Nga tuyên bố đáp trả sau khi dự luật trừng phạt được Hạ viện Mỹ thông qua

26/07/2017 19:10

Chính quyền Moscow hôm 26/7 tuyên bố sẽ đưa ra hành động đáp trả trước việc Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua một dự luật nhằm áp đặt lớp lệnh trừng phạt mới với Nga, điều mà giới chức nước này gọi là “vô nghĩa và phá hoại”, theo Bộ Ngoại giao nước này.

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt Nga với số phiếu thuận áp đảo. (Nguồn: Reuters).

lùi trong quan hệ Nga-Mỹ

“Điều đang xảy ra đã đi ngược lại xu thế chung. Tác giả và những người bảo trợ cho dự luật này đang có một bước đi rất nghiêm trọng hướng tới việc hủy hoại bất cứ khả năng nào nhằm bình thường hóa quan hệ với Nga”, Thứ trưởng Nga Sergey Ryabkov nói trước báo giới trong hôm 26/7, khi nhắc tới dự luật mới được Hạ viện Mỹ thông qua.

Trước khi tuyên bố trên được đưa ra, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm trao cho Quốc hội nước này quyền lực ngăn chặn mọi nỗ lực của Nhà Trắng trong việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, được xem như một thách thức trực tiếp đối với khả năng ra quyết định của Tổng thống Donald Trump.

Cuộc bỏ phiếu có kết quả là số phiếu thuận áp đảo, 419-3. Dự luật này sẽ được chuyển tới Thượng viện, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu Thượng viện có tổ chức bỏ phiếu để thông qua nó hay không.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Bob Corker, trong hôm đầu tuần đã bóng gió về khả năng ông sẽ chặn dự luật này. Trước đó, dự luật đã được đàm phán giữa Thượng viện và Hạ viện sau khi phiên bản đầu tiên của nó được thông qua với số phiếu thuận áp đảo, 98-2.

“Đây là một dự luật lưỡng đảng mạnh mẽ mà chắc chắn sẽ làm tăng cường sức mạnh kinh tế và chính trị của nước Mỹ” - Nghị sỹ Hạ viện Ed Royce, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói trước báo giới.

Được biết, 3 phiếu chống đối với dự luật này đều đến từ các thành viên đảng Cộng hòa, bao gồm Nghị sỹ Justin Amash của bang Michigan, Nghị sỹ Tom Massie đến từ Kentucky và Nghị sỹ John Duncan của Tennessee. Dự luật gây tranh cãi trên tìm cách áp đặt lớp lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với CHDCND Triều Tiên, Iran và Nga, và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của giới lập pháp Mỹ.

Nga vốn đã trở thành mục tiêu hứng chịu những cáo buộc không bằng chứng về can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016, một cáo buộc mà họ vẫn bác bỏ. Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo rằng khi dự luật này trở thành một bộ luật có hiệu lực, họ chắc chắn sẽ đưa ra hành động đáp trả.

“Chúng tôi đã nói với họ hàng chục lần rằng các hành động như vậy sẽ không thể cho qua mà không có hành động đáp trả. Tôi tin rằng dù cho Washington có xu hướng không bao giờ nghe ai khác cả, thì tín hiệu đó cũng rất rõ ràng”, Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh.

Mối quan ngại này cũng được nêu lên bởi Nghị sỹ Frants Klintsevich, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga. Ông cho rằng quan điểm của Washington đang kéo thế giới tới bờ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Ông Klintsevich cũng nói rằng động thái mới của Mỹ “sẽ khiến cho mối quan hệ hợp tác Nga-Mỹ nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc tế, bao gồm cuộc chiến chống khủng bố, trở nên hết sức khó khăn, chưa nói tới khả năng tan vỡ”.

Hiện nay dự luật này vẫn chưa thể chính thức đi vào hiệu lực nếu chưa có chữ ký của Tổng thống Donald Trump, nhưng nó cũng đã gây ra sự quan ngại rõ rệt ở châu Âu.

Chính phủ cùng giới lãnh đạo doanh nghiệp khắp châu Âu trong thời gian gần đây đã nêu quan ngại rằng các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ có thể gây ảnh hưởng tới các dự án năng lượng chung quan trong với Nga. Nhiều người cho rằng lệnh trừng phạt này xuất phát từ động cơ của Washington muốn chiếm lĩnh thị trường khí đốt châu Âu từ tay Nga, nhằm có lợi cho ngành công nghiệp khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ.

Tổng thống Trump có phủ quyết?

Điều thu hút sự quan tâm của dư luận nhất hiện nay là phản ứng của Tổng thống Trump, liệu ông có đặt bút ký dự luật này hay sẽ dùng tới quyền phủ quyết?

Trong những ngày gần đây, Nhà Trắng liên tiếp đưa ra các thông điệp gây bối rối, trong đó thư ký báo chí Sarah Huckabee Sanders nói rằng, Tổng thống Trump ủng hộ dự luật này, trong khi Giám đốc Truyền thông Anthony Scaramucci nói rằng Tổng thống cần phải cân nhắc thêm về vấn đề này.

Các nỗ lực của chính quyền Trump trong việc làm suy yếu khả năng ngăn chặn các sắc lệnh của Quốc hội đã thất bại, và thay vào đó dự luật được xem xét lại này còn bao gồm một số thay đổi mà các công ty Mỹ và các đồng minh châu Âu mong muốn có nhằm đảm bảo rằng các thỏa thuận thương mại không bị ảnh hưởng bởi lớp lệnh trừng phạt mới.

Các cố vấn cùng thành viên của Quốc hội thuộc cả hai chính đảng của Mỹ từng cảnh báo rằng nếu Tổng thống Trump dùng quyền phủ quyết của mình đối với dự luật này, họ sẽ thu thập đủ số phiếu ủng hộ cần có để đảo ngược quyền phủ quyết và cuối cùng vẫn đưa dự luật này đi vào hiệu lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga tuyên bố đáp trả sau khi dự luật trừng phạt được Hạ viện Mỹ thông qua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO