Ngân hàng máu 'kêu cứu' giữa mùa dịch

HÀ AN - VIỆT ĐOÀN 30/07/2021 09:00

Giữa thời điểm nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, các điểm hiến máu vắng bóng người, kho máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương lại rơi vào cảnh thiếu máu hơn bao giờ hết.

Điểm hiến máu tình nguyện. Ảnh: Việt Đoàn.

Giữa lúc dịch Covid-19 đang lan rộng khắp nơi, nhiều tỉnh thành trong cả nước thực hiện giãn cách theo chỉ thị của Thủ tướng, tại các điểm hiến máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương lại vắng vẻ thưa bóng người hơn bao giờ hết.

Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước chấp hành nghiêm thực hiện giãn cách theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…

Nửa chặng đường Hành trình đỏ mới chỉ tiếp nhận được… 30% lượng máu dự kiến

Trước thực trạng trên, theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết online, không chỉ có các điểm hiến máu cố định thuộc Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vắng bóng người, mà ngay cả nguồn máu dự trữ bên trong kho cũng đã cạn kệt. Và hơn nữa, người bệnh trên khắp các địa phương của cả nước cũng đang lâm tình trạng cần máu.

Khu vực chờ tịnh không một bóng người. Ảnh: Gia Thắng.

Theo đại diện bộ phận truyền thông Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, cũng là lúc hoạt động hiến máu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt lịch hiến máu đã bị hủy hoặc lùi thời gian tổ chức.

Thiếu máu theo nhóm máu, thiếu chế phẩm tiểu cầu, nhiều nơi có thời điểm chỉ cung cấp được 50 – 70% nhu cầu máu phục vụ điều trị. Chương trình Hành trình Đỏ, vốn là chiến dịch hiến máu lớn nhất hàng năm với sứ mệnh giải quyết tình trạng thiếu máu dịp hè, nay lại gặp khó khăn chưa từng có khi đã trải qua nửa chặng đường mới chỉ tiếp nhận được 30% lượng máu dự kiến.

Được biết, Hành trình Đỏ lần thứ IX năm 2021 đặt mục tiêu đẩy mạnh kêu gọi tổ chức hiến máu an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo cung cấp kịp thời các chế phẩm máu cho cấp cứu và điều trị.

Lượng máu còn lại trong kho là rất ít. Ảnh: Gia Thắng.

Nhưng tình hình dịch đã khiến kế hoạch tổ chức của các địa phương liên tục thay đổi, lượng máu tiếp nhận giảm, thời gian tổ chức của Hành trình Đỏ kéo dài hơn dự kiến.

Tính đến ngày 20/7, mới chỉ có 18 tỉnh, thành phố tổ chức xong các ngày hiến máu chính thức của Hành trình Đỏ với hơn 14.000 đơn vị máu được tiếp nhận. Nếu tính thêm cả các ngày hiến máu hưởng ứng khác, cả chiến dịch cũng mới tiếp nhận được 33.500 đơn vị máu, đạt hơn 30% so với dự kiến.

Về thực trạng trên, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ cho biết: “Quy mô tổ chức của cả chiến dịch Hành trình Đỏ và sự kiện tại mỗi địa phương đều được điều chỉnh giảm. Số lượng người hiến máu được huy động ít hơn. Nhiều địa phương hoãn lịch Hành trình Đỏ từ tháng 6 sang tháng 8 và hàng loạt lịch hiến máu khác cũng bị ảnh hưởng nên hiện tại hầu hết các ngân hàng máu đều rơi vào tình trạng báo động”.

TS Khánh cho biết thêm, các hoạt động như lễ khai mạc, mít tinh, tôn vinh người hiến máu ở nhiều địa phương đều được cắt giảm để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Việc tổ chức tiếp nhận máu được chia thành nhiều địa điểm nhỏ, kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu, quy mô và số lượng tiếp nhận máu cũng giảm đáng kể.

Máu nhóm AB còn rất ít. Ảnh: Gia Thắng.

Theo kế hoạch, Hà Nội dự kiến sẽ là địa phương cuối cùng tổ chức Hành trình Đỏ. Nhưng đến thời điểm này, ít nhất 16 tỉnh, thành phố phải chuyển lịch hiến máu từ tháng 6, tháng 7 sang tháng 8 và vẫn chưa chốt thời gian tổ chức chính thức. Nhiều địa phương chỉ tổ chức các điểm hiến máu nhỏ nhằm đảm bảo nguồn máu cho điều trị như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Tây Ninh.

Đơn cử tại Bình Định, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã phải thông báo hoãn lịch hiến máu tại huyện Phù Mỹ. Còn ở TP Quy Nhơn, thay vì tổ chức tiếp nhận máu trong 1 ngày thì Ban Chỉ đạo đã điều chỉnh phương án tiếp nhận máu trong 5 ngày theo từng cụm xã, phường để giảm thiểu tập trung đông người, thời gian chờ đợi và hạn chế người hiến máu phải di chuyển.

Khắp nơi, tiếng kêu cứu của người bệnh cần máu!

Như ở Thanh Hóa, một tài khoản Facebook đăng bài cầu cứu: “Bố em tên là Phạm Tuấn Long, hiện tại 49 tuổi. Do có tiền sử bệnh viêm amidan nên bố em đi tiêm, bị liệt 1 nửa bên phải. Hiện giờ bố em tiếp tục bị bệnh xơ gan, viêm phổi và cần rất nhiều đơn vị máu, trước mắt là 5 đơn vị máu.

Người thân lên mạng xã hội cầu cứu kiếm tìm máu cho bệnh nhân.

Vậy em đăng tus này xin cầu cứu đến các anh chị em tình nguyện viên, những người đã và đang ở Thanh Hóa cho bố em xin những giọt máu đào của mọi người! Hiện tại, bố em đang nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và trong tình trạng thiếu máu rất nhiều. Em đang ở Hà Nội do vùng dịch nên em không thể về được. Nên em nhờ mọi người có lòng hảo tâm thì qua cho bố em máu với ạ. Mỗi giọt máu cho đi, 1 cuộc đời ở lại. Gia đình em xin cảm ơn ạ!”.

Còn tại Thái Nguyên, người bệnh, người nhà người bệnh chờ đợi máu trong mòn mỏi, lo lắng rồi lại hy vọng… Từ người bệnh tan máu bẩm sinh đến người bệnh ung thư máu đều có chung tâm trạng ấy.

Một tài khoản mạng xã hội chia sẻ: “Mong mọi người giúp đỡ và chia sẻ giúp em với. Gia đình em có một cháu gái, trong khi bao bạn khác đang tuổi ăn, tuổi chơi, chỉ biết cuộc sống luôn màu hồng. Vậy mà mới có 4 tuổi, bé đã bị căn bệnh ung thư máu quái ác, xót xa những giọt nước mắt khi bé tiêm từng mũi kim, dây truyền quanh người.

Sáng 29/7, lượng người đi hiến máu có tăng thêm. Ảnh: Việt Đoàn.

Là cha mẹ chứng kiến cảnh con đau mà không làm gì được. Bé rất đáng thương mọi người ạ, gia đình rất buồn và đang tìm cách trị bệnh cho bé. Dù một tia hy vọng cũng cố. Cháu đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. Em viết bài này muốn được mọi người hiến máu giúp đỡ cháu với vì cháu hiện tại đang rất cần máu.

Cháu nhóm máu B, đang cần truyền tiểu cầu và hóa trị… Gia đình và người thân đã đến lấy máu nhưng vẫn chưa đủ. Mong mọi người đến hiến máu tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. Mong các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cháu để cháu để cháu nhanh khỏi bệnh! Xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người”.

Giải pháp để người dân hiến máu trong thời gian giãn cách xã hội

Trong khi đó, theo TS Trần Ngọc Quế, người phụ trách Trung tâm Máu Quốc gia (Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) cho biết: “Hoạt động hiến máu là hoạt động cấp thiết để cấp cứu và điều trị người bệnh, nên không thể không tổ chức được. Hiện tại, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện đã tham mưu, đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo công tác tổ chức hiến máu an toàn, đặc biệt ở các địa phương đang không có dịch, để người dân có cơ hội được hiến máu”.

Hiến máu đảm bảo 5K. Ảnh: Nam Anh.

“Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng sẵn sàng tiếp nhận máu tại cơ quan, đơn vị hoặc cộng đồng dân cư nếu chỉ cần có khoảng 10 người đăng ký. Các cán bộ, nhân viên tham gia tiếp nhận máu của Viện đều phải tuân thủ quy định 5K, đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ và được xét nghiệm Covid-19 định kỳ 3 ngày/lần”, TS Quế cho hay.

TS Quế cho biết thêm, các cơ sở tiếp nhận máu sẽ cam kết tổ chức tiếp nhận đúng quy định, và đảm bảo an toàn theo 5K của Bộ Y tế. Trong đó chú trọng việc chia nhỏ lịch hiến máu ra thành nhiều điểm, nhiều buổi và hẹn người hiến máu đến theo giờ, hạn chế tập trung đông người.

Ghi nhận trong ngày 29/7 của Đại Đoàn Kết online, số lượng người đến hiến máu có tăng thêm, nhưng không nhiều.

Hiện để đảm bảo mục tiêu kép, vừa đáp ứng đủ lượng máu và đảm bảo phòng chống dịch, các cơ sở hiến máu đề nghị người dân đăng ký làm thủ tục online để giảm bớt thời gian, cũng như lượng người tập trung cùng thời điểm.

Địa điểm hiến máu

1. Tại Hà Nội

Viện huyết học – Truyền máu Trung ương (Phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội): Từ 8h đến 20h tất cả các ngày.

Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội: 26 Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm), 132 Quan Nhân (quận Thanh Xuân) và số 10, ngõ 122 đường Láng (quận Đống Đa). Thời gian: từ 8h – 12h và 13h30 – 17h tất cả các ngày. Vui lòng đến trước giờ kết thúc 45 phút để đăng ký và kiểm tra sức khỏe trước hiến máu.

2. Tại TP Hồ Chí Minh

Bệnh viện Truyền máu – Huyết học, 118 Hồng Bàng, phường 12, quận 5. Thời gian: 7h – 12h và 13h30 – 16h30 tất cả các ngày.

Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy – Bệnh viện Chợ Rẫy, Cổng số 5, đường Phạm Hữu Chí, phường 12, quận 5. Thời gian: 7h – 16h, thứ 2 đến thứ 6.

Trung tâm Hiến máu nhân đạo, 106 Thiên Phước, phường 9, quận Tân Bình. Thời gian: 7h30 – 16h30 phút, từ thứ 2 đến thứ 6, 7h – 11h thứ 7 và Chủ nhật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng máu 'kêu cứu' giữa mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO