Ngăn chặn rác thải nhựa - Bài 4: Nâng cao ý thức cộng đồng

Kiên Long 18/07/2019 08:00

Dùng túi nilon, chai nhựa đã trở nên thói quen của mọi gia đình. Mỗi ngày, mỗi gia đình thải ra môi trường hàng chục túi nilon, chai, vỏ nhựa các loại. Theo đó, ước tính mỗi ngày cả nước cũng có hàng chục tấn chất thải nhựa đổ ra môi trường. Để hạn chế, trước hết phải từ ý thức con người, bên cạnh đó là chế tài xử phạt nghiêm.

Ngăn chặn rác thải nhựa - Bài 4: Nâng cao ý thức cộng đồng

Thu gom rác thải nhựa ở Phú Quốc.

Chấm dứt thói quen xấu

Việc dùng túi nilon, chai nhựa bắt đầu phổ biến từ thành thị, nay đã lại quá quen thuộc với các vùng nông thôn, miền núi. Chưa bao giờ, người ta cảm thấy rác thải đổ ra từ các gia đình nhiều đến thế. Rau, cơm, đồ ăn thừa, chai lọ, thuỷ tinh vỡ…tất cả cho vào túi ni lon túm chặt. Rác thải hữu cơ, vô cơ lẫn lộn, khó có thể phân loại, càng khó xử lý khi đốt, khi chôn.v..v. Và rồi thói quen của không ít người là vứt rác ra đường, vứt rác xuống sông.

Từ thói quen, việc tiện lợi dùng túi nilon, đồ nhựa, nên việc sản xuất túi nilon, đồ nhựa mỗi ngày một gia tăng. Nếu năm 1950 thế giới mới sản xuất, tiêu thụ 2,3 triệu tấn nhựa, năm 1993 tăng lên 162 triệu tấn, năm 2015 đã là 448 triệu tấn, và mỗi năm tăng 4%. Mấy chục năm trước, việc dùng túi nilon ở Việt Nam là rất ít thì hiện mỗi ngày có hàng triệu túi nilon thải ra môi trường. Mỗi năm chúng ta có khoảng 2,5 triệu tấn thải nhựa. Và với 2.360 con sông kênh lớn nhỏ, 392 sông lớn chảy liên tỉnh, 191 tuyên sông kênh là tuyến đường sông quốc gia…mỗi năm Việt Nam xả ra biển khoảng 0,5 triệu tấn rác thải nhựa.

Vô cùng nguy hại

Một túi nilon chôn trong lòng đất phải mất 20-30 năm mới bị phân huỷ. Với chai nhựa, hộp xốp phải đến 50, hay 100 năm. Người ta đã từng vớt được những chai nhựa thả ra biển cách đây khoảng 50 năm vẫn y nguyên. Điều oái oăm khi ở đại dương, nilon, nhựa bị phân rã sẽ hoà vào nước. Cá tôm đều ăn các phần tử nhựa và con người ăn cá, tôm, ăn luôn cả các hạt nhựa.

Thực tế đến nay, các bờ biển trên thế giới và ở Việt Nam đều ngổn ngang rác thải nhựa. Nghiên cứu của tổ chức Hoà Bình Xanh cho thấy rác thải nhựa ảnh hưởng trực tiếp đến 267 loài động vật ở biển. Nghiên cứu của Cục Hải Dương học và Khí quyển Mỹ cho thấy, chất thải nhựa đã giết chết khoảng 100.000 động vật biển, hàng triệu cá và chim…Như ở nước ta, gần đây các bãi biển không kể các loài động vật nhỏ, cả các cá thể lớn như cá voi thỉnh thoảng vẫn chết dạt. Theo Liên hợp quốc, nếu tiếp tục cứ mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra biển thì đến năm 2050, các đại dương nhựa sẽ nhiều hơn cả cá. Trong khi đó, hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong nước máy và thực phẩm của con người trên khắp thế giới. Hiện có khoảng hơn 600 loài sống ở biển bị ảnh hưởng. Nếu như không có biện pháp ngăn chặn thì đến năm 2050, không chỉ “nhựa nhiều hơn cá”, nhiều loại bị tuyệt chủng, mà 99% loài ở biển sẽ bị ảnh hưởng mà con người ăn cá thì mỗi năm sẽ có khoảng 11.500 hạt vi nhựa trong người, ảnh hưởng đến sức khoẻ, làm gia tăng tỉ lệ người chết vì ung thư…

Nâng cao ý thức, hành động thiết thực

Từ hơn chục năm trước, nhiều nơi ở châu Âu đã đánh thuế rất cao, hoặc cấm các loại sản phẩm bằng nhựa. Mới đây Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm dùng đồ nhựa một lần. Theo đó, đến năm 2021, que cầm bóng bay, hộp đồ thức ăn, dao kéo, ống hút, tăm bông sẽ bị cấm hẳn. Từ năm 2018 Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 chủng loại rác thải rắn, trong đó có các loại nhựa và giấy không phân loại. Đến nay đã có trên 127 nước trên thế giới cấm hoặc đánh thuế với túi nhựa. Một số bang ở Mỹ đã có cả dự luật cấm túi nhựa dùng 1 lần. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã phát động chiến dịch toàn cầu chống ô nhiễm nhựa.

Những năm gần đây, từ các cuộc phát động của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội, người Việt Nam cũng đã dần thay đổi ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Không ít thanh niên, học sinh hiện nay đã từ chối việc dùng túi nhựa. Nhiều người mang hộp đi mua cơm, nhiều quán nước dùng ống inox thay ống nhựa. Khu du lịch Hội An nhiều năm nay từ chối sử dụng túi nilon. Từ tháng 6/2018, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã yêu cầu dùng bình nước kim loại thay chai nước nhựa dùng 1 lần trong các hội nghị. Từ tháng 11/2018, tỉnh Nam Định đã có văn bản yêu cầu các đơn vị cơ quan không sử dụng sản phẩm nhựa khó phân huỷ, sử dụng 1 lần trong các hoạt động chung; vận động cộng đồng “nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”..v.v.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka- Nhật Bản cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, rác thải biển đã làm suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái biển là vấn đề cấp bách toàn cầu; đề nghị các nước chung tay xây dựng các thể chế, quy định về biển và đại dương, nhằm kiểm soát, giảm thiểu và ngăn ngừa rác thải nhựa biển. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa một lần. Trước đó, ngày 9/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương chiều 4/7, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, cần có thể chế đối với vấn đề rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương, không làm nửa vời…

Mỗi con người, mỗi gia đình và toàn dân cần phải sớm thay đổi ý thức, thói quen trong việc hạn chế hoặc tiến tới không dùng đồ nhựa, túi nhựa, không thải chất thải nhựa ra môi trường. Chúng ta cần phát huy những mô hình, sáng kiến, phân loại, tái chế chất thải nhựa…với sự vào cuộc của cả cộng đồng. Cần xây dựng thể chế, xử phạt nghiêm minh.

* Ông Hồ Hữu Xuân (cựu giáo chức TP Nam Định): Phải có vật dụng dễ tiêu hủy thay thế. Theo tôi, trong bối cảnh rác thải nhựa, túi nilon “bủa vây” con người, gây nhiều tác hại như hiện nay, ngoài việc cần tăng cường thêm các nguồn lực bảo vệ môi trường, cả về chính sách, ngân sách, con người lẫn chế tài xử lý vi phạm; nhà nước cần đầu tư, lựa chọn được những cộng nghệ bảo vệ môi trường hữu hiệu hơn. Trong đó, cần khuyến khích, hỗ trợ kịp thời những cá nhân, tổ chức, nhà sản xuất nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm, vật dụng thân thiện môi trường, dễ tiêu hủy như vải, mây, tre, cói, giấy. Phía người dân, cũng phải hình thành được thói quen, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. D.Hưng (ghi)

* Ông Nguyễn Văn Nam (quận Ba Đình, TP Hà Nội): Cần quy định cụ thể, xử phạt nghiêm. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp bảo vệ môi trường, có các giải pháp cụ thể như phân loại rác thải, nhất là rác thải nhựa thì cần sớm có các quy định, xử lý thật nghiêm. Ở các nước tiên tiến, hay ngay như Singapore chẳng hạn, chỉ vô tình ném mẩu giấy, miếng nhựa là bị xử phạt rất nặng. Bên cạnh đó, cần đánh thuế nặng, hạn chế việc sản xuất túi nilon, hộp xốp, khuyến khích việc tái chế chất thải nhựa… K.Long (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn rác thải nhựa - Bài 4: Nâng cao ý thức cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO