Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh: Không thể chậm trễ hơn

Thu Hương 26/07/2019 08:00

Điểm thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây đều thấp. Điểm thi vào lớp 10 ở nhiều tỉnh thành có thi môn này cũng thấp với điểm trung bình dưới 5. Thực trạng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông những năm gần đây ở các khu vực khó khăn như miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long... gần như không thay đổi.

Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh: Không thể chậm trễ hơn

Cần tạo động lực cho người học tiếng Anh.

Cải thiện chất lượng học tiếng Anh nhờ... trung tâm ngoại ngữ?

Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh năm nay cho thấy, điểm trung bình tăng 0,46 điểm so với 2018, là 4,36 điểm. Số bài thi đạt hơn và bằng điểm 8 năm nay cũng tăng hơn so với năm 2018 tới 3,26%, chiếm 5,96% số bài thi. Tuy nhiên, “nỗi buồn dai dẳng” điểm trung bình của môn thi không qua nổi điểm 5 giống như các năm trước và mức điểm đạt nhiều nhất chỉ 3 đến 3,4 vẫn không thay đổi.

Một môn học cần thiết giúp mở rộng, cập nhật kiến thức của nhân loại lại chưa trở thành động lực giúp học sinh có ý thức tự thân học môn học này. Mặc dù có sự tiến bộ rõ rệt ở các tỉnh thành lớn về kết quả thi tiếng Anh nhưng những khu vực khó khăn như miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long gần như không thay đổi phần nào cho thấy sự thất bại của việc dạy và học môn này trong trường phổ thông.

Từ kinh nghiệm của TP HCM - địa phương có điểm trung bình tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia cao nhất cả nước trong 3 năm qua, đồng thời luôn đứng đầu về tỷ lệ thí sinh có điểm từ 8 trở lên, có thể thấy việc cải thiện chất lượng tiếng Anh của học sinh nhờ khá nhiều từ các... trung tâm ngoại ngữ. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP HCM cho biết, cả thành phố có 700 trung tâm ngoại ngữ. Hầu hết học sinh TP HCM học thêm môn này ở bên ngoài trường học. Chỉ có một số em vùng ven đô thị do điều kiện kinh tế khó khăn mới không tham gia học thêm.

Trong kỳ thi THPT quốc gia hầu như mới kiểm tra riêng kỹ năng đọc viết của học sinh. Hai kỹ năng nghe và nói vốn rất quan trọng trong việc học ngôn ngữ chưa được đề cập trong bài thi này càng là nỗi lo lắng lớn của những nhà làm giáo dục. Bởi trên thực tế, không hiếm trường hợp người học ngoại ngữ cả 10 năm học phổ thông, lại học chuyên ngành ngoại ngữ trong trường đại học nhưng khi tiếp xúc với người nước ngoài cũng chỉ có thể nghe lõm bõm và nói... không thành câu hoặc nói mà người bản ngữ nghe không hiểu. Thất bại ấy, có lẽ còn ám ảnh hơn cả nhận bài thi dưới điểm trung bình!

Tăng cường thời gian học ngoại ngữ

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hữu- Giám đốc Đề án Ngoại ngữ quốc gia, theo khảo sát, có một vấn đề đáng lưu ý là điểm trung bình thi THPT quốc gia của học sinh học hệ 10 năm cao hơn hệ 7 năm xấp xỉ 2 điểm. Cụ thể, số thí sinh được học theo Chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm (học từ lớp 3 đến lớp 12) chiếm khoảng 10% số thí sinh dự thi năm nay. Đa số học sinh trên cả nước đang học Chương trình môn tiếng Anh hệ 7 năm, tức là chỉ học tiếng Anh chính thức từ năm lớp 6 đến lớp 12. Tuy nhiên, hệ 10 năm chủ yếu được triển khai ở những tỉnh thành có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Như vậy, nếu học sinh được học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm, năng lực tiếng Anh của học sinh sẽ được cải thiện đáng kể. Vấn đề đặt ra là phải triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm rộng khắp hơn là một trong những giải pháp cần được đẩy mạnh. Điều này lại phụ thuộc vào nỗ lực của chính các địa phương, không chỉ riêng của ngành giáo dục.

Từ kết quả thi này, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phân tích sâu hơn để Ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia xây dựng chiến lược bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục môn học này. Trong đó, đẩy mạnh vai trò xã hội hóa, sự hỗ trợ của các trung tâm ngoại ngữ trong đào tạo giáo viên, nhất là ở vùng xa.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận, chất lượng dạy và học tiếng Anh phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ giáo viên, lâu nay chuẩn hóa giáo viên vẫn theo nguyên tắc nặng bằng cấp, nhẹ thực hành. Phải từng bước hoàn hiện quy trình chuẩn hóa, giáo viên cần tăng cường giao lưu với giáo viên nước ngoài, nâng cao kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy.

Bên cạnh đó, cần lưu ý đến nguồn học liệu mở, học liệu số hóa để mọi người có thể linh hoạt học mọi lúc mọi nơi; phát triển hệ thống khảo thí chuẩn, có thể kiểm tra trình độ Anh ngữ chính xác, đồng đều.

Cuối cùng là tầm quan trọng của việc tạo động lực cho người học. Khi người học nhận thấy học ngoại ngữ là cần thiết cho việc đi thi, đi làm, giao tiếp hay để biết thêm một ngôn ngữ, việc học sẽ dễ dàng và có chất lượng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh: Không thể chậm trễ hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO