Nâng cao hiệu quả hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ biếu tín nhiệm và tiếp công dân của HĐND cấp tỉnh

Nguyễn Tuấn Anh 28/10/2017 10:30

Sáng 28/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban công tác đại biểu Quốc hội tổ chức hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh thành phố khu vực Nam trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 29 với chủ đề “ Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ biếu tín nhiệm và tiếp công dân của HĐND cấp tỉnh”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì hội nghị. Đại diện các cơ quan của Quốc hội và Thường trực HĐND 12 tỉnh trong khu vực.


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo hoạt động của HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2011-2016 và từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức, triển khai hoạt động lấy ý phiếu tín nhiệm và tiếp công dân theo đúng các quy định của pháp luật. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên được thực hiện tại kỳ họp giữa năm 2013, lần thứ II vào kỳ họp cuối năm 2014 đã khẳng định đây là chủ trương đúng, cần thiết của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới và là bước tiến quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, tạo được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước. Cùng với đó, Thường trực HĐND, các vị đại biểu HĐND đã tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh định kỳ và thường xuyên, kịp thời giải quyết đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc nghiên cứu, hướng dẫn công dân gửi khiếu nại, tố táo, kiến nghị, phản ánh đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, nghiên cứu, hướng dẫn công dân.


Quang cảnh
Hội nghị.

Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và tiếp công dân của HĐND là cơ sở pháp lý để HĐND đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên, thực hiện tốt hơn chức năng quyết định các vấn đề của địa phương và giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết HĐND. Tại Hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp trong các vấn đề về: Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm của HĐND; Hoạt động tiếp công dân của HĐND và địa biểu HĐND; Việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác tác động đến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và tiếp công dân của HĐND; Các đề xuất hướng tới việc hoàn thiện các văn bản pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và tiếp công dân; Những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội phát biểu chỉ đạo .

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, ghi nhận và đánh giá cao hoạt động lấy phiếu tín nhiệm và tiếp công dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của công dân của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tromg khu vực. Thông qua hoạt động này thể hiện HĐND thực sự là cơ quan quyền lực ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, việc tiếp công dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của Thường trực HĐND một số tỉnh có lúc, nơi chưa thường xuyên và hiệu quả còn hạn chế. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố cần quán triệt sâu sắc, đầy đủ mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, quy trình của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đến tất cả các đại biểu HĐND và những người giữ chức vụ do HĐND bầu. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu phải được thực hiện đúng quy trình và nghiêm túc, tránh hình thức. Đối với hoạt động tiếp công dân của HĐND, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân bằng nhiều hình thức, phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của từng dân tộc để mọi người dân hiểu rõ về thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan, về quy trình thủ tục đối với hoạt động khiếu nại tố cáo. Nâng cao hơn nữa vai trò của Thường trực HĐND, của đại biểu HĐND trong giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, nhất là đối với với các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa hợp tình, hợp lý, vi phạm trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết kiểm tra. Tăng cường và tổ chức thực hiện tốt việc giám sát chuyên đề giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo quy định. Đồng thời cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo do Thường trực HĐND, đại biểu HĐND chuyển đến…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao hiệu quả hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ biếu tín nhiệm và tiếp công dân của HĐND cấp tỉnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO