Nan giải cải tạo, xây mới chung cư cũ

Thanh Giang 10/07/2019 08:00

Nhiều ý kiến lo ngại, chương trình phát triển nhà ở của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020 khó hoàn thành, đặc biệt là kế hoạch cải tạo, xây mới chung cư cũ. Thực tế có quá nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết nên việc di dời và triển khai dự án gần như “giậm chân tại chỗ”.

Nan giải cải tạo, xây mới chung cư cũ

Nhiều chung cư cũ ở TP Hồ Chí Minh xuống cấp trầm trọng.

Theo kế hoạch của UBND TP HCM, trong năm 2019 thành phố giao Sở Xây dựng sớm triển khai việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ trên địa bàn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc cải tạo, xây mới chung cư cũ gặp một số khó khăn vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm. Đơn cử, chung cư 128 Hai Bà Trưng và chung cư 23 Lý Tự Trọng (quận 1) đang vướng mắc trong việc xác định nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với phần diện tích thuộc sở hữu của Nhà nước. Chung cư 6 bis Nguyễn Tất Thành (quận 4) lại do 2 Công ty Cổ phần vận tải và Thương mại quốc tế, Công ty TNHH Trung Mỹ sở hữu 92,3%. 2 công ty trên không hợp tác nên quận 4 chưa thể chọn được chủ đầu tư.

Đề cập đến việc cải tạo và xây mới chung cư cũ, bà Nguyễn Thị Thu Nga - Phó Chủ tịch UBND quận 10 phân trần, những vướng mắc lớn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cải tạo, sửa chữa chung cư cũ tập trung vào cơ chế chính sách, trình tự thủ tục, xử lý việc mua bán nhà tái định cư. Nhà đầu tư luôn mong muốn có chính sách rõ ràng để giảm rủi ro trong đầu tư. Đây chính là lý do quận 10 chưa thực hiện được việc xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ.

Trước những vướng mắc trên, một số ý kiến lo ngại chương trình phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2016 – 2020 khó hoàn thành. Yêu cầu đặt ra, phải có cơ chế chính sách thông thoáng hơn. Theo đó, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt phải hấp dẫn nhà đầu tư. Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải rõ ràng ngay từ khi xây dựng bài toán mời gọi đầu tư. Có chính sách ưu đãi cụ thể về tiền sử dụng đất, huy động vốn, nghĩa vụ tài chính đối với việc điều chỉnh hệ số sử dụng đất. Xác định rõ nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích thuộc sở hữu của Nhà nước.

Ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, theo kế hoạch của UBND thành phố, trong năm 2019 thành phố sẽ thực hiện sữa chữa, cải tạo 108 chung cư cũ với tổng kinh phí khoảng 89 tỷ đồng; khởi công xây dựng 8 chung cư; hoàn thành tháo dỡ 7 chung cư; di dời 729 hộ dân của 12 chung cư cấp D; lựa chọn chủ đầu tư cho 11/15 chung cư cấp D (cấp độ nguy hiểm). Sở Xây dựng thành phố cũng thừa nhận, có nhiều khó khăn trong việc triển khai, cải tạo và xây dựng cũ. Do vậy, dự án thường kéo dài thời gian thực hiện, thậm chí là 5 – 10 năm vẫn chưa bồi thường mặt bằng xong.

Để chương trình cải tạo, xây mới chung cư cũ của TP HCM thực hiện tốt theo kế hoạch đề ra, ông Lê Hòa Bình khẳng định, Sở Xây dựng đang kiến nghị Bộ Xây dựng một vài điểm. Thành phố mong Bộ Xây dựng hướng dẫn phương thức thực hiện tái định cư tại chỗ dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người dân là có nơi ở mới tại vị trí cũ. Trường hợp, người dân muốn nhận tiền để lo nơi ở mới thì có thể chuyển nhượng căn hộ hình thành trong tương lai. Nhà đầu tư có trách nhiệm lo quỹ nhà tạm cư hoặc ứng tiền để Nhà nước chi trả cho tạm cư, đồng thời tập trung xây dựng, bàn giao quỹ nhà phục vụ tái định cư. Nhà nước có trách nhiệm bố trí tạm cư, chọn nhà đầu tư để xây dựng lại chung cư cũ cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải cải tạo, xây mới chung cư cũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO