Ngành bán lẻ lo 'phơi lưng' trên sân nhà

Thúy Hằng 04/08/2015 08:25

Thị trường phân phối trong nước đang chứng kiến những loại hình đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhật Bản mở thêm chuỗi cửa hàng tiện ích gây sự chú ý của dư luận. Thái Lan đầu tư mở rộng thêm các đại siêu thị... Thực tế đó khiến cho nhà bán lẻ nội lo lắng.

Khi hàng hóa từ bên ngoài tràn vào,
hàng nội nguy cơ thu hẹp thị phần. (Ảnh: Hoàng Long).

Ngành bán lẻ hút vốn ngoại

Dù bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn, nhưng các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái vẫn có những điểm nhấn đặc biệt. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân (tăng 0,86%), thì tổng mức bán lẻ 7 tháng đầu năm nay đã tăng gần 9%, cao nhất so với tốc độ tăng bình quân của cùng kỳ trong 4 năm trước đây. Với đà đang đi lên từ đáy có thể cả năm nay tốc độ tăng tổng mức bán lẻ (đã loại giá) có thể vượt qua mốc 9,5%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng bình quân năm của thời kỳ 2011-2014. Những dữ liệu này cũng mở ra một cuộc đua nóng trong thị trường phân phối.

Công ty Seven Eleven Ink tại Nhật đã ký hợp đồng với công ty IFB Việt Nam - DN đang sở hữu chuỗi cửa hàng Pizza Hut, để mở thêm siêu thị tiện lợi đầu tiên tại TP HCM vẫn gây bất ngờ dư luận, dù đã được tiên đoán từ trước. Trước Seven - Eleven, Nhật Bản đã xây dựng được 2 chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam là FamilyMart và Ministop thành công.

Chưa hết mục tiêu của Seven & I Holdings là phát triển được 100 siêu thị sau ba năm và nhân lên thành 1.000 siêu thị sau 10 năm bước vào thị trường Việt Nam.

Seven & I Holdings hiện nay có tổng cộng 38.000 siêu thị trên thế giới. Tại Đông Nam Á, Công ty này đã có mặt ở các nước Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia. Vì vậy việc chen chân thêm ở Việt Nam cũng là điều dễ hiểu, khi đất nước 90 triệu dân vẫn luôn được đánh giá là thị trường tiềm năng.

Trong khi các đại siêu thị, trung tâm thương mại như big C, hay Metro tại Việt Nam đang chứng kiến cuộc đổ bộ của các ông chủ đến từ Thái Lan, Malaisia thì chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi ni cũng bị lấn sân bởi các nhà đầu tư ngoại. Nói đến cửa hàng tiện lợi, các siêu thị mini, người dân khá quen B’s mart, Circle K , K-Mart, T- Mart, …Mà nguồn gốc, xuất xứ của chúng đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Điểm mạnh lớn nhất của cửa hàng tiện lợi, ngoài tiêu chí chất lượng, nguồn gốc sản phẩm là cách trưng bày (tập trung cho hàng hóa thiết yếu) và thời gian hoạt động (mở cửa gần như 24/24). Những cửa hàng này nằm xen kẽ trong khu dân cư, tạo kênh phân phối tiện lợi cho người dân vốn ở xa siêu thị và không muốn đi chợ truyền thống hay là vào cửa hàng tạp hóa.

Theo thống kê trên cả nước hiện có khoảng 350 cửa hàng tiện lợi, trong đó tập trung chủ yếu ở TP. HCM và phần lớn của các nhà đầu tư nước ngoài làm chủ. Điểm mặt các ông chủ, bà chủ nội (Suctra, Hapromart) chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cùng với đó phải thừa nhận một thực tế, là số lượng cửa hàng tiện lợi nội không phong phú, và không chiếm vị trí đẹp như các cửa hàng tiện lợi có nguồn gốc nước ngoài.
Những nhận định, đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, đều có chung quan điểm rằng, với tiềm năng lớn, dư địa rộng và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, châu Âu…

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn
các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh: Hoàng Long).

Bán lẻ nội lo lắng

Dự báo thì tương lai còn chỉ ra mô hình bán lẻ siêu thị tiện lợi này sắp tới sẽ vượt khỏi phạm vi 2 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM. Dường như, các nhà bán lẻ ngoại đang nắm bắt xu hướng này khá tốt, nhanh chóng mở rộng mạng lưới, trong khi đó, các nhà bán lẻ nội vẫn chậm nhập cuộc.

Cuộc đổ bộ các DN nước ngoài, hình thành chuỗi cửa hàng tiện lợi theo đánh giá của ông Phạm Hữu Thìn (Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương) sẽ đe dọa buôn bán truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ trong nước sẽ đóng cửa hàng loạt. Trước thực trạng này, nhà bán lẻ nội tỏ ra lo lắng.

Nếu như B’s Mart có sự góp mặt chính của người Nhật, với vị Tổng giám đốc Phidsanu Pongwatana. Hay Circle K ghi dấu ấn của Mỹ. Cả hai thương hiệu quốc tế này không chỉ tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ tổng hợp, Circle K đã có chiến lược tập trung mạnh vào việc phát triển dịch vụ thức ăn nhanh, đa dạng hóa các thức uống...

Đối tượng nhắm tới của Circle K lẫn B’s Mart sẽ là khách hàng ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là sinh viên, học sinh, thanh thiếu niên, nhân viên văn phòng, du khách nước ngoài và các bà nội trợ...Thì các nhà đầu tư nội vẫn e dè trong trạng thái tìm hiểu thị trường. Một số cửa hàng Suctra, Saigon Co.op, Hapro vẫn hút được khách nhưng ngày càng bộc lộ nhiều yếu điểm về quản trị.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, trong khi hoạt động của các trung tâm thương mại, đại siêu thị tỏ ra kém hiệu quả thì sự bùng nổ của mô hình siêu thị mini, các cửa hàng tiện lợi đang trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Ngoài việc cung cấp các tiện ích, bán các mặt hàng cần thiết, thời gian bán hàng linh hoạt, thì các nhà bán lẻ tiện lợi và siêu thị mini còn chú trọng tới việc làm cho giá cả hàng hóa chênh lệch nhỏ so với ngoài thị trường.

Nhưng đáng bàn là hàng hóa được phân phối tại chuỗi các cửa hàng tiện lợi này khá phong phú. Hiện nay các nhà đầu tư ngoại còn xây dựng cả chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối.

Với việc Cộng đồng chung ASEAN hình thành cuối năm nay, đồng nghĩa với việc hàng hóa nông sản thực phẩm của nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… được tự do vào Viêt Nam hàng hóa phân phối tại kênh bán lẻ hiện đại này càng rộng đường. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn với các DN bán lẻ nội, và cũng là thách thức của hàng Việt Nam ngay trên sân nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành bán lẻ lo 'phơi lưng' trên sân nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO