Nâng chất hợp tác đầu tư nước ngoài

Nam Việt 24/08/2019 08:00

Ngày 20/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đến năm 2030.

Nâng chất hợp tác đầu tư nước ngoài

Người dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông lo lắng khi dòng nước ô nhiễm do các nhà máy xả thải. Ảnh: TN.

Nghị quyết nêu rõ, qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút, quản lý ĐTNN, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động ĐTNN vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Thể chế, chính sách về ĐTNN chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Đáng chú ý, số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều; tỉ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp. Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp (DN), dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...

Nghị quyết chỉ ra những hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, dẫn tới việc thu hút ĐTNN còn thiếu chọn lọc. Từ đó cần chủ động thu hút, hợp tác ĐTNN ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong lĩnh vực này phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội...

Còn nhớ, tại kỷ yếu 30 năm thu hút ĐTNN tại Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã chỉ rõ, Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã đề ra đường lối Đổi mới, xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và mở cửa hợp tác ĐTNN. Trên cơ sở đó, cuối năm 1987, Quốc hội đã ban hành Luật ĐTNN tại Việt Nam. Đây là một quyết định lịch sử, đánh dấu sự thay đổi mang tính bước ngoặt về nhận thức, quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với ĐTNN.

Chặng đường hơn 30 năm thu hút ĐTNN đã thu được những kết quả quan trọng, khu vực ĐTNN phát triển, trở thành một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế. Lũy kế tính đến ngày 20/9/2018, cả nước có 26.646 dự án ĐTNN còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 185,62 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Tỷ trọng ĐTNN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng dần, từ gần 15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017; năm 2008 tỷ trọng này lên tới 30,8%.

Đóng góp của ĐTNN vào tăng trưởng kinh tế cũng ngày càng cao. Nếu giai đoạn 1986-1996, khu vực ĐTNN chỉ đóng góp 15,04% thì đến giai đoạn 2010-2017 đã đóng góp đến 27,7%. Khu vực ĐTNN cũng đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, với giá trị nộp ngân sách tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 1994-2000) lên 14,2 tỷ USD (giai đoạn 2001-2010). Giai đoạn 2011-2015, thu ngân sách từ khu vực FDI đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách; năm 2017, khu vực FDI đã đóng góp vào thu ngân sách gần 8 tỷ USD, chiếm 14,46% tổng thu ngân sách nhà nước.

Với mục tiêu phấn đấu khu vực có vốn ĐTNN đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm), kỳ vọng sắp tới sẽ thu hút hiệu quả dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc thu hút và tiếp nhận, triển khai ĐTNN như thế nào là rất quan trọng, bởi đã qua thời thu hút ĐTNN bằng mọi giá. Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, trong việc thu hút ấy thì tỉ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương khi thu hút ĐTNN đã ít tính đến yếu tố tài nguyên đất, tỉ lệ lao động người địa phương trong các dự án cũng như tác động môi trường. Đất đai có giới hạn trong khi các khu công nghiệp, khu chế xuất có vốn ĐTNN lại được ưu tiên tối đa về địa điểm thuận lợi, về diện tích đất…, sẽ thiệt thòi cho cộng đồng DN trong nước, thiếu hụt quỹ đất để phát triển các lĩnh vực khác. Việc nhân lực địa phương ít được tham gia trong các dự án ĐTNN cũng tạo ra những vấn đề xã hội không dễ giải quyết. Bên cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng trong quá trình thu hút, triển khai ĐTNN chính là sự “hy sinh” môi trường. Nhiều nhà máy lớn có vốn ĐTNN mọc lên bên những con sông, ven biển, rồi xả thải thẳng vào nguồn nước, đã để lại những hậu quả rất xấu. Thật đau lòng khi phải đứng nhìn những con sông bị “bức tử”, nạn thủy - hải sản bị chết “không rõ nguyên nhân”; sinh kế của đông đảo người dân sống gần những dự án đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Tất cả đã không chỉ dừng lại như những hồi chuông cảnh báo, mà thực sự là tai họa.

Ở đây, nổi lên trách nhiệm của cơ quan thẩm định, duyệt các dự án ĐTNN, cả ở cấp Trung ương lẫn địa phương. Tiếp đó là sự giám sát với các tầng nấc, các lực lượng khác nhau. Họ không thể nói rằng không biết các nhà máy, khu công nghiệp đó gây họa cho môi trường. Nếu trách nhiệm không được nâng cao, chế tài xử lý không đủ mạnh thì vẫn sẽ xuất hiện những dòng sông chết; những vùng nước ngầm, những khu vực biển bị nhiễm độc.

Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, những hạn chế, yếu kém do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó chính là yếu tố con người, bên cạnh thể chế, chính sách khi thu hút ĐTNN. Khi mà nguồn vốn ĐTNN được dự báo sẽ còn vào Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới, thì việc chặn “nguyên nhân chủ quan” phải được coi là cấp bách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng chất hợp tác đầu tư nước ngoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO