Ngân hàng nội trước hội nhập

H.Hương 02/11/2015 21:56

Đang có nhiều ngân hàng nước ngoài xin mở chi nhánh đầu tư vào Việt Nam, ngược lại, một số ngân hàng nội cũng mạnh dạn đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại , giảm dần tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước.

Cuối năm nay, cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành. Theo đó Việt Nam sẽ phải mở cửa, gỡ bỏ các hạn chế trong ngành ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn. Mức độ mở cửa ngành ngân hàng theo cam kết hội nhập AEC cũng được đặt ra sâu và mạnh hơn.

Một thực tế đang cho thấy ngân hàng ngoại đang khao khát thị phần tại Việt Nam. Nhiều ngân hàng thương mại của các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia… đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Thông tin mới nhất cho biết, NHNN đã chấp nhận kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài cho Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia.

Đến nay Việt Nam đã có 47 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 6 ngân hàng 100% vốn nước ngoài bao gồm TBB, ANZ (Australia), Hong Leong (Malaysia), HSBC (Anh), Shinhan Vietnam (Hàn Quốc) và Standard Chartered (Anh).

Với tính toán sơ bộ, khối ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh đã hình thành khoảng 61 chi nhánh/sở giao dịch, tập trung chủ yếu ở hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP HCM.

Nhiều dự báo trong tương lai tiếp tục mở ra, theo đó, các ngân hàng trong khu vực (AEC) sẽ đẩy mạnh sự hiện diện tại Việt Nam. Chưa kể theo lộ trình cam kết hội nhập, sắp tới, Việt Nam sẽ phải mở cửa lên đến 70% cho sở hữu nước ngoài vào ngành ngân hàng. Hiện tại, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30% (nếu cao hơn phải được chấp thuận của Chính phủ), đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%.

Cuối tháng 10 vừa qua, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế đang tác động mạnh đến lĩnh vực ngân hàng.

Dù lộ trình tự do hóa lĩnh vực này của Việt Nam chậm hơn các nước ASEAN-5 khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, song áp lực hội nhập của các ngân hàng Việt Nam vẫn rất lớn, năng lực quản trị và năng lực tài chính còn yếu, sản phẩm chưa đa dạng, cơ cấu thu nhập còn nặng về thu lãi…

Ông Nghiêm Xuân Thành đề xuất, trong đó có việc tính đến lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng từ 30-35%. Ngoài ra, cần xác định lộ trình giảm tiếp tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại các ngân hàng TMCP nhà nước, vì hiện nay ngân sách không có, nếu không giảm tỷ lệ của Nhà nước, thì rất khó tăng vốn.

Trước Vietcombank, Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) cũng đã đề xuất Chính phủ nới room lên trên mức 30% hiện nay. Ở chiều ngược lại, hội nhập không chỉ khiến ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, mà cũng mở ra cơ hội cho ngân hàng Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Thời gian qua, một số ngân hàng Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư sang các nước trong khu vực. Một số ngân hàng lớn của Việt Nam đã mở rộng đầu tư sang các nước ASEAN, đặc biệt Lào, Campuchia, Myanmar...

Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa hội nhập ngành ngân hàng, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Dù phía Ngân hàng Nhà nước định hướng, sẽ có 1-2 ngân hàng trong nước đạt tầm khu vực trong thời gian sắp tới song những quan ngại cũng mở ra khi ngân hàng ngoại dấn sâu chân vào nền kinh tế thì mối tương quan ngân hàng nội, ngoại sẽ ra sao?

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, hiện trình độ quản trị của các ngân hàng Việt Nam có thể không thua ngân hàng các nước trong khu vực, nhưng quy mô còn nhỏ bé, sản phẩm, dịch vụ, chất lượng... còn ít, kém hơn so với các ngân hàng khu vực. Do vậy, cần đi nhanh hơn bằng các hình thức như mua lại, thâu tóm, liên kết... và tập trung nhiều hơn vào công nghệ, con người thì mới có thể sớm có một số ngân hàng ngang tầm khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng nội trước hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO