Nâng cao chất lượng đại học

Phương Linh 08/08/2016 10:05

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2015 – 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 – 2017 vừa diễn ra, lãnh đạo một số trường đại học (ĐH) đã có những đề xuất để nâng cao chất lượng các trường đại học trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng đại học

Ảnh minh họa.

Đầu tư để nâng cấp các trường sư phạm

Theo GS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…, học sinh họ không cần thiết phải tìm đường du học bằng mọi cách, khi tự thân họ đã xây dựng được những ngôi trường rất tốt, đạt đẳng cấp quốc tế cho người dân của mình. Việc tốt nghiệp từ những trường tốt nhất của họ không thua kém mấy so với những trường danh tiếng của phương Tây.

So sánh với Việt Nam, GS Nguyễn Văn Minh cho hay: “Hiện nay hệ thống các trường ĐH đang gặp rắc rối bởi 2 hình mẫu: Chân dung của một ĐH hiện đại và hiện hữu của một ĐH đang có kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Con đường nào là khoa học, là thực tiễn và khả thi để đạt đến mục đích một ĐH đúng nghĩa là câu hỏi đặt ra.

Vấn đề đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới đào tạo đội ngũ giáo viên đòi hỏi cấp thiết phải sớm có cơ sở vật chất và điều kiện thực hiện công tác đào tạo. Đó là giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, hệ thống thông tin và thư viện, mà thực tế những cơ sở vật chất trên ở các trường sư phạm còn nhiều bất cập.

Trong thời gian qua, mặc dù được quan tâm nhưng nói chung việc đầu tư cho các trường sư phạm còn rất hạn chế. Như với ĐH Sư phạm Hà Nội, một trường lớn trong hệ thống sư phạm, nhưng 5 năm qua nhà trường chỉ được đầu tư mới 1 công trình, cải tạo 5 công trình phục vụ cho các nhiệm vụ cụ thể. Hiện nay, kiến trúc và chất lượng của các tòa nhà xây dựng từ trước năm 1990 đã trở nên xa lạ với yêu cầu của một trường ĐH hiện đại.

Phòng thí nghiệm, phòng thực hành và hệ thống công nghệ thông tin ở hầu hết các trường sư phạm đều cũ kỹ, lạc hậu, trang thiết bị khiêm tốn dẫn đến khó khăn trong công tác dạy học và nghiên cứu. Bên cạnh đó là những vấn đề về cuộc sống của sinh viên như kí túc xá…

Từ những thực trạng trên, GS Nguyễn Văn Minh kiến nghị: Các ngành, Bộ sớm đầu tư kinh phí để nâng cấp thiết bị cơ sở vật chất cho các trường sư phạm, đầu tư có trọng tâm, có kế hoạch để sớm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục giai đoạn 2016 – 2020.

Cần quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo giáo viên, một mặt đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng, mặt khác như thế mới có thể đầu tư trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo. Cho phép thí điểm xã hội hóa trong đầu tư để tăng nguồn vốn cho các công trình xây dựng hạ tầng, kể cả công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm, phòng thực hành…

Đề nghị có cơ chế tự chủ cao hơn

Cũng góp một ý kiến của việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, GS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, thay mặt những trường đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ ĐH nêu quan điểm: Hiện nay có khoảng 250 trường ĐH nhưng chỉ có 14 trường thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, nghĩa là con số các trường tham gia thí điểm cơ chế tự chủ rất ít. Đây mới là đang đi bước đi đầu tiên, tiến tới tự chủ hóa giáo dục quốc gia.

Về kết quả từ đề án tự chủ mang lại , ông Đạt chia sẻ: Với hơn một năm thực hiện đề án, nhà trường đã tiến được những bước tiến dài trong quá trình phát triển nâng cao chất lượng.

Về đào tạo, nhà trường đã chủ động hơn trong việc mở ngành, mở chuyên ngành, và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động. Cũng như chủ động xây dựng giáo trình mang tính gần hơn với quốc tế. Là một trong vài trường ĐH đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ qúa trình đào tạo. Việc ứng dụng này đã mang hiệu quả lớn mang tính nâng cao chất lượng, tính chủ động của người dạy, người học.

Qua nghiên cứu, khảo sát, điều tra sinh viên ra trường, chúng tôi nhận thấy hai điểm yếu của sinh viên ra trường là tiếng anh và kỹ năng mềm. Về điều này, các nhà trường cần hỗ trợ sinh viên hai kỹ năng này trong quá trình đào tạo để đảm bảo sản phẩm đầu ra. Muốn thực hiện được điều đó phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Về việc học phí, thì xu thế của trường ĐH tự chủ nằm trong lộ trình tăng học phí. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi cũng luôn cố gắng không bao giờ để các em có cơ hội vào trường mà không được theo học do khó khăn. Mà có những hỗ trợ tài chính từ các quỹ liên kết hợp tác với các tập đoàn...

Qua đánh giá quá trình thực hiện, lãnh đạo ĐH Kinh tế quốc dân cũng đưa ra kiến nghị: Chính phủ cần có cơ chế chính sách về lãi suất, hỗ trợ vay để các trường tự chủ tiếp cận, thực hiện trong quá trình phát triển. “Chúng tôi muốn có cơ chế được vay, tiếp cận nguồn vốn để được vay chứ không phải muốn xin từ ngân sách” – ông Đạt nói.

Thứ hai, tự chủ nhưng vẫn được tiếp tục đầu tư ngân sách với những dự án phát triển các trường trọng điểm, đầu tư ưu tiên với những công trình nghiên cứu của cả nước.

Thứ ba, theo nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập, thì thời hạn thực hiện thí điểm tự chủ ĐH là đến năm 2017. Vì thế, chúng tôi muốn cơ chế thí điểm này hoặc là kéo dài hoặc là cho cơ chế quyền tự chủ cao hơn để đánh giá được cả quá trình. Hoặc cũng có thể không thí điểm nữa mà chính thức hóa cơ chế tự chủ.

Phía Bộ GD&ĐT, ông Đạt cũng mong muốn sẽ sớm có văn bản hướng dẫn các trường ĐH thực hiện các nội dung tự chủ. Và hoàn toàn tán thành chủ trương của Bộ, nghĩa là tự chủ không phải chỉ bó hẹp trong tự chủ tài chính, mà mức độ tự chủ cần được giao trên năng lực tự chủ và kết quả kiểm định xếp hạng chất lượng các cơ sở đào tạo. Triển khai đồng bộ hơn trong cơ chế tự chủ.

Bên cạnh đó, cũng cần sớm hoàn thành công bố rộng rãi xếp hạng các trường ĐH, để người học thấy được sự khác biệt của các trường, từ đó đồng thuận với mức thu học phí của các trường ĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO