Nền đường cao hơn nhà dân: Nhà biến thành hầm

Lê Anh 14/10/2017 10:00

Dù các dự án hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông xây dựng đã ảnh hưởng, gây bong tróc, sụt lún nhiều nhà dân trong suốt một thời gian dài, thế nhưng mới đây Sở Xây dựng TPHCM mới tham mưu UBND TP về các phương án hỗ trợ thiệt hại…

Một dự án thi công cao hơn mặt đường 0,4-1,2m tại quận Bình Tân, khiến nhà dân bị biến thành hầm do thấp hơn mặt đường.

Thống kê giai đoạn 2004-2007, việc nâng cấp 36 tuyến đường và cụm hẻm trên địa bàn Q.6 (TP HCM) dài hơn 10 km, đã làm cho nhà dân bị thấp hơn nền đường từ 0,5 - 0,8m, có nơi mặt đường cao hơn nhà dân trên 1m ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Tại khu vực nhà dân hai bên đường Kinh Dương Vương (Q.6, Q.Bình Tân), sau khi thi công xong công trình chống ngập mặt đường Kinh Dương Vương thì nhiều nhà dân đã bị biến hành hầm do thấp hơn so với mặt đường. Đơn vị chủ đầu tư là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM đã phải tạm ngưng thi công công trình nhiều lần do các phản ứng từ người dân từ thời điểm thi công công trình do đến lúc hoàn tất.

Cũng theo đơn vị này, công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc) có chiều dài 3,5 km, rộng 48m, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 300 tỷ đồng bằng giải pháp nâng mặt đường.

Trong đó, cao độ hoàn chỉnh mặt đường được nâng trung bình 0,7m và vỉa hè nâng cao từ 0,4 - 1,2m, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa nhà ở và công trình xây dựng dọc hai bên đường sẽ thấp hơn vỉa hè 0,6 -1 m. Do đó, người dân sống hai bên đường Kinh Dương Vương đã bức xúc khiếu nại lên các cấp chính quyền của quận Bình Tân.

Vào thời điểm đó, UBND Q.Bình Tân đã có khảo sát và báo cáo với UBND TP, công trình thi công đã ảnh hưởng đến 466 căn nhà, một bệnh viện, 64 doanh nghiệp, 27 trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp, 44 tuyến đường, hẻm kết nối với tuyến đường Kinh Dương Vương có trên một đoạn có chiều dài khoảng 3,5 km.

Nhiều người dân tại phường An Lạc, nơi chịu ảnh hưởng từ dự án phản ánh, dự án nâng nền mặt đường cao hơn nhà dân 1m chắc chắn sẽ khiến nhà dân bị ngập trong biển nước khi mưa lớn kết hợp triều cường. Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước trên tuyến đường này đa số đã cũ và xuống cấp nên không đủ khả năng thoát nước khi triều cường kết hợp mưa lớn.

Ngoài ra, các dự án sửa chữa, nâng cấp chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư cũng gây hiệu quả ngược khiến một số khu vực nhà ở tại dân cư bị sụt lún, nền nhà thấp hơn so với mặt đường. Nguyên do, tuyến đường này thuộc khu vực trũng của thành phố và nhiều năm qua liên tục bị ngập úng nặng do mưa lớn và triều cường.

Mới đây UBND TPHCM đã thuê Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung thí điểm hệ thống máy bơm thông minh để khắc phục tình trạng ngập úng, song nỗi lo ngập úng cục bộ nhà dân vẫn thường trực sau mỗi cơn mưa lớn.

Tại khu vực Q.8, Dự án “Giải quyết chống ngập do triều khu vực TPHCM” do Công ty Trung Nam Group làm chủ đầu tư, kiêm nhà thầu thi công dự án cũng đã gây bức xúc cho các hộ dân xung quanh.

Theo người dân thì quá trình thi công dự án đã làm nứt tường, nún sụt nền nhà dân khu vực bến phà Phú Định (P.7, Q.8) và các khu vực dân cư ven đường An Tài thuộc bến phà Phú Định. Suốt một thời gian dài thi công dự án, nhà cửa của dân có biểu hiện bị nứt toác, sụt lún, trong đó không ít hộ phải dọn đi ở trọ do lo ngại nhà bị sụp giữa đêm khuya không kịp ứng phó, cuộc sống bị đảo lộn. Về phía UBND P.7, Q.8 vừa qua cũng đã xác nhận nguyên nhân chính việc nhà dân bị nứt toác, sụn lún là do chủ đầu tư ép cọc nhồi ở độ sâu nhất định khiến nhà dân bị rung lắc.

Quá trình thi công của Công ty Trung Nam làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của bà con trong khu vực bến phà Phú Định, làm hư hỏng các cống điều tiết…Có thời điểm, chủ đầu tư đã thống kê, nỗ lực hỗ trợ bước đầu cho khoảng hơn 170 hộ bị ảnh hưởng, tuy nhiên việc giải quyết căn cơ vẫn chưa được tiến hành khiến người dân còn nơm nớp nỗi lo.

Khu vực bán đảo Thanh Đa, Q.Bình Thạnh trong hơn 20 năm qua vẫn thường xuyên chịu cảnh sống trong ngập úng, nhà cửa thấp hơn mặt đường từ nửa mét đến một mét, thế nhưng việc giải quyết, hỗ trợ từ phía chính quyền cũng rất hạn chế và chưa kịp thời. Năm 2014, các căn hộ ở lô IV và VI cư xá Thanh Đa bị sụt lún nghiêm trọng, đã khiến UBND Q.Bình Thạnh phải lên kế hoạch di dời khẩn cấp gần 300 hộ sống tại đây.

Đến năm 2016, hàng chục hộ dân trên đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh) cũng một phen tá hỏa khi các căn nhà bị rung lắc dữ dội kèm tình trạng tường nhà bị bể, nền nhà bị sụt lún và có thể bị sập bất cứ lúc nào. Nguyên nhân tiếp tục được xác định là do công trình xây dựng tòa nhà Vinacomin (do Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư) thi công gần khu vực gây sụt lún địa chất.

Theo kết quả khảo sát, trên toàn TPHCM có khoảng 8.432 trường hợp nhà ở bị ảnh hưởng bởi các dự án đã triển khai trong thời gian qua. Sở Xây dựng TPHCM ước tính sơ bộ số tiền hỗ trợ cho các nhà dân bị biến thành hầm thực hiện sửa chữa là vào khoảng 305 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền đường cao hơn nhà dân: Nhà biến thành hầm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO