Ngăn ngừa tình trạng 'trên cởi trói dưới vẫn vướng rào'

Nguyên Khánh 15/03/2017 09:05

Chiều 14/3 Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Bảo đảm tính nhất quán trong tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung.

Đánh giá quá trình tháo gỡ vướng mắc cho DN, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho biết, sau cuộc họp của Chính phủ với DN, cũng như Nghị quyết 35 ra đời, quyền tự do kinh doanh của DN đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, sự cải thiện vẫn ở mức vụ việc mà thiếu tính hệ thống.

Tình trạng cán bộ “hành” DN vẫn còn phổ biến, ông Nguyễn Văn Tỉnh- Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam nhận định.

Lấy ví dụ cụ thể về vấn đề này, ông Tỉnh cho biết, doanh nghiệp (DN) của ông đã ứng một số tiền rất lớn để giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 6 năm trước. Để có khoản tiền này, DN đã phải vay lãi ngân hàng 10%/năm. Thế nhưng sau rất nhiều kiến nghị, nhưng đã 6 năm DN vẫn chưa nhận lại khoản tiền này.

“Chúng tôi chẳng có cách nào khác là phải đi năn nỉ từng cấp, từng ngành để giải quyết vấn đề này. Nếu có cơ chế, buộc địa phương không bồi hoàn khoản tiền của DN phải chịu phí tổn nhất định thì công chức sẽ chuyển động và sẽ không còn tình trạng cán bộ “hành” DN như vậy- ông Tỉnh nói.

Trả lời câu hỏi có sự thiếu nhất quán trong các chính sách được ban hành gây khó cho DN ông Nguyễn Đình Cung cho biết, sự trùng lập, mâu thuẫn trong chính sách là phổ biến, tồn tại nhiều năm. Mỗi khi ban hành quy định nào đó Bộ, ngành thường “cài cắm” lợi ích và đẩy cái khó cho DN.

Về vấn đề DN phàn nàn còn rất nhiều chi phí không chính thức đè nặng, ông Cung nói: Bỏ chi phí không chính thức không dễ. Cần trị tận gốc chi phí không chính thức bằng cách loại bỏ các thủ tục hành chính, cần điện tử, số hóa, tách việc gặp gỡ trực tiếp giữa công chức với DN, minh bạch hóa các quá trình thực hiện… Nhưng ai làm điều đó?

Theo ông Cung, công chức dựa vào thủ tục, giấy tờ để quản lý, chưa nói đến chuyện họ muốn mãi kiểu quản lý như vậy vì có lợi cho mình. Muốn thay đổi điều này phải thay đổi tư duy. Phải có áp lực để chuyển tư duy của họ. Mỗi cán bộ phải vượt lên chính mình để thay đổi.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, nhiều DN nước ngoài khá nản lòng khi đầu tư vào Việt Nam. Điều họ lo ngại chính là chính sách không minh bạch và dễ thay đổi. Theo ông Tỉnh, đối tác nước ngoài sợ thay đổi chính sách, điều này khiến họ không lường được những khó khăn gặp phải. Do đó phải cam kết mạnh mẽ về vấn đề này. Tránh hứa hẹn ở các cuộc xúc tiến đầu tư, nhưng chính sách không minh bạch thì khó thực hiện.

Nhận định về sự thiếu ổn định của chính sách được ban hành, ông Nguyễn Đình Cung bình luận: 10 năm trước tôi tổng kết có “8 không” trong đầu tư. Không rõ ràng, cụ thể, minh bạch, hợp lý, ổn định, hiệu quả, hiệu lực, không tiên lượng được. Đến thời điểm này tuy chính sách có cải thiện nhưng thay đổi nhiều. Vấn đề mà nhà đầu tư lo ngại là không tiên lượng được chính sách. Đối với các dự án, nếu không tiên lượng được, dự án đang thành công sẽ chuyển thành thất bại ngay. Chúng ta ban hành chính sách phải bảo vệ được sản nghiệp của DN. Nếu rủi ro về chính sách, về pháp lý là điều họ không nhận biết được chắc chắn họ khó đầu tư - ông Cung nói.

Làm thế nào để ban hành chính sách không gây khó cho DN, theo ông Cung thì người đứng đầu phải nhạy cảm với vấn đề này. Khi ban hành quy định nào đó thì phải xem xét có cần thiết không, có làm khó DN không, phải chặn ngay. “Phải lập đoàn kiểm tra, rà soát chỉ mặt, điểm tên những công chức vô cảm hệ thống mới chuyển động tốt”- ông Nguyễn Văn Tỉnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn ngừa tình trạng 'trên cởi trói dưới vẫn vướng rào'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO