Nan giải bài toán bảo vệ môi trường: Bất cập thu phí

Đức Sơn - Minh Sang 16/12/2020 08:28

Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ: “Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường, hoặc có hoạt động làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường”. Tuy nhiên đó chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế thì không như vậy. Chúng tôi đã tìm về các làng nghề và chứng kiến không ít những bất cập…

Chất thải rắn xỉ lò đổ ra môi trường khiến làng nghề Mẫn Xá ô nhiễm trầm trọng.

Thản nhiên gây ô nhiễm

Xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), nơi vẫn được coi là làng nghề nấu nhôm lớn nhất miền Bắc. Những ngày này, ở đây khói bụi từ các lò nấu nhôm phủ kín cả vùng rộng lớn, khiến cuộc sống của người dân xung quanh luôn trong tình trạng ngột ngạt.

Lật giở từng trang của cuốn sổ tử, ông Nguyễn Văn Sơn, cán bộ dân số xã Văn Môn cho hay, trung bình mỗi năm xã Văn Môn có trên dưới 10 người chết vì mắc ung thư. Theo ông Sơn, con số này là quá nhiều đối với dân số của một xã.

Theo tìm hiểu của PV Báo Đại Đoàn Kết, hiện ở xã Văn Môn có hơn 300 hộ làm nghề tái chế, nấu nhôm thành phẩm. Trên thực tế, hơn 300 hộ này chỉ đi làm thuê cho trên dưới 100 doanh nghiệp kinh doanh nhôm thành phẩm, hiện đang hoạt động trên địa bàn xã.

Điều đáng nói, với cái mác là làng nghề truyền thống tái chế, nấu nhôm, nên rất nhiều năm qua, các hộ này đều không phải đóng bất kỳ đồng tiền phí bảo vệ môi trường (BVMT) nào. Đó là phí BVMT đối với nước thải, phí BVMT đối với chất thải rắn.

Trong văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, do ông Nguyễn Đình Phương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh ký nêu rõ: “Hiện các hộ cơ sở làng nghề Mẫn Xá, thuộc xã Văn Môn tự đổ thải ra môi trường khoảng 80 tấn xỉ than, nhôm/ngày, gây ảnh hưởng đến chất lượng đất, nước dưới đất và sức khỏe của người dân sinh sống trong làng nghề”.

Cách không xa với xã Văn Môn, chỉ độ hơn chục cây số là làng nghề giấy Phong Khê (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh) cũng trong tình cảnh tương tự. Hiện làng nghề giấy Phong Khê cũng được coi là điểm đen về môi trường, cùng lượng chất thải, khí thải phát sinh.

Theo báo cáo ngày 19/11/2020 của UBND TP Bắc Ninh, làng giấy Phong Khê có tổng số 119 hộ làm nghề, thu hút từ 4.000 - 5.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Hiện lượng nước thải phát sinh (nhiều thông số ô nhiễm vượt QCVN từ 20 - 30 lần) tại khu vực làng nghề vào khoảng 12.000 m3/ngày được xả trực tiếp vào kênh tiêu dẫn ra sông Ngũ Huyện Khê. Chỉ một phần nước thải mới được thu gom về nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê để xử lý.

Bên cạnh đó, hầu hết hệ thống xử lý khí thải của các cơ sở làm nghề đều không đạt quy chuẩn hiện hành. Không ký hợp đồng chuyển giao chất thải công nghiệp, nguy hại cho đơn vị có chức năng thu gom, xử lý. “Tất cả các cơ sở nằm trong khu vực làng nghề giấy Phong Khê đều không thực hiện những thủ tục về môi trường và đều có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”, báo cáo nêu rõ.

Tương tự, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) cũng có tới 4 làng nghề tiểu thủ công nghiệp nằm trong danh sách làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân gây ô nhiễm được chỉ rõ là do các hộ sản xuất xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và phát sinh nhiều bụi, khí than.

“Xa vời” tiền phí bảo vệ môi trường

Về thực trạng trên, ông Đào Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh, huyện Nam Trực (Nam Định) thẳng thắn thừa nhận: Hiện toàn bộ nước thải từ các cơ sở tái chế nhôm ở làng nghề Bình Yên đều tống thẳng ra hệ thống kênh mương nội đồng, mà chưa hề qua xử lý. Tính tới thời điểm hiện tại, chính quyền xã cũng chưa thu được một đồng nào tiền phí BVMT đối với nước thải.

Trong khi đó, tại làng nghề Mẫn Xá (Bắc Ninh), lượng chất thải rắn công nghiệp đều đặn phát sinh tới hơn 80 tấn/ngày, nhưng ông Nguyễn Hoàng Gia - Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho hay, các cơ sở sản xuất chỉ biết tới lợi nhuận của họ thôi. Ngoài ra, họ không nộp một đồng thuế phí nào hết.

Bằng chứng là từ thời ông Gia còn làm Phó Chủ tịch xã Văn Môn cho tới nay, chính quyền xã không thu nổi một đồng thuế phí BVMT nào.

Về vấn đề trên, ông Phạm Đức Định, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Phong cho hay: “Các hộ sản xuất kinh doanh là nơi phát sinh chất thải. Bây giờ chính quyền lại phải xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Mẫn Xá”. Vẫn theo ông Định, người dân làng nghề chính là đối tượng gây ô nhiễm, lẽ ra phải trả tiền phí BVMT. Nhưng giờ đây, địa phương lại phải dùng tiền ngân sách để giải quyết hậu quả việc ô nhiễm.

Trong khi đó, theo báo cáo từ UBND TP Bắc Ninh thì hầu hết các tổ chức, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề Phong Khê không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, không đóng đầy đủ tiền xử lý nước thải cho Nhà máy xử lý nước thải tập trung Phong Khê.

Không chỉ có nước thải, mà khí thải, rồi rác thải, hiện đang là “bộ ba” nguyên nhân chính khiến môi trường làng nghề giấy Phong Khê ô nhiễm trầm trọng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải bài toán bảo vệ môi trường: Bất cập thu phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO