Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

H.Vũ 15/09/2019 07:00

Báo cáo của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019 cho thấy: Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2020 là năm sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc.

Vẫn nóng đất đai

Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt, điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ Thiêm, TP HCM.

Điều đáng nói, so với năm 2018, tổng số đơn thư các loại giảm 7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 3%, số đoàn đông người giảm 0,6% nhưng số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%. Trong khi đó, về khiếu nại, so với năm 2018 giảm 5,5% số đơn và giảm 6,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Còn số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại với 67,7%, tăng 5,9% so với năm 2018. Về tố cáo, so với năm 2018 giảm 11,3% số đơn nhưng tăng 6,6% số vụ việc thuộc thẩm quyền, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 66,5%, tăng 1,2% so với năm 2018.

Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khiếu nại, tranh chấp đất đai có nguồn gốc là đất do nông, lâm trường quản lý, liên quan đến sử dụng đất an ninh, quốc phòng; việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống; khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án bất động sản; thu phí tại các trạm BOT. Nguyên nhân được xác định là do một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, nhất là trong lĩnh vực đất đai như quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dự án có mục đích thương mại, do có sự chênh lệch địa tô nên mặc dù vụ việc đã được giải quyết theo pháp luật nhưng công dân không nhất trí, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài với thái độ gay gắt, bức xúc.

“So với cùng kỳ năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2019 vẫn diễn biến phức tạp. Về cơ cấu, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo không có nhiều thay đổi so với năm trước, tập trung chủ yếu về khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm 67,7 % tổng số đơn, còn về tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ“ - ông Nguyễn Khắc Định- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: Khiếu nại trong những năm qua tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, nhất là ở việc thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dự án có mục đích thương mại. Đây là nơi xảy ra nhiều sai phạm, tham nhũng, đồng thời việc thu hồi đất của dân với giá rẻ nhưng sau đó doanh nghiệp lại bán rất đắt dẫn đến người dân bức xúc. Vì vậy Chính phủ cần có đánh giá tổng kết, xem chỗ nào là do Luật Đất đai, chỗ nào là do tổ chức thực hiện để có biện pháp khắc phục.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo - 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu về vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo.

Chưa thực hiện tốt tiếp công dân

Một vấn đề được ông Lê Minh Khái-Tổng Thanh tra Chính phủ nhắc đến chính là bởi công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, vi phạm; việc thanh, kiểm tra còn hạn chế, bất cập và chưa kịp thời, nhất là đối với một số lĩnh vực hay xảy ra khiếu kiện ở một số địa phương; một số công chức thiếu trách nhiệm khi thi hành công vụ, thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Đơn cử như qua thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua tiến hành 1.640 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 2.751 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phát hiện 623 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 425 tổ chức, 628 cá nhân, xử lý kỷ luật 19 tổ chức, cá nhân.

“Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân. Có những vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân” - ông Khái cho hay.

Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị: Chính phủ cần đánh giá cụ thể, phân tích sâu sắc hơn về chất lượng, hiệu quả, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc tổ chức tiếp công dân, việc tổ chức đối thoại trong tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, cần chỉ rõ người đứng đầu các ngành, các cấp nào không trực tiếp thực hiện quy định tiếp công dân, ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ để có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người không thực hiện nhằm đưa công tác này vào nền nếp, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài.

“Việc hướng dẫn, giải thích pháp luật cho người khiếu nại, tố cáo trong quá trình tiếp dân trong một số trường hợp cụ thể chưa thực sự đầy đủ, nên mặc dù vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Một số Chánh án Tòa án Nhân dân các cấp chưa giành thời gian tiếp công dân theo đúng quy định của luật”- ông Lê Hồng Quang, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho hay.

Nâng cao chất lượng cán bộ

Theo ông Khái, trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở những địa phương có sai phạm, sơ hở, yếu kém trong quản lý nhà nước. Do đó các cấp, các ngành cần chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là trong việc tham mưu, ban hành quyết định hành chính và thực thi công vụ ở những lĩnh vực dễ xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra ở những lĩnh vực này. Ông Khái cũng cho rằng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các cấp cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất, công khai lịch tiếp công dân, và giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở.

Theo ông Định, năm 2020 là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025, do vậy tình hình khiếu nại, tố cáo tiềm ẩn nguy cơ gia tăng và có thể có những diễn biến phức tạp. Cho nên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động có các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới để làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ông Định cũng lưu ý Chính phủ tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. “Xử lý nghiêm, kịp thời đối với cán bộ, công chức sai phạm, thiếu trách nhiệm“ - ông Định nêu rõ.

* Xử lý 388 người

Về kết quả, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 27.130 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,4%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 205,5 tỷ đồng, 24,1 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.889 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 597 người, đã xử lý 388 người, chuyển cơ quan điều tra 20 vụ, 26 đối tượng.

“Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân. Có những vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân” - ông Khái cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO