Nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ

Thu Hương 05/12/2017 09:45

ĐH Quốc gia Hà Nội vừa ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ mới, trong đó có nhiều yêu cầu chặt chẽ hơn về chất lượng đầu vào, đầu ra của nghiên cứu sinh, người hướng dẫn… so với Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GD&ĐT ban hành đầu năm 2017.

Quy chế của ĐH Quốc gia sẽ được áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2018, sớm hơn so với quy định chung của Bộ GĐ&ĐT là từ 1/1/2019.

Quy chế mới của ĐHQG Hà Nội nhằm nâng cao trình độ tiến sĩ - Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Gắn đào tạo nghiên cứu sinh với nghiên cứu, đào tạo

Giống như Quy chế chung Bộ GD&ĐT đã ban hành, những thí sinh có bằng tốt nghiệp ĐH chính quy ngành đúng từ loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ ngành/chuyên ngành đúng, ngành/chuyên ngành phù hợp hoặc ngành/chuyên ngành gần với ngành/chuyên ngành đăng ký dự tuyển mới được dự tuyển đào tạo tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, người dự tuyển bắt buộc phải là tác giả hoặc đồng tác giả tối thiểu 1 bài báo thuộc tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc 1 báo cáo khoa học đăng tại kỷ yếu của các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia hoặc quốc tế có phản biện, có mã số xuất bản ISBN liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu, có thư giới thiệu của 1 nhà khoa học có chức danh GS hoặc PGS…

Điểm mới của Quy chế đào tạo tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Hà Nội đó là gắn đào tạo nghiên cứu sinh với nghiên cứu và hoạt động đào tạo.

Cụ thể, trong quá trình làm luận án phải tham gia các hoạt động trợ giảng bậc đại học, thạc sĩ hoặc hướng dẫn sinh viên, học viên cao học thực hành, thực tập, hoặc hướng dẫn 2 khóa luận tốt nghiệp ĐH hoặc tham gia giảng dạy, trợ giảng các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn do đơn vị tổ chức.

Đồng tình với yêu cầu này, TS Lê Viết Khuyến- nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đối với những nghiên cứu sinh, bên cạnh việc thực hiện luận án nghiên cứu thì việc tham gia giảng dạy bậc ĐH vừa là cơ hội thực hành, trau dồi những kiến thức đã học và nâng cao năng lực giảng dạy tại một môi trường chuyên nghiệp như ĐH Quốc gia Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Khuyến cũng lưu ý đối với một số lượng lớn tiến sĩ đào tạo hàng năm, liệu trường ĐH Quốc gia Hà Nội có thể sắp xếp để tất cả có cơ hội thực hiện giảng dạy, trợ giảng hay không?

Hoạt động này sẽ được bố trí và giám sát ra sao, ai chịu trách nhiệm kiểm tra? Mặc dù Quy chế đã nêu rõ yêu cầu tất cả các hoạt động này phải có xác nhận kèm theo minh chứng của đơn vị đào tạo hoặc đơn vị đào tạo phối hợp nhưng vẫn cần được giám sát về chất lượng để không chỉ là thực hành cho có mà cần tạo ra giá trị, hiệu quả thực sự cho các nghiên cứu sinh và người được hướng dẫn.

Yêu cầu cao đối với luận án

Về điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, Quy chế của ĐH Quốc gia ngoài yêu cầu giống như Quy chế chung của Bộ GD&ĐT là phải công bố tối thiểu (trong thời gian làm nghiên cứu sinh) 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong đó tối thiểu có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus hoặc 2 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có uy tín xuất bản bằng tiếng nước ngoài có phản biện, có mã số ISBN; hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín của nước ngoài.

Trường hợp đặc cách bỏ qua quy trình phản biện độc lập và thực hiện thẳng quy trình thành lập Hội đồng đánh giá luận án nếu nghiên cứu sinh là tác giả chính của tối thiểu 3 bài báo trên các tạp chí ISI với tổng chỉ số IF từ 3.0 trở lên và kết quả công bố phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án.

Kiểm định chất lượng chặt chẽ

Nhận định về Quy chế đào tạo tiến sĩ mới của ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Lê Viết Khuyến cũng cho rằng những quy định về người hướng dẫn, thành viên Hội đồng đánh giá luận án không chỉ đảm bảo các yêu cầu theo Quy chế của Bộ GD&ĐT mà còn có nhiều quy định khắt khe hơn như phải có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học với chuyên môn phù hợp với đề tài luận án hoặc lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh; đối với người có bằng tiến sĩ nhưng chưa có chức danh GS, PGS hoặc học vị tiến sĩ khoa học, phải có tối thiểu 3 năm (36 tháng) hoạt động chuyên môn kể từ khi được cấp bằng tiến sĩ, thì được giao hướng dẫn phụ cho nghiên cứu sinh…

Tuy nhiên, việc bổ sung quy định những tiến sĩ có kết quả nghiên cứu xuất sắc (tác giả chính của 2 công bố ISI/năm liên tục trong 3 năm gần nhất), đơn vị đào tạo có thể đề nghị Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội xem xét cho phép làm hướng dẫn chính hoặc hướng dẫn độc lập tối đa 3 nghiên cứu sinh là rất linh hoạt, giúp việc lựa chọn người hướng dẫn của đơn vị và nghiên cứu sinh có nhiều cơ hội hơn nhưng vẫn đảm bảo được độ tin cậy, chất lượng.

Ông Khuyến cũng lưu ý, những quy định này được áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2018, sớm hơn so với quy định của Bộ GD&ĐT, trong khi hiện đã là cuối năm nên cần tuyên truyền rộng rãi để những người có nhu cầu dự tuyển biết và chuẩn bị các điều kiện phù hợp.

Đặc biệt, công tác tư vấn, hỗ trợ của nhà trường cần được thực hiện đầy đủ do có nhiều điểm mới so với quy định trước đây cũng như quy định chung của Bộ GD&ĐT.

“Việc siết chặt quy chế đào tạo tiến sĩ của ĐH Quốc gia Hà Nội là rất đáng hoan nghênh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của bậc học này. Trong quá trình thực hiện, yêu cầu giám sát và kiểm định chất lượng cần được tiến hành thường xuyên và nghiêm túc bởi chính đơn vị này cũng như các tổ chức đánh giá độc lập khác để tạo sự tin tưởng cho xã hội nói chung và chính người học nói riêng”- TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO