Nâng cao bảo mật đề thi

Vi Cầm 16/07/2022 14:00

Bộ GDĐT cho biết đã nhận được kết quả xác minh nghi vấn lộ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 từ cơ quan chức năng của Bộ Công an. Theo kết quả xác minh, hoàn toàn không có chuyện lộ đề thi môn Ngữ văn; với môn Toán trong quá trình dự thi có thí sinh đã dùng điện thoại để chụp gửi đề thi ra ngoài.

Cụ thể, với đề thi môn Ngữ văn, cơ quan chức năng khẳng định: Hoàn toàn không có việc lộ đề. Việc dự đoán tên tác phẩm sẽ ra trong đề thi chính thức của 3 sinh viên (thuộc một trường đại học tại TPHCM) là quản trị mạng “Kaito Kid” dựa trên sự phân tích của các cá nhân trong nhóm và kết quả bình chọn của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, việc này đã tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận về việc đề thi bị lộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cơ quan chức năng của Bộ Công an đang phối hợp với nhà trường và địa phương để xử lý các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Còn đối với đề thi môn Toán, theo cơ quan chức năng: Hành vi tiết lộ đề thi môn Toán trong thời gian thi của một thí sinh tại Hội đồng thi TP Đà Nẵng (trong lúc làm bài thi môn Toán, thí sinh này đã sử dụng điện thoại chụp ảnh câu hỏi đề thi, đăng lên mạng nhờ giải hộ) đã vi phạm Quy chế thi. Cơ quan chức năng của Bộ Công an đang phối hợp với các bên liên quan làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vụ việc này không ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Trên cơ sở kết quả xác minh từ cơ quan chức năng của Bộ Công an, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trong ngành Giáo dục: Tăng cường hơn nữa các biện pháp giáo dục, chấn chỉnh các cá nhân và tổ chức trong việc đăng tải thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận; xử lý nghiêm sai phạm trong thực hiện Quy chế thi; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về công tác coi thi tại Điểm thi có thí sinh vi phạm Quy chế thi.

Những ồn ào xung quanh việc lộ đề thi tốt nghiệp THPT với môn Ngữ văn, Toán hay bất kỳ môn thi nào khác cũng khiến thí sinh dự thi thấy khó có thể an tâm. Trước đó, các giám thị coi thi cũng như thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi đều đã được tập huấn/ phổ biến rất kỹ về Quy chế thi. Do đó việc để thí sinh mang điện thoại hoặc các thiết bị số vào phòng thi, ít nhiều cho thấy sự chủ quan, lơ là trong khâu giám sát coi thi; đồng thời thể hiện hành vi cố tình vi phạm Quy chế thi của thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Những sai sót, sự cố trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia các năm trước cũng đã từng khiến dư luận rất băn khoăn. Đơn cử như kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ GDĐT thừa nhận có sự cố “lọt” đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán. Cụ thể, sự việc xảy ra do một thí sinh ở Trường THPT Lệ Thủy, Quảng Bình sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi và đăng lên. Khi ấy, theo đại diện Bộ GDĐT, sự cố đề thi Toán không phải lộ đề mà “lọt” đề. “Lộ đề” xảy ra khi chưa bóc đề thi và làm bài. Còn lọt đề là đề thi bị “lọt” ra khi thí sinh đã làm bài…

“Lọt”, hay “lộ” đề thi, trách nhiệm thuộc về ai, ở khâu nào…? Suy cho cùng đều nằm ở ý thức của con người. Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), để đảm bảo một kỳ thi thực sự nghiêm túc, khách quan, việc đầu tiên phải làm tốt về mặt quy trình. Tức là quy trình chặt chẽ và quy định đủ kín kẽ, tránh hiện tượng “lách luật”. Tiếp đến, việc lựa chọn con người là yếu tố quyết định. Bởi dù có chặt chẽ và kín kẽ đến đâu, nếu người thực thi nhiệm vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, sai sót vẫn có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao bảo mật đề thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO