Nâng cao vai trò của các tôn giáo về bảo vệ môi trường

Quốc Định 25/05/2017 18:30

Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tôn giáo về bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngày 25/5, tại TP Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo BVMT và ứng phó với BĐKH tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động năm 2016 và thống nhất hoạt động năm 2017.

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có TS Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo; đại diện các cơ quan: Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam); Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban Dân vận Trung ương; Ban Tôn giáo Chính phủ. Đặc biệt, Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện các tổ chức tôn giáo, lãnh đạo UBMTTQ các tỉnh, thành phía Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cho biết, thời gian qua, Ủy ban MTTQ, Sở Tài nguyên và Môi trường và các tôn giáo ở các địa phương trong cả nước đã triển khai công việc, phối hợp một cách sinh động, phong phú. Ban chỉ đạo Trung ương đã tổ chức các lớp huấn luyện, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BVMT và ứng phó với BĐKH ở cộng đồng các địa phương và trong đồng bào các tôn giáo nhằm giảm nhẹ khi có rủi ro thiên tai xảy ra và triển khai xây dựng một số mô hình điểm tại TP Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các mô hình khác.

Báo cáo với các đại biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết: Sau khi Chương trình phối hợp được ký kết giữa các bên, từng tôn giáo đã triển khai và đưa nội dung về BVMT, ứng phó với BĐKH vào chương trình hoạt động hàng năm của tôn giáo mình. Các tổ chức tôn giáo ở từng địa phương đã tham gia ký kết Chương trình phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam và Sở Tài nguyên & Môi trường các tỉnh, thành phố.

Nhờ vậy mà công tác này đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó phải kể đến các hoạt động nổi bật như: hoạt động từ thiện, nhân đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp năm 2016 đạt 2.000 tỷ đồng.

Công giáo đưa ra những việc làm cụ thể để hưởng ứng cho Chương trình trong các xứ đạo, đoàn thể, gia đình, để biết tôn trọng môi sinh.

Sau khi ký kết Chương trình phối hợp, các Hội thánh Tin lành đã triển khai Chương trình phối hợp đến từng chi hội Tin lành, đồng thời vận động tín hữu tích cực tham gia Chương trình, giữ cảnh quan khuôn viên nhà thờ luôn xanh, sạch, đẹp.

Các Hội thánh Cao Đài đưa nội dung BVMT và ứng phó với BĐKH vào chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm; hướng dẫn chức sắc, tín đồ cập nhật kiến thức BVMT, ứng phó với BĐKH để áp dụng vào sinh hoạt tôn giáo.

Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo có mô hình thu gom rác từng hộ gia đình, mô hình sản xuất rau an toàn; trong sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân là tín đồ hưởng ứng Chương trình tưới nước tiết kiệm trên cây lúa, giúp nông dân giảm số lần bơm nước trung bình từ 1-2 lần/vụ nhằm tiết kiệm chi phí; chương trình quản lý dịch hại tổng hợp; mô hình đổi bao bì, lo chai thuốc bảo vệ thực vật lấy quà Tết ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Cộng đồng Hồi giáo, sau khi tuyên truyền, phổ biến thông tin đến tín đồ, tạo sự đoàn kết cụ thể hóa chính sách hành động BVMT và ứng phó với BĐKH: Tổ chức các cuộc sống hàng ngày thân thiện với môi trường, ăn uống hợp vệ sinh, phòng dịch bệnh bảo vệ sức khỏe, sử dụng nước sạch…

Tại Hội thảo, ông Eidvin Archer, Giám đốc NCA Việt Nam, đánh giá: Kết quả phối hợp của các bên trong thời gian qua là rất tốt và có nhiều ý nghĩa quan trọng. Chương trình đã đáp ứng mục tiêu phát triển của Liên Hiệp Quốc, trong đó triết lý của Chương trình đã tác động tích cực đến đời sống hiện tại và tương lai của người dân.

“Việc huy động các tổ chức tôn giáo hỗ trợ người bị nạn rất rõ ràng, có sức lan tỏa mạnh. Các nhà lãnh đạo tinh thần, tôn giáo đã có những ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đến các tín đồ của mình” - Ông Eidvin Archer khẳng định.

Ông Eidvin Archer kêu gọi các tôn giáo cần đoàn kết, tích cực hơn nữa để chương trình ngày càng có chiều sâu và cho ra nhiều mô hình hay để nhân động, đồng thời, ông Eidvin Archer khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo, kết nối các tôn giáo cùng thực hiện chung sứ mệnh này.

Hội nghị cũng đã thu hút được nhiều ý kiến góp ý đóng góp của các đại biểu. Các đại biểu cũng nghe các báo cáo minh họa về xây dựng mô hình điểm; nghe đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin về môi trường và biến đổi khí hậu, sự cố môi trường biển ở miền Trung do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gây ra, các đại biểu thảo luận về những việc đã làm được, bàn về những việc làm trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cho biết, các đại biểu đã thống nhất những kết quả đã đạt được trong năm 2016. Đây là sự cố gắng đầy trách nhiệm của các tôn giáo trong việc thực hiện những cam kết của tôn giáo mình đối với chương trình phối hợp này, đây cũng là kết quả bước đầu để chúng ta tiếp tục sứ mệnh của các tôn giáo đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc Việt Nam nói riêng và của loài người nói chung.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, Chương trình vẫn còn những hạn chế, cụ thể là đến nay vẫn còn 8 tỉnh chưa triển khai được nhiều về Chương trình; công tác tuyên truyền chưa được thực hiện chu đáo…

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình lưu ý, cần xác định tiêu chí thực hiện rõ ràng hơn để khi triển khai không còn lúng túng, đồng thời làm cơ sở để chúng ta đánh giá và nghiệm thu công việc.

Đề cập đến nhiệm vụ thời gian tới, theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, sẽ tập trung giải quyết dứt điểm 8 địa phương chưa triển khai chương trình phối hợp; xây dựng tài liệu chung, cụ thể hơn để phản ánh được tình hình. Để hiệu quả hơn, các tổ chức tôn giáo cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tham gia giám sát thực hiện việc này.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội nghị:

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao vai trò của các tôn giáo về bảo vệ môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO