Nền kinh tế hiệu quả nhờ vốn

T.Hằng 17/01/2018 07:30

Dự kiến trong năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt khoảng 17%. Các ngân hàng đang tích cực triển khai nhiệm vụ đưa tín dụng đến đúng địa chỉ, đúng thời điểm để hỗ trợ lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Nền kinh tế hiệu quả nhờ vốn
Tăng trưởng tín dụng năm 2018 được coi là triển vọng.

Nhiều cải thiện

Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng (TCTD) theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và diễn biến kinh tế vĩ mô.

Tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; phối hợp các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP...

Cùng với đó là việc tăng cường phối hợp với địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn. Kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BT, BOT giao thông, tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính... Ngoài ra thống đốc cũng chỉ đạo, các TCTD chủ động rà soát để tập trung vốn đầu tư vào các dự án hiệu quả, khả thi, đảm bảo hạn chế phát sinh thêm nợ xấu.

Trước diễn tiến chung, một số ngân hàng cũng khẳng định sẽ tập trung xử lý những tồn tại cũ, nâng cao chất lượng tín dụng. Mới đây nhất, tại cuộc hội nghị công tác năm, triển khai nhiệm vụ với của ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT nói, năm 2018, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng khoảng 15% - 17%; ​Nguồn vốn huy động tăng trưởng khoảng 18% - 20%; Dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 16 - 17% (mức tăng trưởng cụ thể theo phê duyệt của NHNN). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê của NHHN thực hiện, dự báo về triển vọng năm 2018, có 71,8% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh trong quý I/2018 cải thiện hơn so với quý IV/2017 và 88,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh của cả năm 2018 tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2017, trong đó 29,2% TCTD kỳ vọng sẽ có những cải thiện nhiều. Cũng ngay trong tháng này, nhiều ngân hàng lên kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018. Theo đó, các ngân hàng cho biết, thực hiện nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế hiệu quả.

Chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho rằng, lãi suất được điều tiết bởi thị trường và quyết tâm của NHNN, chưa kể việc các ngân hàng thương mại lãi lớn có thể là một điều kiện để giảm lãi suất. Thời gian tới, giảm lãi suất sẽ đồng loạt chứ không chỉ ở một số ngân hàng.
Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với sự hấp thụ của nền kinh tế. Hiện tại, sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế có chừng mực, nên quan trọng DN sử dụng nguồn vốn đó vào mục đích gì, hiệu quả không? Chất lượng tăng trưởng tín dụng cũng được NHNN xem là trọng tâm trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, năm 2018 sẽ là năm đặc biệt quan trọng với ngành ngân hàng khi triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.

NHNN sẽ chỉ đạo và hỗ trợ tối đa cho các TCTD để đẩy nhanh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 và hướng dẫn triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại các TCTD theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định, tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 18 - 20% là phù hợp, không tác động nhiều tới ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục lưu tâm làm sao để dòng vốn tín dụng đi vào các ngành nghề sản xuất - kinh doanh, không để bị lệch lạc tạo ra cơn sốt nóng như bất động sản, chứng khoán. Nhìn góc độ chính sách tiền tệ, việc phân bổ tín dụng ở mức độ nào, liều lượng, tương quan với thị trường khác ra sao là bài toán hết sức khó khăn

Theo khẳng định của chuyên gia, lĩnh vực bất động sản và chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn. Vì vậy, nếu không kiểm soát chặt chẽ, tín dụng có thể tăng lên 19% nhưng nền kinh tế cũng không được hưởng lợi nhiều. Thậm chí, ngành ngân hàng sẽ hứng chịu nhiều rủi ro, còn các DN kinh doanh bất động sản, chứng khoán lại hưởng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền kinh tế hiệu quả nhờ vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO