Nga-Mỹ lại vào thế đối đầu

Khánh Duy 14/05/2016 09:05

Mỹ vừa chính thức khởi động một hệ thống lá chắn tên lửa trị giá 800 triệu USD của họ ở Romania hôm 12/5 mà họ cho là cần thiết để bảo vệ chính họ và châu Âu khỏi các mối đe dọa. Còn đối với Nga và giới phân tích, rõ ràng động thái này nhằm tăng cường họng súng hạt nhân của Mỹ và đồng minh nhằm vào nước Nga.

Nga-Mỹ lại vào thế đối đầu

Buổi lễ kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa diễn ra
tại căn cứ không quân Deveselu, Romania hôm 12/5 (Nguồn: AFP).

Dưới cờ hiệu và nền nhạc tại căn cứ không quân Deveselu ở Romania, các quan chức kỳ cựu của Mỹ và NATO đã tuyên bố đưa hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo vào hoạt động. Hệ thống phòng thủ có khả năng bắn hạ các tên lửa từ các nước như Iran, mà theo như Mỹ nói là một ngày nào đó có thể với tới các thành phố lớn của châu Âu.

“Một khi Iran còn tiếp tục phát triển và triển khai tên lửa đạn đạo, Mỹ sẽ còn làm việc với các đồng minh để bảo vệ NATO” - Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work nói nhân sự kiện này.

Bất chấp kế hoạch của Washington trong việc tiếp tục phát triển khả năng của hệ thống lá chắn tên lửa, ông Work nói rằng nó sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ mối đe dọa tên lửa nào từ Nga. “Không có kế hoạch nào cho điều đó cả”, ông Work nói.

Trước khi sự kiện trên diễn ra, giới chức quân đội Mỹ từng cảnh báo rằng tên lửa đạn đạo của Iran có thể tấn công nhiều phần của châu Âu, trong đó gồm cả Romania. Khi hoàn thiện, hệ thống lá chắn tên lửa sẽ kéo dài từ Greenland đến Azores. Và trong ngày 13/5, Mỹ đã tiếp tục lên kế hoạch khởi động hệ thống cuối cùng ở Ba Lan để sẵn sàng đi vào hoạt động trong năm 2018.

Được biết hệ thống lá chắn tên lửa này cũng bao gồm nhiều chiến hạm và radar trên khắp châu Âu. Nó sẽ được chuyển giao cho NATO vào tháng 7 tới, trong khi đài chỉ huy và kiểm soát sẽ được đặt ở một căn cứ không quân Mỹ ở Đức.

Động thái trên đã khiến Nga phản ứng mạnh mẽ trong ngày 13-5. Moscow nói rằng khối đồng minh mà Mỹ đang dẫn đầu đang cố gắng bao vây nước Nga trên khắp khu vực chiến lược Biển Đen, nơi mà NATO cũng đang quyết định tăng cường tuần tra.

“Đây là một phần của kế hoạch bao vây nước Nga cả về mặt quân sự và chính trị” - hãng Interfax dẫn lời ông Andrey Kelin, một quan chức Ngoại giao kỳ cựu của Nga, nhận định.

Nhằm vào nước Nga

Văn phòng của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow nghi ngờ về tuyên bố bảo vệ khối đồng minh của NATO trước tên lửa của Iran, khi mà các cường quốc đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân với nước này hồi năm ngoái, mà Nga cũng đã đóng góp tích cực cho quá trình đàm phán.

“Tình hình với Iran đã thay đổi rất nhiều” - Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói.

Ông Joe Cirincione, một chuyên gia hạt nhân của Mỹ, nói với báo giới tại Geneva rằng lá chắn tên lửa nên được gỡ bỏ.

“Nó vốn được thiết kế để bảo vệ châu Âu khỏi tên lửa, mà quốc gia chúng ta nên sợ hãi nhất là Iran. Nhưng Iran chưa thể hoàn thiện một tên lửa hạt nhân trong vòng ít nhất 20 năm tới. Vậy nên chả có lý do gì để tiếp tục triển khai chương trình này” - ông Cirincione nhận định.

Đáp trả qua lại

Việc đưa lá chắn tên lửa ở Romania đi vào hoạt động không chỉ là động thái duy nhất, mà NATO còn đang có kế hoạch triển khai thêm hệ thống như vậy ở Ba Lan và các nước Baltics nhằm đáp trả việc Crimea trở lại nước Nga hồi năm 2014. Để đáp trả, Nga hiện đã tăng cường thêm quân lực mới ở khu vực biên giới phía Tây và phía Nam.

Ba Lan từ lâu đã lo ngại rằng Nga có thể đáp trả bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân tới Kaliningrad, khu vực nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Nga hiện đã triển khai nhiều tên lửa không đối không và chống hạm tại đây, hoàn toàn có khả năng “khóa chân” quân lực của NATO.

Điện Kremlin nói rằng, mục đích chính của lá chắn tên lửa mà Mỹ triển khai chính là vô hiệu hóa sức mạnh hạt nhân của Nga trong khoảng thời gian đủ để Mỹ tấn công Nga, trong trường hợp xảy ra chiến sự. Washington và NATO đều bác bỏ điều này.

Hệ thống lá chắn tên lửa ở Romania, được phía Mỹ thiết kế và còn được gọi là các chiến hạm Aegis, đầu tiên được sản xuất ở bang New Jersey và sau đó chuyển tới căn cứ Deveselu trong các container.

Dù rằng giới chức Mỹ và NATO liên tiếp nhắc lại rằng hệ thống này là nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Đông chứ không phải Nga, nhưng thực tế là họ vẫn đang cân nhắc xem nên đặt lại các dàn radar và hệ thống bắn chặn ở đâu để đối phó Nga một cách hiệu quả trong trường hợp chiến sự bùng nổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga-Mỹ lại vào thế đối đầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO