Nâng chế tài xử lý dự án điện chậm trễ

Minh Phương 09/01/2017 10:05

Bộ Công thương vừa có quy định về cam kết phát triển dự án và cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện không thực hiện đúng tiến độ cam kết.

Nâng chế tài xử lý dự án điện chậm trễ

Ảnh minh họa.

Theo đó, những dự án có nguy cơ chậm tiến độ so với các mốc tiến độ phát triển dự án đã cam kết tại Biên bản ghi nhớ (MOU), chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải có trách nhiệm nỗ lực tìm các biện pháp giải quyết vướng mắc để đảm bảo hoàn thành các mốc tiến độ được giao.

Nội dung cam kết phát triển dự án các dự án nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các dự án nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên đầu tư không theo hình thức PPP do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện; cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện không thực hiện đúng tiến độ cam kết cũng được quy định.

Đối với dự án không đạt được mốc tiến độ cam kết do hành vi của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó hoặc bên thứ 3 liên quan trực tiếp, chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án và giải trình các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ.

Đáng lưu ý, theo quyết định, cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện PPP không thực hiện đúng tiến độ cam kết được áp dụng từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền có văn bản giao quyền phát triển dự án tới thời điểm ký chính thức các tài liệu dự án và Hợp đồng PPP.

Đối với mỗi lần chậm quá 30 ngày làm việc so với mỗi mốc tiến độ đã cam kết tại MOU, Bộ Công thương có văn bản thông báo nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư nhà máy điện PPP khẩn trương hoàn thành hạng mục công việc bị chậm và đảm bảo không ảnh hưởng tới mốc tiến độ tiếp theo.

Sau 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản nhắc nhở lần một, trường hợp chủ đầu tư nhà máy điện PPP vẫn chưa hoàn thành mốc tiến độ bị chậm trước đó, Bộ Công thương có văn bản thông báo nhắc nhở lần thứ 2. Tổng số lần nhắc nhở đối với mỗi mốc tiến độ tối đa không quá 2 lần.

Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày có văn bản của Bộ Công thương thông báo lần một về việc chậm mốc tiến độ, trường hợp chủ đầu tư không hoàn thành mốc tiến độ đã bị chậm và tiến độ tổng thể của dự án bị chậm lũy kế lên tới 12 tháng so với tiến độ đã cam kết trong MOU, Bộ Công thương có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành văn bản chấm dứt quyền phát triển dự án của chủ đầu tư để xem xét giao cho nhà đầu tư khác.

Trường hợp chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt quyền phát triển dự án và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư thì toàn bộ chi phí chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP đã bỏ ra hoặc phát sinh từ trước thời điểm bị chấm dứt quyền phát triển dự án để phát triển dự án sẽ do chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP chịu và không được bồi hoàn.

Một con số thống kê cho hay, hiện nay, ngành điện đang chủ yếu thực hiện theo hợp đồng BOT, cũng là một dạng theo mô hình hợp tác công tư PPP. Hiện đang có 20 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư quy mô lớn theo hình thức hợp đồng BOT với tổng công suất là khoảng 24.000 MW. Trong đó, có 2 nhà máy đã đưa vào vận hành là Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3; các dự án còn lại đang trong giai đoạn triển khai, đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho quốc gia.

Với mục tiêu đến năm 2030 ngành điện sẽ phải đầu tư đưa vào vận hành khoảng 90.000 MW công suất nguồn điện mới, các dự án BOT điện đã được khởi động và triển khai từ nhiều năm nay, tuy nhiên đến nay, nhiều dự án có tiến độ rất ì ạch, chậm chạp.

Nguyên nhân là do những khó khăn, vướng mắc trong việc đàm phán hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện, hợp đồng thuê đất, cũng như việc thu xếp vốn với các bên cho vay…

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc chậm tiến độ các dự án điện có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân có yếu tố quyết định chính là do sự hạn chế về năng lực của các nhà đầu tư thực hiện dự án.

Và đây chính là vấn đề nan giải lâu nay không chỉ đối với việc đầu tư các dự án ngành điện mà còn ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nữa. Bởi vậy, việc nâng cao chế tài, xử phạt các nhà đầu tư khi để chậm tiến độ dự án là rất cần thiết để tránh tình trạng tổn thất, lãng phí tràn lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng chế tài xử lý dự án điện chậm trễ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO