Nền kinh tế tiếp tục ‘vượt bão’

Bảo Thư 12/01/2023 09:50

Đưa ra nhận định trên trang web Diễn đàn Đông Á (eastasiaforum.org), ông David Dapice - nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Ash về Quản trị và Đổi mới thuộc Trường quản lý nhà nước Harvard Kennedy, Đại học Harvard cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và điều đó sẽ tiếp tục trong năm 2023.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Theo ông Dapice, sản xuất và công nghiệp của Việt Nam đã tăng gần 9% cho đến hết năm 2022, cho dù có chậm hơn so với đầu năm.

Tiếp tục mức tăng trưởng cao

Vị chuyên gia này cũng nhận xét, trái phiếu doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, đặc biệt là trái phiếu của các công ty bất động sản. Tuy nhiên, Việt Nam có những thế mạnh để bù đắp những thách thức này. Lạm phát năm 2022 ở mức thấp một con số. Trên thực tế năm 2022, đồng tiền của Việt Nam chỉ mất giá khoảng 5% so với đồng USD, thấp hơn nhiều quốc gia khác.

Trừ một số trường hợp ngoại lệ, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều ở thế mạnh với nguồn vốn dồi dào. Dòng vốn cao và việc hiện thực hóa đầu tư nước ngoài có nghĩa là sẽ có một dòng lao động tiếp tục chuyển từ nông nghiệp năng suất thấp sang sản xuất năng suất cao hơn.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng và góp phần chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam. Cùng đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường thế giới. Năm 2023, theo ông Dapice, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi mạnh hơn khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm phong tỏa vì Covid-19.

“Trong năm 2023, nếu không có biến động lớn, Việt Nam khả năng sẽ duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế ở mức 6,5%” - ông Dapice nhận định.

Trong khi đó, theo báo cáo “Việt Nam - Tiếp tục mức tăng trưởng cao” vừa phát hành, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, tiếp nối đà hồi phục tăng trưởng 8,02% của năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2023 và 6,7% trong năm 2024. Standard Chartered cho rằng, việc bổ sung dự trữ ngoại hối có thể sẽ là ưu tiên chính của Ngân hàng Nhà nước Việt nam trong năm 2023. Tỷ giá USD/VND được dự báo đạt 23.400 VND vào cuối năm 2023 và 23.000 VND vào cuối năm 2024.

“Cỗ xe tứ mã” của nền kinh tế

Lượng định khó khăn, tuy nhiên giới chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng trong năm 2023. TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng GDP đạt 8,02% trong năm 2022 là một kỳ tích. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là nét "khác biệt", trong bối cảnh thế giới đối mặt với lạm phát rất cao. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm vượt mốc 730 tỷ USD, với 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Lần đầu tiên xuất khẩu thuỷ sản cán mốc 10 tỷ USD, đưa Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thuỷ sản lớn thứ 3 thế giới. Cán cân thương mại xuất siêu ở mức cao đạt 11,2 tỷ USD.

“Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế đã được Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định. Fitch xếp hạng BB với triển vọng tích cực" - ông Lâm cho biết đồng thời cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nước ta chủ yếu dựa vào "cỗ xe tứ mã" với tầm quan trọng khác nhau của 4 "con ngựa kéo" được ví như 4 trụ cột. Đó là: Thúc đẩy tiêu dùng trong nước của thị trường gần 100 triệu dân; Xuất khẩu; Thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư công; Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thực hiện kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Còn theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nếu nhìn sâu vào bức tranh kinh tế có thể thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, những yếu tố khách quan này tạo nên sự đổi mới, buộc các doanh nghiệp thay đổi để thanh lọc, khiến cho quá trình tái cấu trúc của thị trường diễn ra mạnh mẽ hơn.

Ngày 11/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cho rằng GDP thế giới năm 2023 sẽ tăng trưởng 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 3,2% mà WB công bố cuối năm 2022. Trong dự báo mới nhất này, WB cho rằng năm 2023 tốc độ tăng trưởng chậm lại hầu hết đều xảy ra ở những nền kinh tế tiên tiến, điển hình kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023. Các quốc gia sử dụng đồng euro có thể đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu mới trong chưa đầy 3 năm sau đợt suy thoái gần đây nhất. Về các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, WB cho rằng năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải chật vật đối phó với gánh nặng nợ công, đồng nội tệ suy yếu, đầu tư doanh nghiệp giảm...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền kinh tế tiếp tục ‘vượt bão’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO