Ngành cá tra được đại gia 'bao trọn gói'?

Quốc Trung 12/08/2015 05:10

Con cá tra từng giúp người nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đổi đời, nhưng tới nay lại là gánh đối với không ít hộ nông dân. Nhiều ý kiến cho rằng, “sân chơi” này hiện chỉ dành cho các đại gia, không còn chỗ cho người nông dân …

Con cá tra đang đè nặng lên vai người nông dân.

Không còn là “cứu cánh” cho nông dân

Trong những cuộc họp gần đây ở TP Cần Thơ, nhiều lãnh đạo của hiệp hội thủy sản các tỉnh ĐBSCL đều nhận định diện tích nuôi cá tra trong nông dân đang bị thu hẹp. Sân chơi này giờ chỉ dành riêng cho các đại gia là các DN.

Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh An Giang, mấy năm nay giá cá tra nguyên liệu thấp dưới giá thành khiến nông dân thua lỗ kéo dài, trong khi đó ngân hàng cũng hạn chế cho vay, người nông dân hết khả năng tái đầu từ, khiến cho diện tích nuôi bị giảm mạnh. Hiện trong 850ha nuôi cá tra trên địa bàn, chỉ còn khoảng 170ha được nuôi cá.

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cho biết: Nếu thị trường xuất khẩu bị thu hẹp các DN chỉ lo sử dụng nguồn nguyên liệu của mình cho chế biến xuất khẩu, từ đó cá nuôi trong dân sẽ khó mà tiêu thụ được, tất yếu sẽ bị thua lỗ và thu hẹp dần diện tích. “Sân chơi” giờ chỉ dành riêng cho những DN đại gia...”.

Rất nhiều hộ dân chuyển từ diện tích nuôi sang đầu tư cơ sở sản xuất giống cũng bị đóng cửa vì diện tích nuôi bị thu hẹp. Thời gian qua, giá cá tra nguyên liệu hiện chỉ giao động 18.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, như vậy người nông dân sẽ bị lỗ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Việc bị từ chối tiêu thụ đã gây cho nông dân nuôi cá nhiều khó khăn, ở ĐBSCL còn tình trạng nhiều nông dân bị DN chiếm dụng vốn, cố tình kéo dài chậm trả tiền khiến nhiều nông dân điêu đứng vì trả lãi ngân hàng.

Ông Hồ Văn Tiểu ở Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú là một ví dụ, cuối năm 2014, ông bán cá cho một DN và bị DN này nợ gần 1,8 tỉ đồng khiến cho gia đình ông điêu đứng. Đây cũng là lý do khiến cho mối quan hệ giữa người nông dân với DN đang bị rạn nứt.

Còn ở Cần Thơ, theo Hiệp hội Thủy sản TP. Cần Thơ, có lúc diện tích nuôi cá của thành phố lên đến 1.300ha nhưng nay chỉ còn 713ha, chủ yếu là vùng nuôi của DN. Để vớt vát và tránh bỏ phí diện tích mặt nước, nhiều hộ đã nuôi các loại cá hỗn tạp, hoặc đành nhìn DN thuê lại ao.

Nhớ lại thời hoàng kim, trại cá của ông Lê Văn Mạnh xã Thới Hòa, Ô Môn, TP Cần Thơ luôn có cả chục công nhân làm việc giờ vắng tanh, nhiều máy bơm, máy xử lý nước, xuồng ghe ông vứt chỏng chơ bị thời tiết bào mòn xuống cấp. Sau nhiều vụ nuôi cá tra thua lỗ, gia đình ông đã bán gần hết đất đại để trả ngân hàng, hiện vẫn còn nợ gần 1 tỉ đồng không biết xoay sở ở đâu, đành gọi bán số ao nuôi còn lại mà không ai mua.

Ông Trần Văn Hùng, giám đốc công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) dự báo những tháng cuối năm 2015, tình hình xuất khẩu cá tra sẽ tăng và ổn định hơn so với 6 tháng đầu năm 2015. Người nông dân nuôi cá nếu phá sản hay bị lỗ khi được vực dậy, đưa vào chuỗi sản xuất khép kín của DN là rất tốt, sẽ tham gia quản lý. DN đứng ra bảo lãnh cho người nuôi, khi đó người nuôi DN sẽ không còn tình trạng bán phá giá.

Ông Hùng còn đề xuất thêm: Cần tăng thời hạn trả lãi vay ngân hàng cho các hộ nuôi cá từ 8 tháng trở lên thay vì 6 tháng như trước đây, còn DN ông cũng kiến nghị thời gian trả lãi ít nhất từ 1 năm thay vì chỉ có 10 tháng như trước, có như vậy người dân và DN mới có thời gian và đủ sức để xoay vòng vốn và đáp ứng với xuất khẩu

Phát triển thị trường

Mới đây Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hiệp hội cá tra Việt Nam, Phòng thương mại Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra”. Tại đây ông Ngô Quang Tú, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, cho rằng một trong những giải pháp giúp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra bền vững tại ĐBSCL là tìm đúng thị trường và chọn đúng công nghệ.

Tuy Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhưng sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô hoặc hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao. Trong khi thời gian qua chúng ta chỉ tập trung một vài thị trường chính, nên các thị trường này nếu có biến động rất dễ bị lúng túng. Vì vậy vấn đề nữa cần đặt ra là cần tăng cường hướng dẫn cho các DN hiểu biết, nắm rõ hơn các thị trường, các quy định hàng hóa nhập khẩu, văn hóa kinh doanh, thị hiếu người tiêu dùng ở các thị trường này, nhất là các thị trường khó tính. Các DN phải hoàn toàn làm chủ tình thế trước khi tiến tới ký kết làm ăn.

Ông Võ Hùng Dũng - Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ngoài nhấn mạnh tới yếu tố thị trường còn đề cập tới mối liên kết chuỗi từ nuôi đến chế biến và xuất khẩu: Trong chuỗi ngành hàng cá tra từ khâu con giống, nuôi, chế biến cho đến phát triển thị trường đều tồn tại những hạn chế cần phải tái cấu trúc.

Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cần quy hoạch lại và hoàn chỉnh các vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap, Global GAP, cải thiện chất lượng con giống để đảm bảo kiểm soát chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, ngoài việc nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, làm tăng giá trị sản phẩm cá tra qua đầu tư chế biến sâu, các DN cần tập trung phát triển thị trường bởi đây là điều kiện sống còn của ngành cá tra…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành cá tra được đại gia 'bao trọn gói'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO