NCA - những đóng góp với Việt Nam

Nguyễn Văn Thanh (Trưởng ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam) 05/06/2016 01:14

Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV/NCA Việt Nam) là cơ quan đại diện của Tổ chức Trợ giúp Nhà thờ Nauy (viết tắt tiếng Anh là NCA- Norwegian Church Aid) - một tổ chức phi Chính phủ (NGO) quốc tế của Nauy là một tổ chức có nhiều đóng góp tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Đặc biệt đây cũng là một trong những tổ chức phi Chính phủ có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc phát huy vai trò của các tôn giáo Việt Nam bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thân mật tiếp bà Anne Marie Helland, Tổng Thư ký toàn cầu của tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam- NCA tại Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Huế tháng 12/2015. Ảnh: Hoàng Long.

Vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước... hiện nay đã trở thành vấn đề lớn của khu vực, của toàn cầu và cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng thế giới.

Nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường đối ngoại nhân dân, năm 2015, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV/NCA Việt Nam) nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo Việt Nam trong nhiệm vụ vừa cấp bách vừa nhân văn này.

Tại Việt Nam, NCA/NAV có Văn phòng chính tại lô 9, tầng 6, tòa nhà Công ty Xây lắp Thừa Thiên- Huế, đường Phạm Văn Đồng, thành phố Huế và 1 văn phòng đại diện tại Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, số 298 E Kim Mã, Hà Nội. Tổ chức này được thành lập từ năm 1993 với 3 thành viên NGO có nguồn gốc nhà thờ Bắc Âu, gồm: Danish Church Aid (Đan Mạch); Diaknoia (Thuỵ Điển) và Norwegian Church Aid - NCA (Nauy).

Được phép của các cơ quan chức năng, NCA/NAV đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994 với các hoạt động hỗ trợ cộng đồng về phát triển nông thôn và phát triển cộng đồng tại Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị và Hải Phòng. Đến năm 1996, NCA/NAV phối hợp với Sở Y tế và Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế có thêm các hoạt động phát huy vai trò các tôn giáo tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Những năm tiếp theo, NCA/ NAV triển khai các dự án về chăm sóc sức khỏe cộng đồng; phòng, chống HIV/AIDS... phối hợp với Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, TP HCM, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội và TP HCM...

Năm 2006, NCA/NAV cùng với UNICEF đã phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc phát huy vai trò các tôn giáo trong phòng chống HIV/AIDS với sự tham dự đầy đủ 6 tôn giáo lớn trong cả nước (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Phật giáo Hoà Hảo).

Kết quả của Hội nghị là tất cả 6 tôn giáo ở Việt Nam (đã được công nhận đến thời điểm đó) đã ra một bản Cam kết chung ủng hộ chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về phòng chống HIV/AIDS và đưa ra sáng kiến các tôn giáo phối hợp thực hiện phòng, chống HIV/AIDS theo chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tất cả các tôn giáo ở Việt Nam ngồi lại với nhau cùng bàn một vấn đề xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước dưới sự chủ trì phối hợp tổ chức của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Từ năm 2007 - 2010, sau khi trao đổi thống nhất với NCA/NAV, được sự nhất trí của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, mỗi năm NAV/NCA Việt Nam phối hợp, hỗ trợ Mặt trận ở Trung ương và Mặt trận một số tỉnh, thành phố, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Hà Nội, TP HCM các hoạt động nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả các hoạt động phối hợp được các tôn giáo, Mặt trận các địa phương, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và NCA/NAV đánh giá hiệu quả rất tốt.

Các năm 2011, 2012 và 2013, do việc cắt giảm kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nên NCA/NAV không hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phát huy vai trò của các tôn giáo trong phòng, chống HIV/AIDS của UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBMTTQ Việt Nam một số tỉnh, thành phố như những năm trước.

Từ năm 2013, NCA/NAV chuyển trọng tâm sang các hoạt động hỗ trợ phòng, chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam, vì Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu (Nauy là nước hỗ trợ cho Việt Nam về phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu nhiều nhất) như tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu của Chính phủ Việt Nam.

Năm 2015, Ban Thường trực đã nhất trí chỉ đạo Ban Tôn giáo phối hợp với Tổ chức NAV/NCA trong chương trình phát huy vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực hiện sự chỉ đạo đó, với sự hỗ trợ của NAV/NCA, đầu tháng 12/2015 Ban Thường trực đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lần đầu tiên tổ chức Hội nghị quốc gia với sự tham gia của tất cả các tổ chức tôn giáo bàn việc phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại TP Huế.

Tại Hội nghị, Ban Thường trực đã chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 40 tổ chức tôn giáo tại Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020).

Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tổ chức tại TP Huế, do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam- NCA phổi hợp tổ chức (từ 1 đến 3/12/2015) được coi là một dấu mốc lịch sử.

Vì chưa khi nào một hội nghị toàn quốc về phát huy vai trò các tôn giáo trước một vấn đề vừa cấp thiết, vừa mang tính chiến lược, đó là cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, mà ở đó, lãnh đạo của tất cả các tôn giáo ở Việt Nam cùng bàn bạc và đi đến thống nhất hành động bằng những thông điệp của từng tôn giáo, bằng Cam kết của các tôn giáo và bằng một Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị diễn ra tại cố đô Huế đúng vào thời điểm Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) cũng diễn ra tại thủ đô Paris, nước Pháp. Nhưng những thông điệp của hai hội nghị này, dù nhỏ bé, dù lớn lao đến đâu, dù Paris và Huế ở hai châu lục cách biệt thì cuối cùng vẫn chung một khát vọng: bảo vệ môi trường.

Bởi vậy, đối với nhiều người, việc được có mặt tại hội nghị giống như một món quà. Bà Anne Marie Helland, Tổng Thư ký toàn cầu của tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam- NCA, người đã từ chối không tham dự COP21 để đến Huế cũng vì nhân duyên đó. Với bà Anne, COP21 là nơi để các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách lớn lao, còn ở Hội nghị này, người Việt Nam lại hiện thực hoá tinh thần đó bằng những việc cụ thể nhất, thiết thực nhất để cùng nhau bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhưng điều cuốn hút bà Tổng Thư ký toàn cầu của NCA đến với hội nghị này còn có một lẽ khác, một điều mà bà đánh giá là chưa bao giờ được chứng kiến, chưa có một đất nước nào trên thế giới này làm được khi tất cả các tôn giáo cùng ngồi lại với nhau dưới sự huy động của Mặt trận để bàn về một câu chuyện lớn lao mà cả nhân loại đang phải đối mặt.

Chỉ riêng hình ảnh đó thôi đã trở thành một thông điệp mạnh mẽ mà người Việt Nam muốn gửi tới bạn bè quốc tế như lời khẳng định của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: “Hậu quả của biến đổi khí hậu là khôn lường, đã đến lúc phải tập hợp thành sức mạnh đoàn kết của các lực lượng, trong đó có các tôn giáo để nhận trách nhiệm của mình trong khắc phục hậu quả và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ hôm nay và tương lai”.

Thực hiện Chương trình phối hợp đã ký kết, tháng 3/2016, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát huy vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020) với sự tham gia của đại diện lãnh đạo cấp cao của 14 tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Ngày 8/4/2016, Ban Thường trực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Hướng dẫn xây dựng Chương trình/Kế hoạch phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố với tổ chức tôn giáo để thực hiện Chương trình phối hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    NCA - những đóng góp với Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO