Ngành công nghiệp: Ì ạch hội nhập

Minh Phương 02/06/2017 08:35

Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo bình quân đầu người. Nếu vẫn tiếp tục “tiến” với “tốc độ” này, ngành công nghiệp Việt Nam sẽ bị thế giới và khu vực bỏ lại đằng sau một khoảng cách xa.

Muốn nâng cao năng suất lao động, cần mạnh dạn loại bỏ công nghệ lạc hậu.

Bị bỏ xa về năng suất lao động

Trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm giai đoạn 2006-2010 giảm xuống 10%/năm giai đoạn 2011-2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp. Năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị “bỏ xa” so với các nước phát triển và các nước trong khu vực. Cụ thể: Năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Trung Quốc cao gấp 2 lần.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong công nghiệp đạt thấp, tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP giảm từ 32% năm 2010 xuống còn khoảng 28% năm 2015. Nhận định về vấn đề này, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận, hiện Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo bình quân đầu người. “Đây là vấn đề đáng lo ngại khi mà Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa”, ông Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo vị Thứ trưởng Bộ Công thương, có 5 nguyên nhân khiến ngành công nghiệp của nước nhà phát triển một cách “ì ạch”, một trong số đó phải kể đến, tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào khoa học công nghệ. Thứ hai, một số ngành công nghiệp chủ đạo chưa được tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là các ngành định hướng xuất khẩu, tiêu biểu là dệt may, điện tử… mới dừng ở bước gia công, lắp ráp. Bên cạnh đó, việc chúng ta nhập siêu nhiều sản phẩm liên quan đến công nghiệp cũng cho thấy, ngành công nghiệp Việt Nam vẫn còn phải phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu…

Cơ cấu lại ngành công nghiệp phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay. Và Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020” do Bộ Công thương làm đầu mối được kỳ vọng sẽ giải tỏa các điểm nghẽn nói trên, khơi thông “dòng chảy” để ngành công nghiệp nước nhà thoát khỏi tình trạng “ì ạch” trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Mạnh dạn đóng cửa các nhà máy cũ

Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020” với mục tiêu xác định cơ cấu lại thực chất ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế tạo… Tập trung vào một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu…

Dưới góc độ phát triển ngành công nghiệp cơ khí, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, cần ưu tiên phát triển nhanh các nhóm ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm có lợi thế cạnh tranh trên cơ sở có nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Mục tiêu tổng quát của ngành cơ khí đến năm 2025 là sản xuất cơ khí khai thác trên 90-95% năng lực ngành, đáp ứng tối thiểu 55-60% nhu cầu thị trường nội địa, sản phẩm xuất khẩu chiếm 34-36% giá trị sản lượng.

Đối với ngành dệt may, một trong những ngành chủ lực công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, cơ cấu lại ngành dệt may, giải pháp quan trọng cần là phải nâng cao năng suất lao động ngành. Theo ông Trường, thực tế ngành dệt may hiện nay, sản xuất vải nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu, các DN vẫn phải phụ thuộc nhiều vào vải nhập khẩu từ các nước khác. Các khâu dệt, nhuộm là những khâu khó, đòi hỏi đầu tư công nghệ kỹ thuật cao. Trong khi đó, có đến 50% thiết bị ngành dệt nhuộm là máy móc đã cũ, từ trước năm 1990.

Để cải thiện những điểm nghẽn này, cần phải nâng cao năng suất lao động, đổi mới thiết bị công nghệ. “Muốn nâng cao năng suất lao động, chúng ta cần thay đổi công nghệ thiệt bị là chính chứ không phải thay đổi quản lý, đào tạo con người. Nếu chỉ tập trung vào con người mà không chú trọng đầu tư vào công nghệ là chúng ta đang đi chệch hướng” – ông Trường nêu quan điểm.

Có thể thấy, để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, không còn cách nào khác, chúng ta phải cải tiến kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị, nếu không sẽ không theo kịp thế giới. Theo ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), Việt Nam cần lựa chọn một số ngành công nghiệp có quy mô lớn và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế để tập trung cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng như dệt may, da giày, ngành công nghiệp thực phẩm, hóa chất và cơ khí…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành công nghiệp: Ì ạch hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO