‘Ngăn cản’ học sinh yếu, kém không thi vào 10: Ngành giáo dục phủ nhận là xong?

Nguyễn Hoài 21/04/2022 15:40

Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhìn nhận, tình trạng ngăn cản học sinh yếu, kém thi vào 10 để lấy thành tích đã tồn tại từ lâu chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.

Dù nhà trường, phòng GDĐT quận Cầu Giấy phủ nhận thông tin về việc “ép" học sinh kém không thi lớp 10 nhưng dư luận vẫn chưa lắng xuống bởi tình trạng này không phải nay mới có mà liên tục được xới xáo, khiếu nại hằng năm.

Phụ huynh bức xúc

Như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, hai ngày nay, trên mạng xã hội xôn xao thông tin về việc một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội ngăn không cho học sinh lớp 9 có học lực yếu, kém thi vào lớp 10.

Trước thông tin này Bộ GDĐT và UBND TP Hà Nội, Sở GDĐT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm nếu có.

Về phía nhà trường, ban giám hiệu Trường THCS Dịch Vọng và Trường THCS Nhật Tân phủ nhận thông tin trên.

Trả lời báo chí, ông Đặng Tiến Trung, Phó Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy cũng khẳng định, qua kiểm tra hồ sơ thì không có hiện tượng ép học sinh yếu kếm không được dự thi lớp 10 như thông tin trên mạng xã hội.

Thí sinh dự kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội năm 2021.

Trước câu hỏi không chỉ một mà nhiều phụ huynh phản ánh tình trạng bị trường ép, bắt ký cam kết không cho con thi vào lớp 10 do lực học kém, ông Trung cho rằng: "Có thể do thông tin từ giáo viên đến phụ huynh trong các buổi tư vấn bị nhiễu, khiến phụ huynh hiểu nhầm".

Dẫu vậy, dư luận vẫn chưa lắng xuống. Trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội nhiều người bày tỏ bức xúc trước sự việc phi lý này, trong đó có không ít người đã từng chứng kiến hiện tượng này.

Trên một diễn đàn giáo dục, tài khoản Nguyên Nguyên chia sẻ: “Năm ngoái cháu mình cũng được cô giáo khuyên như vậy và được tặng kèm theo tờ rơi tuyển sinh của trường dân lập và trường nghề”.

Một tài khoản khác có tên Tân Hoang cho hay: “Bé sát nhà em học lớp 7 một trường quận Cầu Giấy, vì học yếu nên nhà trường yêu cầu chuyển trường. Mẹ bạn ấy xin về một trường gần nhà, cô hiệu trưởng trường mới yêu cầu làm bản cam kết không thi lên cấp 3 thì mới nhận”.

Tài khoản Lê Phương Hoa cũng chia sẻ: “Năm ngoái, con gái mình điểm thấp, cô không phát tờ xanh đăng ký thi THPT, tôi có nhắn hỏi cô vì thi là quyền của học sinh. Nhưng cô lại nói là, thi có đỗ không mà thi”.

Tuy nhiên, theo chị Hoa, gia đình chị không làm theo yêu cầu của cô giáo và vẫn quyết định cho con thi vào 10 THPT công lập.

Không ai có quyền ngăn cản học sinh

Không phải đến bây giờ, tình trạng này mới được nhắc tới, gây xôn xao dư luận.

Theo Bộ GDĐT, những đồn đoán này đã diễn ra nhiều năm nay, nhất là vào thời điểm chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội. Đây cũng là dịp các trường THCS của Hà Nội làm công tác hướng nghiệp.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc một số trường THCS trên địa bàn đã ngăn cản việc thi vào lớp 10 đối với những em học sinh được cho là có học lực không tốt, nhằm tạo ra thành tích ảo cho nhà trường.

Năm 2020, ở Hà Nội cũng xảy ra việc phụ huynh Trường THCS Thanh Trì (quận Hoàng Mai), Trường THCS Phúc La (Hà Đông) cũng phải viết đơn xin cho con không thi vào lớp 10.

Theo đó, với những phụ huynh có con học lực không được tốt, giáo viên chủ nhiệm đã tư vấn là nên cho con đi học nghề, chứ không nên tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như các bạn khác.

Có những người muốn con được tham dự kỳ thi vào lớp 10 để thử sức, nhưng giáo viên vẫn đưa mẫu đơn xin tự nguyện không thi để phụ huynh viết. Vì sợ con phải học lại, hay không được tốt nghiệp THCS nên phụ huynh chấp nhận viết và ký vào đơn này.

Thời điểm đó, khi báo chí vào cuộc, Hiệu trưởng Trường THCS Phú La cũng thừa nhận là có chuyện một số phụ huynh của trường phải viết đơn xin cho con không thi vào lớp 10, nhưng việc này là hoàn toàn tự nguyện, giáo viên của trường không ép buộc.

Theo vị này, việc viết đơn tự nguyện không tham gia thi vào lớp 10 công lập được thực hiện theo sự hướng dẫn từ Sở GDĐT Hà Nội. Sau khi phụ huynh học sinh làm đơn, trường sẽ chuyển về Phòng GDĐT và Sở để cập nhật và giám sát.

Phụ huynh, có người yếu thế thì sợ nếu phản ứng thì con sẽ khổ, sẽ bị thiệt thòi. Còn nhà trường, hay rộng hơn là ngành giáo dục tất nhiên sẽ phủ nhận tình trạng này. Thế nên, dù không phải là câu chuyện mới nhưng cứ đến thời điểm kỳ thi vào 10 THPT công lập tại Hà Nội chuẩn bị diễn ra thì tình trạng này lại được xới xáo lên.

Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhìn nhận, tình trạng ngăn cản học sinh yếu, kém thi vào 10 để lấy thành tích đã tồn tại từ lâu chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.

Ông Lâm cho rằng, báo chí nên vào cuộc mạnh mẽ để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Theo ông Lâm, việc ép không cho học sinh có học lực yếu, kém thi vào 10 là vi phạm quyền học tập của trẻ em. Bản thân chính bố mẹ của những học sinh này cũng không có quyền ngăn cản các em chứ chưa nói đến thầy cô.

Quan trọng hơn, mục tiêu của giáo dục là phát huy tiềm năng vốn có của mỗi con người. Các em có quyền định đoạt con tương lai, con đường phát triển sự nghiệp của mình. Mỗi người đều có một trí thông minh riêng, không phải cứ học giỏi Văn, giỏi Toán đã là thông minh, học giỏi.

Do đó, TS Nguyễn Tùng Lâm kêu gọi, các thầy cô, nhà trường hãy dạy học theo mục tiêu “tất cả vì học sinh thân yêu”, tạo điều kiện cho các em đều được học tập công bằng, phát triển năng lưc toàn diện của bản thân.

Bệnh thành tích không phải chỉ có ở riêng ngành giáo dục mà ở tất cả mọi ngành, mọi lĩnh vực. Ông Lâm thẳng thắn nêu quan điểm, cách tính thi đua tới đây phải thay đổi, khuyến khích thầy cô hỗ trợ học sinh có học lực yếu, kém chứ không chỉ quan tâm, bồi dưỡng tới học sinh khá, giỏi. Ngành giáo dục nên có cách nhìn nhận, đánh giá, khen thưởng với những nhà trường, thầy cô tích cực phát triển đối tượng học sinh này.

“Muốn chống bệnh thành tích trong giáo dục thì mỗi người trong ngành giáo dục cần phải thay đổi, nêu cao nhận thức thì mới thực hiện được”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Ngăn cản’ học sinh yếu, kém không thi vào 10: Ngành giáo dục phủ nhận là xong?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO