Nan giải tình trạng phân bón giả

Minh Phương 10/08/2017 07:45

Hiện cả nước có khoảng 800 cơ sở sản xuất phân bón được cấp phép bên cạnh hàng nghìn cơ sở, đơn vị sản xuất phân bón chưa được cấp phép… Đây đang được coi là cuộc chiến không cân sức, chưa hồi kết giữa nhà quản lý và phân bón giả.

Phân bón giả, phân bón nhái vẫn đang là thách đố.

Nhẹ về xử lý

Theo Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), thực trạng phân bón giả vẫn diễn ra hết sức phức tạp, có xu hướng năm sau lãi cao hơn năm trước.

Con số thống kê cho biết, năm 2015 có trên 4000 vụ vi phạm nhưng đến năm 2016 con số này lên trên 5.000 vụ vi phạm. Trong số đó, rất nhiều vụ còn chưa được giải quyết bởi pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về “Phân bón giả tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hiệp Hội phân bón, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, nếu vi phạm phân bón giả mà chỉ phạt hành chính thì sẽ làm hỏng ngành phân bón Việt Nam. Do đó cần thiết phải xử lý theo pháp luật và quy trách nhiệm.

Đồng quan điểm, Ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho hay, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua tại nhiều địa bàn gây nguy cơ về nước, ô nhiễm môi trường trường, thiệt hại lớn cho DN sản xuất, kinh doanh chân chính và bà con nông dân.

Cụ thể, DN thường xuyên sản xuất các loại phân bón vô cơ, hữu cơ trong nước, mặc dù chất lượng kém, nhưng lại dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài.

Các tỉnh thành có các DN sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hiện nay phải kể đến là Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An. Các cơ sở này thường sản xuất phân bón kém chất lượng mà không bám vào quy chuẩn đã được Bộ Công thương quy định.

DN thường lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật về tổng chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. “Thực tế cho thấy, Nghị định 202 có hiệu lực từ 1 tháng 2 năm 2014, nhưng đến thời điểm này, Bộ Công thương cũng chưa có văn bản chính thức về chất chính trong phân bón, dẫn đến mỗi cơ quan có cách hiểu và giải thích khác nhau. Thực trạng này đã gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra, làm hạn chế hiệu quả thi hành công vụ của các lực lượng chức năng…” – ông Thái nhận định.

Hàng nhái quại hàng giả

Đứng ở vai trò DN sản xuất, ông Vũ Xuân Hồng - Phó TGĐ Cty CP Supe Phốt phát Hóa chất Lâm Thao bày tỏ quan điểm, trên thực tế cộng đồng DN không lo về nạn phân bón giả vì chúng ta đã có cơ chế, chế tài xử lý vấn nạn này.

Điều DN lo hơn là thực trạng phân bón nhái và kém chất lượng. “Hiện chúng ta chưa có quy chuẩn để xác định sản phẩm, nhưng những đơn vị sản xuất này vẫn được cấp phép sản xuất, có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Do vậy người dân không thể phân biệt đâu là hàng thật đâu là hàng nhái, chỉ khi kiểm tra chất lượng sản phẩm cụ thể mới phát hiện ra lệch quy chuẩn mà DN đăng ký. Hiện DN lo ngại nhất là phân bón nhái chứ không phải phân bón giả” – ông Hồng cho hay.

Trên thực tế, theo các DN, hàm lượng chất dinh dưỡng trong các sản phẩm phân bón hàng nhái này rất ít, các DN làm nhái còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, mẫu mã bao bì, lừa bịp người dân và cơ quan quản lý.

Dẫn chứng thực trạng này, ông Hồng cho biết, sản phẩm phân NPK, có rất nhiều DN làm nhái và cho rằng đó chỉ là tên họ đăng ký với hàm lượng chất dinh dưỡng thấp.

Khi bán ra thị trường DN này lại bán sát giá với phân bón những đơn vị sản xuất chuẩn, dẫn đến lợi nhuận của DN này rất cao, thiệt thòi lại thuộc về các DN chân chính.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải siết lại thị trường phân bón bằng cách dẹp bớt các đơn vị sản xuất kinh doanh. Con số 800 cơ sở được cấp phép hiện nay là quá lớn, chỉ cần 300 DN là hợp lý, dễ kiểm soát. Như vậy các doanh nghiệp sẽ cùng nhau tận tâm phục vụ cho ngành nông nghiệp và nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải tình trạng phân bón giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO