Nên cho Formosa xả thải ra sông hay ra biển?

Hạnh Nguyên 09/09/2016 08:50

Ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã thị sát tại nhà máy của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), làm việc với lãnh đạo công ty và UBND tỉnh Hà Tĩnh xung quanh việc giám sát vấn đề xả thải của FHS.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác kiểm tra tại nhà máy của Formosa Hà Tĩnh.

Chưa khắc phục xong lỗi chưa được sản xuất

Buổi sáng, sau khi thị sát khu vực xử lý rác thải của FHS, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo công ty. Theo báo cáo của FHS, đến nay công tác khắc phục 58 lỗi trong bảo vệ môi trường. Đại diện FHS cho biết, hiện tại trong quy hoạch vận hành thử lò cao số 1, FHS quy hoạch xây dựng thêm 2 bồn nước thải sự cố có dung tích bồn 10.000m3 ở trạm xử lý nước thải sinh hóa và 2 bồn nước thải sự cố, dung tích mỗi bồn 50.000m3 ở trạm xử lý nước thải công nghiệp.

FHS cam kết nếu như nước xả thải không đạt tiêu chuẩn thì lò cao số 2 sẽ không thử máy và đưa vào vận hành. Ngày 7-5-2016, FHS đã lắp đặt bể nuôi cá tại xưởng nước thải công nghiệp, dùng nước thải công nghiệp được pha loãng để nuôi cá nhằm tham khảo, đánh giá chất lượng nước thải. Đối với xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, FHS đã tìm được nhà thầu có đủ tư cách xử lý và vận chuyển phù hợp với quy định pháp luật. Sau khi ký kết hợp đồng sẽ tiến hành vận chuyển và xử lý.

Bộ trưởng đề nghị FHS bên cạnh việc thực hiện 58 nội dung liên quan đến kế hoạch, cần tập trung xử lý cơ bản, lâu dài các yêu cầu liên quan đến nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt chẽ nguồn thải. FHS cần phải xem xét có hệ thống theo quy định hoặc tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến vấn đề chất thải trong quá trình sản xuất, xử lý. Đặc biệt đối với sản xuất gang thép phải quan tâm, xem xét một cách bài bản các nguồn thải như nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại và ô nhiễm không khí.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn yêu cầu FHS phải thực hiện nghiêm vấn đề bảo vệ môi trường. Khi chưa khắc phục xong và chưa được phép của cơ quan chức năng, tuyệt đối không được vận hành hoạt động các hạng mục. Sự cố môi trường vừa qua là một bài học đắt giá.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị FHS tập trung xử lý cơ bản theo quy trình, tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, đặc biệt, phải xây dựng ngay hồ chỉ thị sinh học, giúp người dân tin tưởng, giám sát về chất lượng. Đây là hình thức giám sát của nhân dân, mong muốn của người dân.

Vẫn còn nan giải

Buổi chiều, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi nghe ông Dương Tất Thắng – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh báo cáo thực trạng quá trình giám sát môi trường các đại biểu đã tiến hành thảo luận để tìm ra hướng giám sát FHS một cách tối ưu nhất.

Ông Hoàng Chí Thức – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Môi trường Phú Hà khẳng định: Trong năm 2017, công ty sẽ hoàn thiện một số hạng mục và sẽ đảm bảo xử lý được chất thải của FHS khi đi vào vận hành chính thức. Đối với hơn 390 tấn bùn thải của FHS đang được lưu giữ tại nhà máy Phú Hà thì sẽ có hai phương án, thứ nhất là lưu giữ tại kho chứa chất thải nguy hại của nhà máy, hai là tách phần nguy hại ra và xử lý bằng lò đốt.

Trước ý kiến của người dân là nếu cho phép Formosa xả thải ra sông Quyền sẽ yên tâm hơn ra biển, PGS Trịnh Văn Tuyên nêu quan điểm: Hiện nay xả ra đâu không quan trọng bằng chất lượng nước thải trước khi xả ra môi trường. Nguồn tiếp nhận ở biển lớn hơn, nhiệt độ xả thải lớn, nên nước biển sẽ cân bằng tốt hơn.

Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề quan trọng là việc kiểm soát chất thải trước khi thải ra môi trường. Nếu nước thải trước khi cho vào đường ống xả thải ra môi trường phải có hồ sinh học, kiểm soát 24/24h, công khai, tiếp cận được, tôm, cá, thủy sinh phải sống được. Điều này sẽ đáp ứng được yêu cầu đảm bảo môi trường.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Formosa muốn tồn tại, phát triển ở Việt Nam thì phải đảm bảo tốt nhất về công tác môi trường vì chúng ta không chấp nhận hy sinh môi trường vì bất kỳ ngành công nghiệp nào. Trong số 58 lỗi mà Formosa vi phạm, mới sửa chữa được 37 lỗi, còn 21 vấn đề chưa khắc phục được mới là vấn đề mấu chốt, cấp bách. Khi nào Formosa giải quyết được tất cả các lỗi này mới được phép vận hành chính thức. Chúng ta đặt mục tiêu môi trường là số 1.

Về việc cho phép Formosa xả ngầm hay xả nổi, xả ra sông hay ra biển thì thực tế quan trọng là nước thải trước khi xả ra có đảm bảo hay không, có đạt tiêu chuẩn hay không. Bộ TN&MT phải huy động các nhà khoa học phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp làm việc với Formosa để trao đổi, bàn chuyên sâu vấn đề này và đưa ra quyết định, ở đâu có lợi cho môi trường thì làm. Chúng ta phải thực hiện dựa trên cơ sở khoa học. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh phải xây dựng hệ thống quy chuẩn riêng, dựa trên tình hình thực tế nguồn tiếp nhận nguồn thải. Bộ sẽ cùng với địa phương sẽ xem xét tiêu chuẩn của Nhật Bản, Đài Loan, cái nào phù hợp hơn sẽ áp dụng.

Việc chôn lấp, lưu giữ chất thải nguy hại tại kho là không nên, cần phải lựa chọn đơn vị xử lý phù hợp để xử lý ngay. Nếu trong trường hợp khả năng doanh nghiệp ở Hà Tĩnh hay các địa phương khác không xử lý được chất thải của Formosa thì Bộ và tỉnh sẽ yêu cầu Formosa đầu tư một khu xử lý chất thải đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nên cho Formosa xả thải ra sông hay ra biển?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO