Nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống mua bán người

Hồng Điệp 31/07/2018 06:39

Ngày 30/7, tại Hà Nội, Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo rà soát công tác thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống mua bán người giai đoạn (2016-2018) và trình bày những điều khoản của Bộ luật Hình sự.

Phát biểu tại Hội thảo, ông David Knight, Trưởng Đại diện Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam cho biết, nạn mua bán người tồn tại trong mỗi quốc gia và mỗi khu vực kinh tế. Dù là ngành nghề kinh doanh như dệt may, quần áo, cà phê, giải trí hay công nghiệp xây dựng, rõ ràng là không nơi làm việc nào hoặc cộng đồng nào là ngoại lệ đối với mua bán người.

Giới thiệu về Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020, bà Phạm Mai Hiên, Phó Trưởng phòng 9, Cục Tham mưu cảnh sát, Bộ Công an cho biết, Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 (Gọi tắt là Chương trình 130/CP) bao gồm 5 đề án: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người; đấu tranh chống tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Chương trình được thực hiện với mục tiêu chung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người, tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa mua bán người, làm giảm nguy cơ bị mua bán, nhất là với nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Về hiệu quả thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người từ năm 2016 đến nay, ông Đinh Văn Trình, Phó Trưởng phòng phòng, chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, chia sẻ: Trung bình hàng năm, toàn quốc phát hiện gần 400 vụ án mua bán người với 600 đối tượng, lừa bán gần 1.000 nạn nhân. Khoảng 90% số nạn nhân trong các vụ mua bán người là phụ nữ, trẻ em gái độ tuổi phổ biến từ 15 đến dưới 30 tuổi.

Thủ đoạn phổ biến là các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber…), sử dụng nick, hình ảnh đại diện giả, tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt những cô gái mới lớn, thích ăn chơi đua đòi, trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… để môi giới lấy chồng nước ngoài hoặc đưa đi tìm việc làm có thu nhập cao, sau đó đưa nạn nhân ra nước ngoài bán làm gái mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp.

Trong nội địa, các đối tượng chủ yếu đưa nạn nhân là phụ nữ, trẻ em từ các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, gia đình khó khăn xuống các thành phố lớn, khu du lịch, trung tâm thương mại… để bán vào các ổ mại dâm; tìm người lao động ở các vùng nông thôn đưa đến các hầm mỏ, vùng kinh tế mới… để bóc lột sức lao động…

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2019-2020, ông Đinh Văn Trình cho rằng, cần huy động sức mạnh đồng bộ và sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những điểm mới trong Bộ luật Hình sự sửa đổi liên quan đến phòng, chống mua bán người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống mua bán người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO