Ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường công

Kiều Trinh 16/09/2019 08:00

Vào năm học mới, năm nào cũng vậy thì từ Bộ cho tới các Sở GDĐT đều có công văn hướng dẫn triển khai, thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong nhà trường, đồng thời nghiêm cấm tình trạng lạm thu. Nhưng mối lo cũ vẫn còn đó, người ta lo ngại lạm thu trong nhà trường sẽ biến tướng dưới nhiều hình thức.

Ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường công

Một biếm họa cho thấy dư luận bức xúc về nhiều khoản thu trong nhà trường.

Phụ phí nhiều hơn học phí

Để ngăn chặn và khắc phục, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ mới đây đã nêu rõ: Chính phủ yêu cầu Bộ GDĐT tập trung chỉ đạo triển khai năm học mới 2019-2020 thiết thực, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý thu, có biện pháp ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học… xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương.

Trước đó, ngày 15/7, Bộ GDĐT có văn bản do Thứ trưởng Lê Hải An ký, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thực hiện nghiêm các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó nhấn mạnh: Thực hiện các khoản thu theo đúng quy định, tăng cường kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm dụng, thu ngoài học phí.

Tình trạng lạm thu trong nhà trường các cấp diễn ra trong thời gian khá dài, gây bức xúc dư luận. Thậm chí, tình trạng lạm thu còn khiến cho chính sách miễn giảm học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở được xem là tiến bộ, nhân văn trong Luật Giáo dục sửa đổi trở nên ít ý nghĩa. Còn nhớ, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), tháng 11/2018, ĐBQH Cao Đình Thưởng- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết: “Khi chúng tôi hỏi phụ huynh, nhiều người bảo học phí thì ít, phụ phí mới là lớn. Đây là vấn đề đặt ra từ lâu và rõ ràng là Bộ GDĐT phải tiếp tục xem xét để quản lý hiệu quả hơn”.

Tình trạng lạm thu không chỉ có ở một địa phương nào, nhưng với các thành phố lớn thì tình hình khá căng thẳng. Ví dụ, tại một trường tiểu học ở Hoài Đức (Hà Nội), năm học 2018-2019, phụ huynh đã choáng váng trước 18 khoản thu đầu năm học, với “tổng thu” lên tới 7,5 triệu đồng/học sinh. Trong đó có những khoản thu “trời ơi đất hỡi”, như tiền Bảng tính thông minh 650.000 đồng; tiền bảo trì máy tính 150.000 đồng. Còn các loại quỹ cũng không theo một quy định, một nguyên tắc nào: Quỹ phụ huynh, Quỹ lớp, Quỹ học tập… đều là con số tiền trăm.

Một trong những “đối tượng” được coi là “khơi mào” cho chuyện lạm thu trong trường công lập lại hóa ra là Ban đại diện cha mẹ học sinh. Không ít nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã trở thành “công cụ” giúp cho các khoản lạm thu ở trong các trường công lập nghiễm nhiên có đất sống. Có lẽ vì thế mà vào năm học 2019-2020, để chấm dứt tình trạng lạm thu, UBND TP Hà Nội đã ra Công văn 3464/UBND-KGVX, trong đó tuyệt đối cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định; trường nào để xảy ra tình trạng lạm thu, Hiệu trưởng sẽ bị xử lý nghiêm.

Được thu và không được thu

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, năm học mới này Hà Nội có văn bản số 3213/SGDĐT-KHTC gửi UBND các quận, huyện, thị xã; các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định ngoài học phí, học sinh sẽ phải đóng góp những khoản tiền gì đầu năm học.

Đáng chú ý, văn bản còn nêu rõ những khoản nào không được thu (được hiểu rằng trước đó không ít trường đã thu). Cụ thể: 7 khoản tiền Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu theo quy định của Sở GDĐT Hà Nội là: 1/Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; 2/Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; 3/Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; 4/Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; 5/Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; 6/Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; 7/Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Còn ngoài học phí, theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, học sinh các trường công lập tại Hà Nội sẽ đóng góp những khoản tiền vào đầu năm học, như sau:

- Tiền phục vụ bán trú với mức thu là: Tiền ăn (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở): Theo thỏa thuận của phụ huynh với nhà trường; Tiền chăm sóc bán trú (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở): Tối đa 150.000 đồng/học sinh/tháng; Tiền trang thiết bị phục vụ bán trú: Tối đa 150.000 đồng/học sinh/năm đối với học sinh mầm non, 100.000 đồng/học sinh/năm đối với học sinh tiểu học và THCS.

- Tiền học 2 buổi/ngày với mức thu như sau: Với học sinh tiểu học: Tối đa 100.000 đồng/học sinh/tháng; Với học sinh trung học cơ sở: Tối đa 150.000 đồng/học sinh/tháng.

- Tiền học phẩm: Đây là khoản thu chỉ áp dụng đối với học sinh mầm non tại các trường công lập, nhằm trang bị các loại vở, học liệu để giúp trẻ tham gia các hoạt động giáo dục theo chương trình học. Mức thu: 150.000 đồng/học sinh/năm học.

- Tiền nước uống: Để mua nước uống tinh khiết phục vụ học sinh, phụ huynh phải đóng 12.000 đồng/tháng đối với học sinh tất cả các cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên).

- Tiền bảo hiểm y tế học sinh: Tiền bảo hiểm y tế học sinh năm 2019-2020 là 46.935 đồng/tháng.

- Tiền quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu: Được thu trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa phụ huynh và nhà trường.

Nhắc lại những khoản “được thu” và những khoản “không đươc thu” do Hà Nội quy định, để thấy rằng nếu địa phương nào cũng rõ ràng như thế thì mới hy vọng chấm dứt được tình trạng lạm thu trong trường công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO