Nâng 'chất' doanh nghiệp tư nhân

H.Hương 18/02/2017 09:10

Nền kinh tế đang có những biến chuyển. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là cộng đồng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chưa thật sự lớn để hội nhập, cũng như chất lượng của cộng đồng này cũng là vấn đề cần quan tâm.

Thách thức

Lần đầu tiên, vào năm 2016, Việt Nam đón nhận con số 110 nghìn DN thành lập mới- con số mang lại cảm xúc mừng cho cả nền kinh tế. Trước đó cũng theo thống kê hàng năm của Tổng cục Thống kê, có 460.000 DN thuộc khu vực tư nhân của cả nước đang hoạt động, chiếm 97,5% số DN cả nước.

Rõ ràng, DNTN đang có những bước tăng trưởng khá mạnh, điều này thể hiện hiệu quả tác động tích cực của Luật DN, Luật Đầu tư và hơn hết thể hiện niềm tin của cộng đồng DN và các nhà đầu tư đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Song trên thực tế, sức khỏe của khối DN này đang có nhiều điều đáng lo, gia nhập thị trường nhanh và rời bỏ thị trường cũng chóng. Trong bước tiến của hội nhập, kỹ năng lao động ở DNTN hạn chế; chiến lược kinh doanh, phổ biến có tầm nhìn ngắn đặc biệt là kinh doanh kiểu “chộp giật”

Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 2/2017 của Công ty nghiên cứu thị trường Market Intello vừa công bố cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2017 đứng trước nhiều rủi ro, thách thức. Trong đó có một thách thức được kể ra đó là việc khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết trong tình hình khó khăn của ngân sách nhà nước, cộng với việc Việt Nam sẽ không còn nhận vốn ưu đãi ODA kể từ tháng 7/2017 và xu hướng suy giảm của dòng vốn ngoại..

Một thách thức khác cũng được kể ra đó là, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng quay trở lại Mỹ và TPP đang rơi vào bế tắc, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút FDI. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,7% như kế hoạch, những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết.

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân

Việc Bộ Công thương vừa đưa ra 20 danh mục hàng hóa, dịch vụ trong dự thảo Nghị định quy định nhà nước giữ độc quyền đến nay vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Dù Bộ Công thương lên tiếng khẳng định phù hợp với cam kết quốc tế hiện hành của Việt Nam nhưng giới chuyên gia vẫn đưa ra nhận xét, là hạn chế tư nhân tham gia, đang đi ngược lại tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng về việc khuyến khích tư nhân phát triển.

Chẳng hạn ở lĩnh vực “quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch” không cần phải độc quyền, DNTN hoàn toàn có thể tham gia cung ứng.

Phải thừa nhận rằng, trong thời gian gần đây đã có nhiều hơn các cuộc đối thoại của Chính phủ với DN tại các diễn đàn DN và các hội nghị DN, nhưng vẫn còn thiếu một cơ chế đối thoại công - tư tập trung thảo luận về nhu cầu của các DN.

Theo TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ DN cần nghiêm túc, hiệu quả để tạo thuận lợi cho DN.

Ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, cần rà soát và xây dựng lộ trình giảm dần các đối xử mang tính phân biệt, khác biệt có thể ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNTN và DN nhà nước; Chủ động rà soát, trao đổi với các đối tác về các khía cạnh của kinh tế thị trường cần tiếp tục cải thiện ở Việt Nam.

Nữ giám đốc về Cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam của MBI Việt Nam, bà Từ Thu Hiền cho rằng, cần có các chính sách tạo thuận lợi cho việc hình thành DN; Tăng cường cơ sở hạ tầng về pháp lý; Tạo thuận lợi cho tiếp cận tài chính; Đảm bảo các cơ quan Chính phủ phối hợp tốt hơn trong quá trình hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển. Chính sách hỗ trợ xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi là vô cùng cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng 'chất' doanh nghiệp tư nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO