Ngăn chặn 'xe dù' hiện đại

Đoàn Xá 14/10/2016 09:05

Là xu thế tất yếu của thị trường khi những ứng dụng khoa học công nghệ được đưa vào lĩnh vực giao thông, trợ giúp cho hành khách và lái xe được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, sau hơn 9 tháng thí điểm mô hình kinh doanh vận tải bằng ứng dụng công nghệ điện tử kết nối hành khách và lái xe, đến nay, bên cạnh thuận lợi đã phát sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Ứng dụng gọi, kết nối xe thông minh
đang được khách hàng ưa chuộng. (Ảnh minh họa).

Tiện ích

Ông Lê Hoàng Minh- Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, nơi có hàng ngàn các xe hoạt động vận tải theo hình đăng ký dịch vụ điện tử cho biết: Việc ứng dụng các công nghệ gọi xe và kết nối thông minh vào vận tải chính thức được áp dụng ở Bộ GTVT cho phép áp dụng thí điểm từ đầu năm 2016 đến nay.

Đây là kết quả tất yếu của xã hội, khi mà những ứng dụng này rất tiện lợi, góp phần khiến cho việc đăng ký, gọi xe của hành khách được dễ dàng hơn. Thậm chí, ngay cả các lái xe cũng có nhiều lợi ích, không phải chạy lòng vòng kiếm khách như mọi khi. Tại thành phố 2 công ty Grap và Vinashun là những đơn vị đầu tiên chính thức được cấp phép.

Tuy nhiên, lỗ hổng của hoạt động này là bên cạnh 2 đơn vị trên, hàng loạt các đơn vị khác kinh doanh tương tự nhưng lại không đăng ký, không có giấy phép hay chấp hành các quy định về thuế của pháp luật cũng hoạt động công khai. Điển hình như các xe của công ty Uber và hàng ngàn xe riêng lẻ bắt khách theo hình thức mối quen biết, có liên hệ trên mạng, qua các ứng dụng internet khác… Nói nôm na, đây chính là các “xe dù, xe mù” hoạt động không phép thời hiện đại. Họ cũng bắt khách, chở khách và thu tiền như những xe vận tải khác nhưng cơ quan chức năng không quản lý được.

Ông Nguyễn Tuấn Anh- Giám đốc Công ty GrapTaxi cho biết, trong 9 tháng đầu tiên áp dụng, GrapTaxi đã vận tải khoảng 62 triệu lượt hành khách, chủ yếu ở 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ gọi xe, kết nối hành khách và lái xe đã giúp cho hệ số chạy xe tăng lên đáng kể. Cụ thể, hệ số chạy xe (tính trên 100km) có khách của Grap hiện nay vào khoảng 90% ở TP HCM và 88% ở Hà Nội.

Điều này giúp các lái xe không phải chạy lòng vòng, thậm chí cả quãng đường di chuyển ngược lại khi chở khách. Ngoài ra, ông Tuấn Anh cũng kiến nghị, việc nhiều công ty hoạt động tương tự như Grap (cụ thể làUber) nhưng không chịu các mức áp dụng thuế cần thiết khiến cho mức giá doanh nghiệp đưa ra chênh lệch, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới sự minh bạch của thị trường. Vì vậy, việc bắt buộc gắn các nhãn mác (như loại taxi) bình thường là yêu cầu cần thiết nhất để quản lý đồng thời giúp hành khách phân biệt và có thể dễ dàng chọn lựa hơn.

Đồng tình với quan điểm đó, đại tá Huỳnh Trung Phong- Phó Phòng PC67 Công an TP HCM cũng cho biết, hiện nay rất nhiều xe vận tải không phép, vận tải của Uber hoạt động ở trung tâm thành phố gây lộn xộn, ùn tắc. Khi lực lượng CSGT kiểm tra, phát hiện thì hành khách lại cấu kết với chủ phương tiện với các lý do như xe của bạn bè, xe người thân, xe của người quen biết… nên cơ quan chức năng không thể xử lý theo quy định của pháp luật được. Vì thế, việc xe vận tải hành khách bắt buộc phải dán nhãn (như xe Grap) riêng biệt để có thể quản lý thuận lợi.

Phạt nặng chủ xe vi phạm

Một trong những giải pháp để làm minh bạch thị trường vận tải bằng ứng dụng thông minh này, ông Nguyễn Xuân Thủy- Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng hiện nay thị trường các xe hoạt động đang khá phức tạp. Do đây mới chỉ là thời gian thí điểm nên Bộ GTVT sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến và ghi nhận thực tiễn để tìm ra những giải pháp hợp lý nhất.

“Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi di chuyển, tạo môi trường cởi mở để các doanh nghiệp đầu tư đồng thời kiểm soát chặt chẽ để mang đến sự công bằng, đảm bảo không thất thu ngân sách chính là những yếu tố quan trọng để đưa hoạt động kinh doanh này vào áp dụng chính thức. Đặc biệt, sẽ có những khung hình phạt nặng những vi phạm về vận tải hành khách kiểu xe dù hiện đại như hiện nay để ngăn chặn, cảnh báo”, ông Thủy nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông Tạ Long Hỷ- Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM cho biết, xu thế ứng dụng các công nghệ thông minh để đặt xe, kết nối lái xe và hành khách là xu thế tất yếu, phù hợp sự phát triển của xã hội. Vì thế, việc thí điểm cho phép các xe taxi truyền thống được áp dụng các dịch vụ này là phù hợp, tạo thuận lợi cho cả hành khách và lái xe, lẫn các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đây là ứng dụng mới, đang trong giai đoạn thí điểm nên cần có những chế tài quản lý thích hợp để vừa đảm bảo sự thuận lợi, tính nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt, ông Hỷ cũng cho rằng cần xử lý nghiêm những vi phạm của các đơn vị vận tải cố tình vi phạm nhằm tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn 'xe dù' hiện đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO