Nặng gánh thuế xăng dầu

Hồ Hương 10/02/2017 09:15

Dù mới chỉ là dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường với đề xuất tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng lên tối đa là 8.000 đồng/ lít, nhưng không ít câu hỏi cũng đã được ra: Thuế tăng cao môi trường liệu có sạch hơn? Gánh nặng thuế phí xăng trong tương lai sẽ tăng từ 40% lên con số nào? Thuế tăng tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh cũng như tác động đến giá cả của người tiêu dùng ra sao?

Nhiều ý kiến cho rằng không nên điều chỉnh khung thuế suất bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Ngay sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất, từ năm 2018 tới, khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng từ 3.000 lên 8.000 đồng/lít (hiện nay thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng đang được áp dụng 3.000 đồng/lít) lập tức quan điểm phản đối được đưa ra từ phía người dân, doanh nghiệp, lẫn các tổ chức giám sát.

Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, việc điều chỉnh khung thuế suất đối với nhóm hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn lên gấp đôi quy định hiện hành tạo khoảng cách lớn giữa mức thuế tối thiểu và mức thuế tối đa, dẫn đến tăng mức thuế suất cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Còn Bộ Ngoại giao kiến nghị, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mặt hàng này đã gánh quá nhiều loại thuế phí. Vậy tăng thêm nữa (lại tăng hơn gấp đôi so với hiện tại), liệu có làm người dân, doanh nghiệp … thêm phần … nặng gánh?

Trực tiếp và thẳng thắn hơn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong một bản kiến nghị gửi về Bộ Tài chính ghi rất rõ: “Nếu mục tiêu chính sách là để hạn chế tác động môi trường thông qua việc hạn chế tiêu thụ xăng dầu thì việc tăng thuế sẽ không mang lại hiệu quả cụ thể”.

Cũng theo đánh giá của VCCI, việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp này còn dẫn các quan điểm từ các nước phát triển như Mỹ, hay Trung Quốc để khẳng định rằng, không nên điều chỉnh khung thuế suất bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Trở lại với lý lẽ của cơ quan soạn thảo dự thảo Luật là Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh biểu khung thuế là cơ sở đề điều chỉnh mức thuế cụ thể, qua đó sẽ góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; đồng thời để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhất là trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, phải thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế còn cho rằng: “Chúng ta phải tính toán đến mức thuế của các nước trong khu vực để sao cho giá xăng của Việt Nam cũng không thấp hơn với giá trong khu vực để không diễn ra tình trạng xăng “chảy” (ý là buôn lậu - PV) sang các quốc gia có chung đường biên giới, gây thiệt hại cho quốc gia. Với khung này thì người dân chưa phải lo lắng giá xăng tăng trong thời gian tới”.

Thế nhưng, không thể không lo lắng vì các chứng cứ “lịch sử” đều chỉ ra rằng, một khi thuế tăng thì giá sẽ tăng, việc tăng giá chỉ là vấn đề thời điểm.

Điều đáng chú ý hơn năm 2017 là nhiệm vụ thu ngân sách tiếp tục được đặt ra khá nặng nề với bối cảnh biến động giá dầu thô thế giới.

Trong khi đó ngân sách vẫn nặng gánh và nợ công ngày càng cao. Nếu tính toán trong phạm trù thu chi thì tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu là bù lại nguồn hụt thu ngân sách.

Số liệu về thu ngân sách xăng dầu cũng chỉ ra, trong năm 2016, thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu xăng dầu từ giảm mạnh hơn 10.000 tỷ đồng.

Các yếu tố dẫn tới thu thuế xuất nhập khẩu từ xăng dầu giảm gồm xuất khẩu dầu thô giảm mạnh hơn dự toán. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu chuyển hướng sang nhập ở các thị trường có ký kết hiệp định hợp tác để được ưu đãi.

Xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ chịu thuế 10% trong khi xăng nhập từ ASEAN vẫn có thuế 20% nên DN xăng dầu ùn ùn sang nhập xăng từ Hàn Quốc.

Như vậy, ở đây trong câu chuyện hài hòa lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp, và lợi ích người dân, thì một lần nữa, người dân lại xếp ở vị trí cuối cùng.

Đặt trong mối quan hệ tổng thể cho thấy, thuế xăng dầu sẽ tỷ lệ thuận với vấn đề chi ngân sách và nợ công. Người dân sẽ còn tiếp tục còng lưng gánh thuế phí xăng (bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức đương khoảng 45% giá bán lẻ xăng dầu).

Và đương nhiên một khi thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng tiếp tục tăng thì lo lắng giá xăng tăng là hoàn toàn thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nặng gánh thuế xăng dầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO