Nâng giá trị đồng tiền Việt

Thúy Hằng (thực hiện) 10/01/2016 10:18

Năm 2015, thị trường tài chính chịu nhiều cơn địa chấn lớn. Đó là việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ; Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED chính thức tăng lãi suất  USD lên 0,25% điểm… Khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, những động thái đó tác động, ảnh hưởng là đương nhiên. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đưa ra các biện pháp  đối ứng là điều cần thiết. Với 2016, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định, quan điểm của NHNN trong chính sách điều hành là nâng cao

PV: Thưa Phó Thống đốc, năm 2015 được đánh giá là năm thành công của chính sách điều hành tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, năm 2016 vẫn được coi là có nhiều thách thức. Bà có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong việc triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong thời gian tới?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tổng kết năm kinh tế 2015, trên cơ sở tổng hợp phân tích diễn biến năm 2015 và dự báo 2016, chúng tôi thấy một số thách thức, lưu ý trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Về nội tại, thứ nhất, hệ thống ngân hàng vẫn chịu áp lực lớn về vốn cho sản xuất kinh doanh do thị trường tài chính nước ta chưa phát triển, ngân hàng không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn mà còn phải đáp ứng cả nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Vì các giải pháp tái cơ cấu thị trường tài chính vẫn đang được triển khai, cho đến nay vốn sản xuất cho doanh nghiệp vẫn dựa nhiều vào vốn ngân hàng. Như vậy, việc cân đối vốn của ngân hàng thương mại, nhất là vốn trung, dài hạn vẫn khó khăn.

Thứ hai, tình trạng đôla hóa nền kinh tế đã được giảm thiểu nhờ NHNN quán triệt phương châm chống đôla hóa. Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy sẽ phải chịu nhiều tác động từ kinh tế thế giới. Cho nên, nếu không có giải pháp linh hoạt, nhất là vai trò kịp thời của truyền thông để giải tỏa tâm lý thị trường thì sẽ gây khó khăn cho điều hành.

Thứ ba, với tình hình thị trường tài chính hiện nay, ngân hàng vẫn là lực lượng chủ chốt nắm giữ trái phiếu Chính phủ. Yêu cầu phát hành TPCP ở mức cao năm 2016 sẽ gây áp lực lớn đến lãi suất, đây cũng là thách thức của NHNN năm 2016.

Như vậy, về mặt nào đó cho thấy diễn biến thị trường thế giới năm 2016 cũng sẽ gây khó cho công tác điều hành trong nước. Kinh tế thế giới biến động khó lường nên tác động đến thị trường trong nước cũng là thách thức cho điều hành năm 2016, trong đó, tác động lớn nhất là diễn biến tiếp theo của FED cũng như sự tăng giảm của đồng Nhân dân tệ (CNY), rồi cả việc tháng 10-2016 đồng CNY sẽ vào giỏ tiền tệ quốc tế.

Vậy định hướng điều hành tỷ giá trong thời gian tới, thưa bà?

-NHNN đã áp dụng cơ chế điều hành cơ chế tỷ giá mới bằng cách đưa ra tỷ giá trung tâm. Các tổ chức tín dụng sẽ trên cơ sở tỷ giá trung tâm để xác định giá giao dịch trong biên độ cho phép.

Quan điểm điều hành chính sách tỷ giá của NHNN vẫn luôn nhất quán và kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Vừa qua, NHNN cũng nói tỷ giá tiến tới điều hành theo cách thức linh hoạt và thị trường hơn. Cụ thể cách thức điều hành mới ra sao, thưa bà?

-NHNN sẽ vẫn công bố tỷ giá nhưng khác ở chỗ tỷ giá có thể được điều chỉnh lên/xuống hàng ngày. Tỷ giá do NHNN công bố sẽ được xác định trên cơ sở: Tham chiếu diễn biến của đồng USD và một số đồng tiền trên thế giới; tham chiếu tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng; và trên cơ sở các cân đối vĩ mô, tiền tệ, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô. Việc điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế sẽ luân chuyển nhanh hơn và mạnh hơn sau hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Thưa Phó Thống đốc, lạm phát năm dừng ở con số 0,63%, song lãi suất cho vay vẫn không được giảm tương ứng. Liệu doanh nghiệp có thể hy vọng năm 2016 lãi suất được giảm?

-Lạm phát 2015 tuy chưa đến 1% nhưng 2016 chúng ta không thể chủ quan với lạm phát. Quỹ Tiền tệ IMF đã cảnh báo, xu hướng lạm phát năm 2015 nhiều nước trên thế giới không phản ánh giảm phát mà là do yếu tố giá cả hạ hàng hóa thế giới, nhất là giá dầu giảm. Và IMF khuyến cáo các quốc gia cần truyền thông về điều này để có ứng xử phù hợp. Năm 2015 giá dầu giảm gần mức đáy. Nếu giá dầu tăng trở lại vào năm 2016, tác động tới lạm phát sẽ là điểm đáng lưu tâm. Hơn nữa, năm 2016, sẽ có điều chỉnh nhiều mặt hàng thiết yếu như giáo dục, y tế, giá điện… Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá chúng tôi nhận thấy, lạm phát 2016 khó duy trì thấp như 2015. Cho nên, điều hành lãi suất trong năm 2016 là khó khăn, thách thức.

Lãi suất chỉ là một trong các yếu tố đầu vào của DN. Cạnh tranh của DN phụ thuộc nhiều yếu tố khác liên quan quá trình sản xuất, hiệu quả tổ chức điều hành. Lãi suất theo yêu cầu NHNN đã được giảm rất nhiều, từ 20-25% cuối năm 2011 đến nay ngắn hạn còn 6-9%, trung và dài hạn từ 9-11%. NHNN đã điều hành tốt để giảm mặt bằng lãi suất và giảm lạm phát, đây là cố gắng lớn.

So với các nước trong khu vực thì có thể lạm phát Việt Nam tương tự, nhưng chúng ta có sự khác biệt là hệ thống ngân hàng đang tổ chức cơ cấu lại, phải sử dụng một phần lợi nhuận để xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn. Do đó khả năng giảm lãi suất sẽ tiếp tục khó khăn. Vì vậy, giảm lãi suất nhưng giảm ở mức độ như thế nào để cân đối kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống thì cần tính bài toán tổng thể để có chính sách phù hợp.

Xử lý nợ xấu là một trong những trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015. Vì vậy, xử lý nợ xấu đã có đề án riêng. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 17,2% (2012) đến nay còn 2,72% (tháng 11-2015- theo đánh giá của cơ quan giám sát). Như vậy, mục tiêu giảm nợ xấu đã đạt được.

Quota tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới được công bố với con số 18% - 20%. Liệu chỉ tiêu này có quá cao, khi nợ xấu vẫn luôn rình rập?

-Trong quá khứ, chúng ta đã từng để tăng trưởng tín dụng rất cao, có giai đoạn trên 30%. Đây là nguyên nhân dẫn tới nợ xấu, đe dọa tính an toàn toàn hệ thống. Nhưng từ 2011 đến nay, NHNN đã tổ chức điều hành theo tăng trưởng tín dụng hợp lý.

Trong năm 2016, trên cơ sở chỉ số GDP và lạm phát mà Quốc hội đưa ra, NHNN đưa ra con số tăng trưởng tín dụng là 18-20%. Tuy nhiên, tùy điều kiện thực tế sẽ có giải pháp linh hoạt như năm 2015.

Còn về điều hành, NHNN vẫn đánh giá, xác định tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng và tiếp tục định hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Với lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, NHNN sẽ theo dõi sát để có chỉ đạo nhanh nhạy, kịp thời để đảm bảo phương châm tín dụng mở rộng nhưng an toàn, hiệu quả. Vì tín dụng liên quan đến các ngành, nên sẽ có sự phối hợp đồng hợp đồng bộ đảm bảo tín dụng tăng trưởng phù hợp với nền kinh tế, đóng góp vào tái cơ cấu nền kinh tế.

Riêng về quá trình xử lý, giảm nợ xấu: Qua báo cáo đánh giá tổng kết, thì công việc nội dung xử lý nợ xấu là một trong những trọng tâm của NHNN trong năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015. Vì vậy, xử lý nợ xấu đã có đề án riêng, kết quả cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 17,2% (2012) đến nay còn 2,72% (tháng 11/2015- theo đánh giá của cơ quan giám sát). Như vậy, mục tiêu giảm nợ xấu đã đạt được.

Để xử lý nợ xấu NHNN chỉ đạo nhiều giải pháp, từ trích lập dự phòng rủi ro, xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC. Và từ đầu năm 2015, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng chạn chế nợ xấu phát sinh. Nợ xấu cũ đã giảm, còn nợ xấu mới được hạn chế nên ta đã đạt được chỉ tiêu giảm nợ xấu.

Để đảm bảo quá trình xử lý nợ xấu, theo dõi nợ xấu được hiệu quả, đã ban hành Thông tư 02, thực hiện từ tháng 6-2015, nợ xấu và phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo đó chặt chẽ hơn. Trước đây, có hai loại nợ xấu khá chênh lệch nhưng khi theo Thông tư 02, thì nợ xấu đã nhập thành một. Và nợ xấu được đánh giá tren cơ sở tổ chức tín dụng tham khảo thông tin từ CIC, đây là điểm quan trọng. Có nghĩa nợ xấu được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ.

Thưa bà, việc Việt Nam tham gia TPP, AEC… thì thách thức với các ngân hàng thương mại sẽ như thế nào?

- Dưới góc độ quản lý, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do như TPP, AEC... quy mô thương mại sẽ tăng lên, đầu tư quốc tế luân chuyển dòng tiền thương mại nhanh hơn. Các thành viên tham gia hiệp định sẽ có biến động, nếu DN Việt tận dụng được thì cơ hội xuất khẩu cao, cải thiện nguồn vốn ngoại hối.

Vì thế, từng ngân hàng cần cải cách để nâng cao năng lực. Sự dịch chuyển thương mại đầu tư lớn hơn thì sự liên thông của thị trường trong nước và quốc tế lớn hơn, ngân hàng cần theo dõi sát sao để có chính sách điều hành linh hoạt. Các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ tài chính cho DN và người dân thì tổ chức tín dụng là người đồng hành hỗ trợ các DN. Nếu tận dụng được cơ hội thì có nhiều điểm lợi, hạn chế thách thức khi tham gia các hiệp định thương mại.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng giá trị đồng tiền Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO