Nan giải chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất

Đoàn Xá 14/09/2016 09:05

Thời gian qua, tình trạng mưa lớn kéo dài khiến khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) bị ngập cục bộ đã không còn là vấn đề lạ mà xảy ra thường xuyên và có chiều hướng phức tạp hơn. Thế nhưng, những giải pháp để khắc phục tình trạng ngập nước này vẫn khá mơ hồ, thiếu đồng bộ.

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam khẳng định, tình trạng ngập ở Tân Sơn Nhất đã ở mức báo động. Qua ghi nhận thực tế, chỉ trong vòng một tháng qua, có tới 2 trận mưa lớn đã làm tê liệt sân bay này, khiến các chuyến bay không theo đúng lịch trình và phải đáp xuống sân bay khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sân bay mà còn khiến các hãng hàng không bị vạ lây vì máy bay không cất hạ cánh đúng thời gian quy định.

Theo Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh, việc sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nước thực tế cũng khá bất ngờ nhưng có thể giải thích được.

Theo đó, sân bay cũng là một trong những công trình dân dụng như nhiều công trình khác của toàn thành phố. Khi xảy ra mưa lớn, hệ thống nước ở sân bay cũng phải thoát qua hệ thống kênh rạch khác của quận Tân Bình và thành phố. Mà ai cũng biết, hệ thống thoát nước chung của toàn thành phố đang bị quá tải trầm trọng nên việc chậm thoát nước là đương nhiên. “Diện tích sân bay cực lớn khiến lưu lượng nước mưa qua đây cũng rất lớn mà hệ thống thoát nước ở sân bay chưa tương xứng, chủ yếu qua các kênh rạch ở quận Tân Bình. Đó là 3 tuyến kênh Nhật Bản, kênh Hy Vọng và kênh A41.

Trong khi đó, bản thân các kênh rạch này lại đang bị lấn chiếm, chèn lấp khiến việc thoát nước bị ảnh hưởng, không kịp thời theo đúng công suất dự tính”, đại diện Trung tâm này cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, các kênh A41 và kênh Nhật Bản đều nằm trong khu dân cư có mật độ lớn nên lượng rác thải, bùn đất và lấn chiếm qua đây nhiều. Hậu quả của nó khiến mặt kênh ngày càng bị thu hẹp đáng kể. Thậm chí, như kênh A41 có đoạn chỉ rộng chừng 1 mét lại bị rác lấp chèn lên, ảnh hưởng đến dòng chảy là điều tất yếu.

Ngoài ra, có một thực tế cũng cần ghi nhận là những trận mưa gần đây còn khiến nhiều tuyến đường bên ngoài sân bay bị ngập, chậm thoát nước, ảnh hưởng đáng kể đến việc thoát nước của sân bay.

Về giải pháp chống ngập cho khu vực Tân Sơn Nhất, đại diện sân bay khẳng định trước mắt sẽ lắp đặt hệ thống bơm cỡ lớn để ứng phó với những trận mưa có lưu lượng lớn hơn. Theo đó, hệ thống máy bơm sẽ có nhiệm vụ hút nước trực tiếp từ các kênh nhỏ trong sân bay rồi đổ ra 3 kênh lớn như trên. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng đây chỉ là giải pháp tình thế và hiệu quả chưa chắc đã như mong đợi.

Về lâu dài, nhiều chuyên gia chống ngập cho rằng cần xây dựng lại hệ thống kênh thoát nước, tăng thêm các đường rãnh, đường dẫn nước trong sân bay. Nếu có thể thì xây dựng các hầm nhỏ ngầm kết nối với nhau ở các diện tích tĩnh để kịp thời làm mất nước khi mưa lớn. Với đặc điểm là nếu có nước mưa tích tụ sẽ khiến việc hạ cánh cực kỳ khó khăn, công tác thoát nước ở sân bay, đường băng không đơn giản như thoát nước ở các công trình công cộng khác vì chỉ một sơ suất nhỏ sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường.

Đặc biệt, điều quan trọng và lâu dài vẫn là ưu tiên cải tạo, nạo vét và nâng cấp công suất thoát nước của 3 tuyến kênh kể trên. Về điều này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng đã giao cho Trung tâm chống ngập phối hợp triển khai nạo vét, xây kè các tuyến kênh trên.

Cụ thể, kênh A41 sẽ được nạo vét, khơi luồng và để hở. Trong khi đó, với kênh Nhật Bản (quận Tân Bình), một hướng thoát nước khác của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được cải tạo mới, kiên cố hóa.

Dự kiến, dự án này với số vốn khoảng 360 tỷ đồng sẽ giúp tuyến kênh dài chừng 750 mét này thành kênh hở, rộng khoảng 3-5 mét, đủ sức “giải nguy” cho khu vực sân bay nếu có mưa lớn kéo dài xuất hiện. Được biết, đây sẽ là các giải pháp lâu dài giúp cho sân bay Tân Sơn Nhất không lặp lại những tình trạng ngập nặng tương tự như thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO