Nắng nóng và nguy cơ bệnh dại

M.Thảo (tổng hợp) 09/08/2019 08:00

Nắng nóng gay gắt được dự báo sẽ còn kéo dài tại nhiều địa phương, cũng là thời điểm gia tăng số người bị  chó, mèo cắn, có khả năng  dẫn tới bệnh dại, tử vong. Đáng tiếc là thói quen nuôi chó, mèo thả rông trong người dân vẫn không chấm dứt. Thêm vào đó, nhiều người nuôi chó, mèo lại không tiêm phòng dại cho vật nuôi, càng khiến nguy cơ bệnh dại gia tăng.

Nắng nóng và nguy cơ bệnh dại

1. Ngày 21/4/2019, Trung tâm Y tế huyện M’đrắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết, bệnh nhân Y Minh Hiệu Niê, sinh năm 2005 ở buôn Hoang, xã Krông Jing, huyện M’đrắc đã tử vong do bị chó dại cắn. Theo người nhà nạn nhân, hơn một tháng trước, cháu bị chó cắn vào bàn chân phải nhưng không được tiêm vắc-xin phòng dại. Đến ngày 16/4, cháu xuất hiện những triệu chứng mệt mỏi, đau khắp người, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng nên được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện M’đrắc cấp cứu, sau đó bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viên đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, các bác sĩ hội chẩn và xác định cháu bị bệnh dại dẫn đến suy hô hấp tuần hoàn. Mặc dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng cháu Y Minh Hiệu Niê đã tử vong vào ngày 19/4. Cũng theo Trung tâm Y tế huyện M’đrắc, trong năm 2018 trên địa bàn huyện có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp nạn nhân bị chó dại cắn nhưng chủ quan không đi tiêm. Với bệnh dại, có thể khởi phát ngay sau đó ít lâu, nhưng cũng có khi ủ bệnh kéo dài, dẫn đến sự chủ quan của người bị chó, mèo dại cắn. Người bị chó, mèo dại cắn dẫn đến tử vong còn là do không đến cơ sở y tế điều trị, mà lại chữa ở các thầy lang.

Việc nuôi chó, mèo thả rông tới nay vẫn khá phổ biến, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Điều đó đã dẫn tới nhiều trường hợp vật nuôi tấn công người, nếu không may vật nuôi đã bị dại thì nạn nhân cũng khó thoát khỏi bệnh tật, nếu không điều trị tích cực, đúng cách ở cơ sở y tế thì hoàn toàn có thể dẫn tới tử vong.

2. Trong số nạn nhân bị chó, mèo cắn, phần lớn là trẻ em, trong độ tuổi từ 2 đến 15 tuổi. Trong đó, trẻ từ 2 đến 6 tuổi là nhiều nhất. Bởi độ tuổi này trẻ chưa biết nguy cơ đến từ vật nuôi, nên không thể tự đề phòng. Trong khi nhiều bậc cha mẹ lại chủ quan, không chú ý bảo vệ con cái.

Có thể nêu một số ví dụ.

Ngày 19/4, Khoa Cấp cứu Bệnh viện trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận một bé trai 7 tuổi (xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ) nhập viện trong tình trạng rối loạn hôn mê, rối loạn nhịp thở, có vết thương ở vùng nách hai bên, dập nát vùng cánh tay trái và hậu môn vi bị chó cắn. Cháu bé đã phải khâu tới 200 mũi, nhưng do vết thương quá nặng, cháu bé đã không qua khỏi.

Trước đó không lâu, Bệnh viện Việt Đức cũng đã tiếp nhận một cháu bé 7 tuổi (thị trấn Lương Bằng, Kim Động, tỉnh Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng đồng tử 2 bên giãn, không đo được huyết áp, đa vết thương do bị cả đàn chó dữ lao vào tấn công. Cháu cũng bị tử vong.

Còn tại Nghệ An, một bé gái 22 tháng tuổi cũng đã tử vong vì bị chó nhà hàng xóm tấn công, khi bé đang chơi đùa với chị gái ở cổng nhà.

Cả bai trường hợp trên, các cháu tuy không phải bị chó dại cắn, mà chỉ là chó dữ nhưng quá nhiều vết thương nên cũng đã mất đi cuộc sống.

Như vậy, cả trong 2 trường hợp: bị chó, mèo dại cắn hoặc bị chó dữ tấn công thì cũng đều hết sức nguy hiểm, đặc biệt khi nạn nhân lại là trẻ em chưa biết tự vệ. Lỗi không do các em, mà là do người nuôi chó, mèo đã không tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi, không rọ mõm, nhốt chúng lại. Cùng đó, cũng là lỗi chủ quan của cha mẹ các cháu bé khi không quan tâm đầy đủ đến con em mình. Nhưng cho dù vì lý do gì đi nữa thì những cái chết do phát dại từ vật nuôi tấn công cũng hết sức đau xót, tức tưởi.

Theo các chuyên gia y tế, để tránh những sự cố đáng tiếc thì nhất thiết không được chủ quan khi bị chó, mèo cắn. Bệnh dại thường gia tăng vào mùa hè, thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, có khi tới cả năm. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật. Khi bị chó, mèo cắn thì phải tới ngay cơ sở y tế để tiêm huyết thanh kháng dại. Nhiều người lo lắng tiêm phòng dại ảnh hưởng tới hệ thần kinh, nhưng thực tế thì việc điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hoà với virus dại, còn vaccine là nhằm củng cố miễn dịch lâu dài về sau.

Nắng nóng và nguy cơ bệnh dại - 1

Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng hoặc nước sạch.

3. Theo các bác sĩ, nếu vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân, xa thần kinh trung ương và tại thời điểm cắn người con vật vẫn bình thường thì cần theo dõi chó trong vòng 10 đến 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu phát hiện chó có dấu hiệu bỏ ăn, chết, mất tích… cần phải tiêm vaccine phòng dại ngay. Tuy nhiên, nếu đến cơ sở y tế muộn sau khi bị chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng.

Khuyến cáo được đưa ra là tốt hơn hết nên tiêm vaccine ngay sau khi bị chó cắn. Khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hoà đặc dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn… Xử lý vết thương tại chỗ càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại sẽ càng có hiệu quả. Sau đó, người nghi bị chó dại cắn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị dự phòng.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Đối với người dân nuôi chó, mèo thì nhất định phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của thú y, phải nuôi nhốt, không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nắng nóng và nguy cơ bệnh dại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO