Năng lực, công chức và quyền lực

Mai Loan 10/07/2018 09:00

Cuối tuần qua tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã diễn ra hội nghị của BCH Đảng bộ. Và ở đây, câu chuyện cán bộ đã được đưa ra bàn bạc tại BCH Đảng bộ của cả 2 thành phố này.

1. Với TP Hồ Chí Minh đó là việc thảo luận và thống nhất tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về việc xem xét thi hành kỷ luật đối với bà Thái Thị Bích Liên, Thành ủy viên, Chánh Văn phòng Thành ủy liên quan đến vụ Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (trực thuộc Thành ủy) đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai hơn 32ha, với giá 1,29 triệu đồng/m2.

Sau thương vụ này, công ty Tân Thuận chỉ thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng.

Trong khi đó, Sở Tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu tính theo mức giá đất nông nghiệp thấp nhất để bồi thường cho khu đất công, diện tích hơn 32ha thì mức giá đất không thể dưới 1,768 triệu đồng/m2.

Như vậy, tính ở mức giá Nhà nước quy định, mỗi mét vuông đất có giá bán cao hơn 478.000 đồng so với giá mà công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai. Như vậy đủ thấy số tiền thất thoát là rất lớn.

Theo đó, BCH Đảng bộ TP Hồ Chí Minh quyết định kỷ luật bà Liên bằng hình thức khiển trách đối với các vi phạm, thiếu sót trong công tác tham mưu thực hiện trách nhiệm ủy quyền đại diện chủ sở hữu tài sản tại doanh nghiệp thuộc Đảng bộ TP.

Trong vụ việc này, vào trước hội nghị BCH Đảng bộ TP., Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Công Thiện, Bí thư Chi bộ, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận.

Cũng liên quan đến vụ việc, ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Vấn đề của công ty Tân Thuận cho thấy lỗ hổng trong giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; nhất là cán bộ giữ vị trí lãnh đạo.

Bởi, các sai phạm trong vụ Tân Thuận đã hơn một lần được Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhắc đến là việc có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp Nhà nước, về kinh doanh bất động sản; không đảm bảo quy trình; thiếu kiểm tra trong kiểm tra thực hiện các quyết định của mình… Mà, những lỗ hổng ấy là do con người tạo nên và cũng chính con người đã tìm cách khoét sâu vào những lỗ hổng ấy để trục lợi cho bản thân.

2. Cũng tuần vừa qua, tại Hội nghị BCH Đảng bộ TP. Hà Nội, ông Tô Quang Phán, Tổng giám đốc Đài PT-TH Hà Nội, đã than phiền về tình trạng cán bộ không đủ năng lực làm việc nhưng không thể sa thải do con ông nọ, cháu bà kia.

Nhiều người sốc khi thấy vị Tổng giám đốc cơ quan báo chí lớn của Hà Nội công bố con số 40% cán bộ dưới quyền ông hạn chế năng lực nhưng lại không thể sa thải vì những lý do tế nhị.

Theo ông Phán, đài Hà Nội có hơn 700 người, đông nhất trong các đài địa phương. Năm 2016, đài có 730 người, nay còn 719 vì về hưu tự nhiên chứ không tinh giản được ai. Tuy nhiên trong số này, chỉ có khoảng 60% là đủ năng lực làm việc, còn lại là hạn chế năng lực.

Lý giải vì sao chỗ 40% cán bộ ở trong tình trạng có cũng được không có cũng được mà không loại được ai, ông Phán cho biết cho dù học có “lẹt đẹt” nhưng không vi phạm kỷ luật.

Nghịch lý ở chỗ nhiều cán bộ có rất nhiều bằng cấp, thậm chí có 3 bằng đại học, là thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng thực tế không làm được việc gì cả. Bên cạnh đó, cán bộ chủ chốt cũng lên đến 140/500 biên chế.

Cán bộ mà hạn chế năng lực, khỏi nói cũng biết nó sẽ khiến cơ quan tổ chức trở thành “nhà giữ trẻ” và chỉ có thể làm được nhiệm vụ ấy chứ nói gì đến phát triển. Muốn đi lên phải có những cán bộ giỏi về nghiệp vụ và có một lòng yêu nghề.

Thế nhưng, dường như tại cơ quan báo chí lớn như Đài PT-TH Hà Nội điều ấy có vẻ đang được nhiều người đứng đầu cơ quan nhà nước “đốt đuốc” đi tìm mà… chưa tìm ra.

Năng lực của cán bộ thật sự đang là dấu hỏi lớn trong nhiều cơ quan công quyền chứ không phải chỉ ở một cơ quan như Đài PT-TH Hà Nội.

Đáng buồn, giờ nó có vẻ trở nên phổ biến và không có gì là lạ ở khối cơ quan nhà nước. Và nó là sản phẩm của cả một quá trình tuyển dụng với “n” thứ lý do nhưng lại không có lý do xem xét về năng lực.

Chuyện tại Đài PT-TH Hà Nội xem ra không có gì là lạ nhưng giải quyết tận gốc vấn đề này thế nào lại là chuyện không hề nhỏ và không chắc đã có thể giải quyết trong khuôn khổ của một nhiệm kỳ.

Nhưng cái lạ là ở chỗ, nhiều người đứng đầu có quyền lực để có thể quyết định nhiều thứ nhưng lại không đủ quyền để loại bỏ công chức không đạt yêu cầu. Nghịch lý là ở đây.

3. Hai câu chuyện về cán bộ tại hai thành phố lớn nhất nước cho thấy dường như ở không ít nơi đã thực sự có sai lầm trong công tác cán bộ và đáng buồn là những sai lầm này đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua.

Sai lầm ấy là bố trí sai cán bộ; hoặc là trao cho ai đó một việc quá với năng lực của họ; quá với khả năng của họ nhất là trong điều kiện cán bộ lại không thật sự muốn tu dưỡng về đạo đức.

Chính điều này đã khiến cho chúng ta phải chứng kiến nỗi đau phải kỷ luật đồng chí của mình do những sai phạm nghiêm trọng.

Đảng ta đã nhìn ra những sai lầm ấy trong công tác cán bộ và quyết tâm khắc phục điều này. Hội nghị trung ương 7 vừa qua đã dành nhiều thời gian bàn về chiến lược trong công tác cán bộ.

Trong đó có đề cập đến việc hoàn thiện khung năng lực của vị trí việc làm của công chức.

Phải làm sao để phản ánh toàn bộ các năng lực mà người đảm nhận vị trí việc làm cần phải có để hoàn thành tốt công việc được quy định trong vị trí việc làm; các công việc được mô tả trong một vị trí việc làm có mức độ phức tạp tương ứng với yêu cầu, trình độ của một ngạch công chức. Vị trí việc làm khác nhau có khung năng lực khác nhau.

Và khi đã có vị trí việc làm mà không làm ra sản phẩm, không đem lại hiệu quả cho công việc mình đảm nhận sẽ rất dễ nhận biết. Nhưng ngay cả cái vị trí việc làm vẫn được nói đến từ lâu nhưng chuyện mô tả nó xem chừng lại khá khó khăn. Ngành nội vụ đã chuẩn bị xác định vị trí việc làm từ nhiều năm nay nhưng không hiểu sao mãi vẫn chưa xác định nổi.

Tuy nhiên, kể cả khi có vị trí việc làm mà đãi ngộ bằng lương không thật sự xứng đáng thì rất có thể những người nắm giữ vị trí việc làm là lãnh đạo sẽ dễ tiếp tục mắc sai lầm như câu chuyện của công ty Tân Thuận nêu trên.

Có lẽ vì thế mà không phải chỉ xây dựng được cơ chế đánh giá theo sản phẩm, công việc thực tế đã làm; điều đó giúp người đứng đầu có cơ sở đánh giá công chức, viên chức dưới quyền. Đi cùng với đó là việc cần có cơ chế kiểm soát quyền lực để người đứng đầu không lạm quyền; không lợi dụng quyền lực để làm trái pháp luật trong mọi lĩnh vực.

Bởi, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng hồi cuối tháng 6 thì: Quyền lực luôn có nguy cơ bị "tha hoá", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị "tha hoá"; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năng lực, công chức và quyền lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO