lại là dạy SGK thì chọn cái nào, họ bảo chọn một bộ SGK.

Tôi thấy việc áp dụng linh hoạt nhiều bộ SGK có tính ưu việt của nó. Tuy nhiên, để cho GV và người dân biết tính ưu việt thì công tác truyền thông chưa đầy đủ. Ngay việc giá sách cũng thụ động. Sách in rồi, đến tay phụ huynh thì phụ huynh mới bất ngờ tại sao đắt tiền thế! Và bây giờ có sửa chữa gì cũng khó.

Lâu nay chúng ta hay nói đến vấn nạn lạm thu đầu năm học, gây bức xúc rất lớn trong nhân dân. Vậy tại sao không giải quyết được dứt điểm, thưa bà?

- Gốc rễ của lạm thu có nhiều nguyên nhân. Nhưng có nguyên nhân ít người nói đến là ngân sách chúng ta dành cho giáo dục vẫn còn rất thấp. Cái này tôi rất chia sẻ với ngành giáo dục. Đi tiếp xúc cử tri, tôi có hỏi các trường thì thực ra tiền ngân sách dành cho 1 trường học trong 1 năm rất ít.

Thậm chí ở vùng nông thôn có trường chi 110 triệu đồng/năm, có trường 130 triệu đồng/năm. Riêng chi trả lương cho GV đã gần hết; chưa kể tiền điện, nước, văn thư. Nếu muốn có hoạt động khác để nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh thì không còn cách nào khác là phải xã hội hóa. Và đó là nguyên nhân.

Đương nhiên số tiền nhiều hay ít phụ thuộc vào ngân sách và quy mô trường, nhưng đa số rất ít. Ngoài chi “cứng”, phần còn lại để chi cho hoạt động ngoại khoá, hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học là không nhiều. Các nhà trường muốn tìm tòi đổi mới thì phải xã hội hóa. Không phải tất cả các mục xã hội hóa đều lạm thu nhưng đó cũng là nguyên nhân.

Bây giờ chúng ta cứ nhìn các trường ngoài công lập. Học phí cao nhưng rõ ràng, rành mạch. Ngoài khoản đó phụ huynh không phải nộp thêm bất cứ khoản gì. Họ biết được 1 năm mất bao nhiêu tiền cho con đi học để họ còn chủ động về tài chính. Trong khi đó trường công có rất nhiều khoản thu. Năm nay lại thu khác năm trước. Những khoản thu đó là mầm mống dẫn đến lạm thu. Ví như kiểu xã hội hóa trang bị thêm thiết bị trong nhà trường, có trường trang bị điều hoà cho học sinh, có trường trang bị máy chiếu, có trường trang bị bảng chống lóa, rồi chưa kể các khoản khác.

Theo bà "nút thắt" của lạm thu cần giải pháp nào để khắc phục?

-Không phải trường nào cũng xã hội hóa để lạm thu, nhưng có sự không rõ ràng, rành mạch khi các trường lợi dụng xã hội hóa để thu thêm các khoản thu vô lý của học sinh. Phụ huynh học sinh có người không biết, nhưng có người biết nhưng “ngại” nói ra. Vì nghĩ rằng cho con đi học, có bao khoản đành “đóng góp”... cho xong. Ai cũng nghĩ con mình còn học ở đây lâu dài, cho nên họ cũng “ngại”, không muốn nói ra. Thậm chí, có trường sử dụng hội phụ huynh học sinh để thu tiền ngoài danh mục. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến lạm thu.

Do đó, theo tôi để xử lý vấn đề lạm thu chúng ta phải quyết liệt. Vì đây là việc nhiều năm nói đến nhưng việc xử lý cũng chưa được dứt khoát, cũng chỉ nhắc nhở chung chung. Để xử lý lạm thu phải xử lý mạnh tay, và cần công khai rõ ràng cho phụ huynh học sinh biết vấn đề thu đầu năm học trong nhà trường gồm những khoản thu gì là bắt buộc, khoản thu gì là thoả thuận qua hội phụ huynh? Vấn đề này cần bàn bạc công khai.

Việc tăng học phí đang gặp phải ý kiến gay gắt khi học phí năm học 2022-2023 tăng 2-2,5 lần. Chúng ta vừa trải qua khó khăn vì dịch bệnh, giá cả hàng hóa tăng cao, còn lương của người lao động lại chưa tăng. Bà nghĩ sao nếu tăng học phí ở thời điểm này?

-Có hai câu chuyện. Một là tăng học phí và miễn học phí cho bậc THCS như đề xuất của Bộ trưởng Bộ GDĐT. THCS được miễn học phí hoàn toàn, còn các bậc phải nộp học phí thì lại tăng học phí. Đương nhiên dư luận xã hội sẽ đặt câu hỏi tại sao lại vừa tăng, vừa giảm như thế?

Tôi thấy tăng học phí ở thời điểm này là khá nhạy cảm. Chúng ta vẫn rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thậm chí bây giờ dịch bệnh còn bùng phát tiếp theo khi xuất hiện các biến chủng mới. Bởi vậy tăng học phí là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng ở thời điểm này.

Chúng ta đã có một loạt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ tiền nhà cho người lao động, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, miễn giảm thuế, phí. Vậy mà học phí lại tăng? Như thế khiến những chính sách an sinh xã hội kia ít nhiều mất đi ý nghĩa. Bởi giảm ở lĩnh vực này, tăng ở lĩnh vực kia thì các chính sách không còn nguyên giá trị.

Tôi nghĩ rằng miễn học phí cho học sinh THCS là có cơ sở pháp lý vững chắc theo Luật Giáo dục và các thông tư, nghị định. Miễn học phí, phụ huynh học sinh sẽ phấn khởi. Nhưng miễn phần thu thì lấy đâu tiền để bù? Chắc chắn phải bù từ ngân sách. Bù từ ngân sách lại kéo theo gánh nặng cho ngân sách ở thời điểm này vốn rất khó khăn. Do đó cũng cần rà soát kỹ và có lộ trình thận trọng.

Vì lương thấp mà nhiều GV đã nghỉ việc chuyển sang lĩnh vực khác. Năm học 2022-2023 có thể sẽ thiếu rất nhiều GV. Vậy, cần nhìn nhận việc này thế nào, thưa bà?

-Trước tiên đây là một sự xót xa, bởi từ xưa đến nay nghề giáo được coi là nghề cao quý. Thế nhưng giờ chính các thầy cô giáo lại quay lưng với nghề cao quý của mình. Vậy chúng ta phải xem xét tại sao họ lại quay lưng như thế.

Thứ hai đó cũng là sự lãng phí rất lớn. Bởi để đào tạo ra một GV cũng mất nhiều nguồn lực của xã hội, lẫn cá nhân. Đào tạo sư phạm cũng đặc thù hơn so với các ngành khác vậy mà họ lại không cống hiến cho ngành nữa. Trong khi các ngành khác có bằng cấp tương đương nhưng muốn đi dạy học phải đi học thêm bằng nghiệp vụ sư phạm.

GV có thâm niên vẫn bỏ nghề đó là sự lãng phí rất lớn. Cho nên chúng ta phải tìm cách giải quyết vấn đề này. Đương nhiên sự "chảy máu nhân lực" của ngành nào cũng là đáng tiếc cả, nhưng trong giáo dục là rất quan trọng, bởi việc thiếu hụt GV ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học tới con em chúng ta, có tác hại về sau. Vì thế cần giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm chứ không để kéo dài.

Vậy theo bà có cơ chế đặc thù nào để giải quyết bài toán thiếu GV, vì năm học mới sắp bắt đầu?

-Để giải bài toán thiếu GV, ngành giáo dục cần rà soát xem đâu là căn nguyên, gốc rễ của vấn đề để tham mưu cho Chính phủ gỡ nút thắt đó. Còn bây giờ chỉ giải quyết từng mảng chứ chưa có giải pháp tổng thể. Ví như tỉnh này thiếu thì tuyển, tỉnh kia thiếu thì tăng cường đào tạo.

Thứ hai, tuyển dụng GV vẫn theo Luật Viên chức. Vậy với những sinh viên sư phạm được “đặt hàng” theo kiểu Nhà nước trả tiền nuôi đi học, nhưng các em ra trường có phải đương nhiên là được vào ngành đâu. Các em lại phải trải qua 1 kỳ thi viên chức nữa. Theo quy định, đã được Nhà nước trả tiền học phí mà không phục vụ trong ngành thì các em phải bồi hoàn toàn bộ học phí. Các em muốn phục vụ ngành nhưng thi viên chức thì có em đỗ, có em không đỗ, chứ có phải ai cũng đỗ hết. Vậy các em không đỗ có phải bồi hoàn tiền học phí hay không.

Bên cạnh đó, các em khác không học sư phạm mà muốn trở thành GV thì phải có thêm bằng nghiệp vụ sư phạm. Những em không học sư phạm ra có bằng nghiệp vụ sư phạm và thi đỗ viên chức thì đương nhiên cũng thiệt thòi hơn các em được đào tạo sư phạm. Vì cũng là GV nhưng tôi không được ưu đãi về học phí mà các bạn khác lại được ưu đãi về học phí. Đó chính là sự khấp khểnh trong chính sách. Cho nên cần rà soát và có giải pháp tổng thể và khả thi hơn.

Vì thế “nút thắt” cần quan tâm nhiều nhất trong năm học 2022-2023 chính là bài toán thiếu nhân lực. Chất lượng giáo dục tốt phải bắt đầu từ người GV. Cơ sở vật chất có tốt đến mấy mà không đủ GV, không đào tạo bồi dưỡng GV thì chúng ta cũng không thực hiện được. Dạy và học là hai vế quan trọng.

Vế “dạy” không lo được một cách đầy đủ thì “học” sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, cần tập trung giải quyết khâu giáo GV. Thiếu đã khó rồi xong tôi e ngại vì thiếu nên khâu tuyển dụng lại dễ dãi, ảnh hưởng đến chất lượng dạy. Ảnh hưởng chất lượng dạy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học sinh và chất lượng tới chất lượng thi cử. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của các trường đại học. Nên vấn đề nguồn nhân lực phải là vấn đề giải quyết đầu tiên.

Bà vừa nhắc đến vấn đề thi cử, và học gắn với thi cử nhưng bao năm qua chúng ta cứ loay hoay trong chuyện thi cử. Vậy phải chăng cho thấy ngành giáo dục chưa đánh giá thực chất việc dạy và thi, thưa bà?

-Ngành giáo dục có nhiều điểm đổi mới về thi cử trong nhiều năm nay. Tôi nghĩ thi cử chỉ là “khâu ngọn” của quá trình giáo dục, “khâu gốc” là phương pháp dạy. Tương ứng với phương pháp nào thì có cách đánh giá như thế. Nếu như chúng ta vẫn cứ dạy theo phương pháp cũ, xong lại đổi mới cách thi cử thì GV và học sinh bị động, thậm chí hoang mang.

Năm ngoái hoang mang không biết môn Sử sẽ học trong tình trạng tự chọn hay bắt buộc. Còn năm nay lớp 12 không biết môn Văn học thế nào. Những xáo trộn đó khiến tâm lý của phụ huynh và học sinh không được ổn định. Cho nên cần xem xét trước khi có đổi mới cần rà soát cho thật kỹ. Đổi mới là cần thiết, nhưng cứ đổi mới liên tục tôi e rằng sẽ không mang lại hiệu quả.

Quá trình vận động và phát triển bao giờ cũng có đổi mới, không bao giờ giẫm chân tại chỗ. Nhưng đổi mới phải trên cơ sở kế thừa cái cũ và phải tính toán kỹ, chứ thực hiện rồi xong lại thấy nảy sinh bất cập. Sau đó, chúng ta lại khắc phục bất cập bằng đổi mới lần nữa thì không có sự ổn định cần thiết.

Trân trọng cảm ơn bà!

PV: Thưa bà, để giải bài toán tăng học phí thì cần giải pháp nào?

-Tôi cho rằng, ngành giáo dục phải rà soát tổng thể các chính sách giáo dục. Phải tham mưu cho Chính phủ có cơ chế chính sách phát triển thu hút giáo dục ngoài công lập. Nó chia sẻ gánh nặng rất nhiều cho giáo dục công lập.

Giáo dục công lập được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, còn giáo dục ngoài công lập được đầu tư bằng tiền của tư nhân, tổ chức cá nhân. Nếu phát triển giáo dục ngoài công lập thì ngân sách nhà nước cũng sẽ bớt đi phần đáng kể. Đến nay, chúng ta chưa có nhiều chính sách khuyến khích để phát triển giáo dục ngoài công lập. Chắc chắn khi giáo dục ngoài công lập phát triển sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách và khoản đó có thể nâng cao, cải thiện đời sống cho giáo viên. Như vậy chúng ta không phải loay hoay chuyện tăng học phí hay không, và tăng bao nhiêu?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm học 2022-2023: Đổi mới phải hiệu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO