Nếp sống văn minh ở những bản làng

Tấn Thành – Thái Bình 09/06/2017 10:05

Trước đây, bà con Cơ Tu tại huyện Tây Giang (Quảng Nam) sống trên triền đồi, rải rác ở những thung lũng vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Những năm qua chính quyền huyện Tây Giang đã triển khai mô hình bố trí, sắp xếp dân cư với phương châm nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ và mô hình này đã đem lại hiệu quả cao.

Các thôn tái định cư ở Tây Giang được đầu tư xây dựng khang trang,
với đầy đủ hạ tầng dân sinh.

Sau hơn 5 năm bắt tay vào xây dựng, đến nay hầu hết các khu tái định cư trên địa bàn huyện được đầu tư đầy đủ về cơ sở hạ tầng cùng các thiết chế văn hóa cho đồng bào. Vùng cao Tây Giang hôm nay như khoác lên tấm áo mới, yên bình giữa thiên nhiên. Và những bản làng ẩn mình trong núi non Trường Sơn đang từng ngày thay da, đổi thịt, mang dáng dấp của sự tiến bộ, văn minh.

Già làng Clâu Nhấp ở thôn Pơr’ning, xã Lăng cho biết, cuộc sống của gia đình mình và bà con dân làng về nơi ở mới đổi thay nhiều lắm. Trước đây bà con đói nghèo nhiều, mặt bằng dân trí thấp, trẻ con không có điều kiện học hành hoặc mỗi khi đau ốm cũng đành bó gối ở nhà vì không có trạm xá. Nhưng nay, con đường làng đã trải bê tông, sạch đẹp, chỉ cần đi xe máy vài chục phút người già, trẻ nhỏ đã đến được trạm xá.

“Nhà nước đã đầu tư 80% rồi nên còn lại 20% thì người dân phải chung sức với nhà nước để mà làm, xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Vừa rồi chúng tôi tuyên truyền, vận đồng bà con hiến đất đai, vườn tược để Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông. Ai cũng ưng cái bụng làm theo” – Già Nhấp nói.

Cô giáo Trần Thị Mai Hương, trường Tiểu học xã Lăng, huyện Tây Giang cho hay: “Thuận tiện nhất ở đây chính là việc người dân được tập trung một chỗ nên con em trong thôn, bản được học hành thuận lợi. Không còn trường hợp học sinh đi học nhiều giờ để đến trường nên bỏ học như trước đây nữa. Theo đó, giáo viên cũng dễ kiểm tra việc học tập của học sinh và công tác giảng dạy được đảm bảo chất lượng”.

Dẫn chúng tôi đi trên đường bê tông vòng quanh làng Pơr’ning, ông Bríu Hùng - Chủ tịch UBND xã Lăng phấn khởi kể, hệ thống điện lưới trong thôn đã được ngầm hóa. Đặc biệt, từ khi có điện, nhiều hộ dân mua sắm các thiết bị nghe nhìn, tăng cường kiến thức, học tập kinh nghiệm làm ăn ở các nơi, mở rộng giao lưu văn hóa, tạo sự xích lại gần nhau giữa các vùng, miền trong huyện.

Chủ tịch UBND xã Lăng - Bríu Hùng phấn khởi: “Bà con về nơi ở mới thuận lợi đủ thứ, gần trường, trạm, chợ để giao thương, mua bán. Bên cạnh đó từ nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình Nông thôn mới và các nguồn vốn khác đã tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bh’ríu Liếc, Bí thư huyện ủy Tây Giang cho hay: “Để triển khai, thực hiện tốt chính sách sắp xếp ổn định dân cư, trước hết địa điểm quy hoạch bố trí định cư cho người dân phải phù hợp với quy hoạch sản xuất và điều kiện của địa phương. Đặc biệt công tác quy hoạch phải đi trước một bước, và phải có sự đồng tình của người dân. Trong quá trình triển khai thực hiện các bản làng định cư mới đều chú trọng đến phong tục, tập quán và văn hóa của người dân bản địa. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công trong việc bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện hiện nay”.

Việc tái định cư, ổn định cuộc sống đã thực sự tạo diện mạo mới cho Tây Giang. Chính chủ trương này đã giúp cho gần 90 làng định cư bền vững ở Tây Giang hình thành, phát triển như hôm nay. Tây Giang được đánh giá là một trong số địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam làm tốt và tạo được dấu ấn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nếp sống văn minh ở những bản làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO