Ngàn tỷ nhập thuốc trừ sâu: Vẫn khó thoát thực phẩm bẩn

M. Phương – P.Nguyên -  L.Anh 25/08/2016 09:10

Chi khoảng gần 30 triệu USD để nhập thuốc trừ sâu mỗi tháng và một năm Việt Nam nhập hơn 4.100 loại thuốc trừ sâu để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… Theo nhận định của giới chuyên gia, những con số nói trên cũng chính là nguyên nhân dẫn tới vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay.

Thuốc trừ sâu đang hủy hoại môi trường sống, sức khỏe của người dân.

Tiền khủng

Theo số liệu của cơ quan chức năng, chỉ trong tháng 5 – 2016, số tiền chi để nhập nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc đã lên tới 27 triệu USD và trong cả 5 tháng đầu năm, tiền chi cho lĩnh vực này ở con số 140 triệu USD (khoảng hơn 3.000 tỷ đồng). Như vậy, trung bình mỗi tháng, Việt Nam chi tiền để nhập thuốc trừ sâu lên tới gần 30 triệu USD.

Một thống kê khác cũng cho biết, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 4.100 loại thuốc trừ sâu để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: “Với con số khủng khiếp như vậy, sao có thể sản xuất được thực phẩm an toàn?”.

Đây cũng là lý do khiến cho thực trạng ngộ độc thực phẩm ở nước ta tăng cao mỗi năm, nghiêm trọng hơn, số người mắc bệnh ung thư cũng ngày một gia tăng. Giới chuyên gia nhận định, căn cứ vào số lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hằng năm thì môi trường nông nghiệp Việt Nam có khoảng từ 150 - 200 tấn thuốc từ bao bì thải loại vào đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường.

Có thể thấy, vấn nạn thực phẩm bẩn đã trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với người tiêu dùng Việt Nam. Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập về khoảng 70.000 -100.000 tấn thuốc trừ sâu để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Với con số hàng nghìn loại thuốc sâu như vậy ai có thể phân biệt nổi, cũng không ai có thể kiểm soát được thực phẩm có nhiễm độc hay không.

Và từng ngày, số lượng thuốc trừ sâu ngấm vào đất là bao nhiêu, ai có thể đo đếm được.Hàng ngàn tấn thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật được tiêu thụ mỗi ngày đang hủy hoại môi trường sống, sức khỏe của người dân Việt Nam. GS. Nguyễn Lân Dũng đặt câu hỏi: “Với một số lượng lớn thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật thâm nhập vào trong nước như vậy, làm sao chúng ta có thể sản xuất được thực phẩm sạch?”.

Trong khi theo GS. Dũng, từng ngày, từng giờ chúng ta vẫn hô hào DN, nông dân phải sản xuất sạch, người tiêu dùng phải thông thái khi lựa chọn thực phẩm, nhưng vẫn cho nhập hàng loạt các loại hóa chất độc hại vào để sản xuất nông nghiệp, thì không thể tránh được vấn nạn thực phẩm bẩn.

Nói như GS. Dũng: Nếu Việt Nam không nghiên cứu thuốc trừ sâu sinh học để thay thế thuốc trừ sâu hóa học, và vẫn nhập về với số lượng hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn tấn như vậy, thì chắc chắn, người Việt sẽ không bao giờ thoát khỏi vấn nạn thực phẩm bẩn.

Lo ngại quản lý Salbutamol

Câu chuyện tương tự xảy ra với ngành chăn nuôi. Theo thông tin từ Cục Quản lý dược vừa công bố, Bộ Y tế lại tiếp tục cho nhập khẩu trở lại chất Salbutamol sau khi đã cấm nhập một thời gian khá dài. Cục Quản lý dược cho biết, việc tiếp tục cho nhập khẩu trở lại Salbutamol là căn cứ theo nhu cầu trong nước để đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh cho người. Theo đó những đơn vị sản xuất thuốc có số lượng phù hợp với nhu cầu và số đăng ký còn hiệu lực chứa nguyên liệu Salbutamol được phép nhập khẩu kể từ 10/8 vừa qua.

Vậy, trước sự quay trở lại của Salbutamol – thứ vẫn được coi là chất cấm với chăn nuôi này thì việc quản sẽ ra sao? Điều này đã đem lại sự lo lắng cho rất nhiều người dân, đặc biệt với đối với người tiêu dùng với những câu hỏi cần đặt ra là liệu đây có phải là tiền đề để cho chất cấm quay trở lại?

Trao đổi về vấn đề này, Cục Quản lý dược cho biết, trước khi có công văn này Cục đã tiến hành nghiên cứu hết sức cụ thể. Trước tiên là về nhu cầu nguyên liệu sản xuất thuốc của ngành, trong khi chưa chủ động được thì việc phải nhập salbutamol là một thực tế.

Để tránh các hệ lụy như chúng ta đã từng thấy trước, ngoài công tác tăng cường hậu kiểm, chấn chỉnh đưa hoạt động kinh doanh nguyên liệu salbutamol và việc kiểm soát chặt chẽ theo đúng các quy định hiện hành thì sẽ không có vấn đề có salbutamol dư thừa để bán ra ngoài thị trường. Và như vậy cũng sẽ đồng nghĩa là sẽ không có bất cứ cá nhân hay hộ kinh doanh nào có thể tìm mua và mua một cách dễ dàng thứ này để dùng vào mục đích khác.

Là một trong những thị trường tiêu thụ mạnh về các loại thực phẩm trong đó có thịt, hiện nay, với dân số 10 triệu người, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau các loại thì việc nhập khẩu lại salbutamol cũng đang là nỗi lo của nhiều người dân Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, hiện tại với việc triển khai, quản lý và vào cuộc sát sao của Chi cục, với những con số thống kê, người dân Thủ đô có thể an tâm vào công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về việc nhập khẩu lại Salbutamol của Cục Quản lý dược, theo TS.Đào Huy Phong - nguyên Giám đốc nghiên cứu và Triển khai của tập đoàn INVIVO NSA tại Việt Nam: Chúng ta phải thận trọng. Với Cục quản lý dược, cần nên thống kê về số lượng Salbutamol cần dùng và từ đó lên kế hoạch để nhập. Việc nhập khẩu này cũngnên tập trung vào một số đầu mối, doanh nghiệp có uy tín thì sẽ tránh “thất thoát” và từ đó sẽ không có hiện tượng Salbutamol trôi nổi trên thị trường để dẫn tới việc người ít lương tâm có điều kiện để sử dụng vào mục đích khác trong đó có chăn nuôi.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Cường, chủ một trang trại lợn ở Ba Vì (Hà Nội) cho rằng, kể từ khi có cơ quan chức năng vào cuộc, vấn nạn này lắng xuống, thịt lợn không bị “kỳ thị” nữa, bà con nông dân có cơ hội hồi phục được một chút. Song thông tin chất Salbutamol không bị cấm nhập nữa lại dấy lên nhiều lo lắng cho người chăn nuôi chân chính.

Tuyên chiến với thực phẩm bẩn

Cũng về thực trạng thực phẩm bẩn, công bố của các cơ quan chức năng TP.HCM vừa cho thấy, thực phẩm bẩn vẫn được tuồn vào thành phố bằng nhiều con đường, hình thức tinh vi khác nhau. Người dân sống ở đô thị vẫn là những khách hàng thường xuyên của thực phẩm bẩn.

Báo cáo của Sở NN&PTNT TP HCM trong 8 tháng đầu năm nay, qua kiểm tra 2.285 mẫu rau củ quả sử dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã phát hiện tới gần 130 mẫu chất cấm vượt ngưỡng cho phép, hàng chục mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Tính lũy kế trong 8 tháng đầu năm thì cơ quan chức năng xử phạt trên trên 190 trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lĩnh vực thủy sản. Cũng theo Sở NN&PTNT TP thì số lượng các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở, DN hoạt động trong đó lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản từ đầu năm đến nay chỉ chiếm khoảng 50% so với số mẫu được kiểm tra. Tuy nhiên, trên thực tế các sai phạm vẫn phát sinh, ngay cả đối với các cơ sở được cấp phép nhưng cố tình đưa chất cấm vào sản xuất, chăn nuôi.

Theo đề án được Sở Nội vụ TP HCM trình UBND TP thì thời gian tới thành phố sẽ nghiên cứu để thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Ban này được đề xuất thành lập trên cơ sở tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP) và một số bộ phận phòng, chi cục thuộc Sở NN&PTNT và Sở Công thương TP Cơ quan này được kỳ vọng, với chức năng giải quyết dứt điểm được tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Đồng thời, nhiệm vụ chính của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP là tham mưu, giúp cho UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho người dân.

Tuy nhiên, để chấn chỉnh được tình trạng nêu trên, không hẳn “phình thêm” một cơ quan, một cơ chế là có thể giải quyết được tận gốc vấn đề mà cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là vai trò của chính quyền cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngàn tỷ nhập thuốc trừ sâu: Vẫn khó thoát thực phẩm bẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO