Ngành công thương nỗ lực tái cơ cấu

Minh Phương 11/02/2017 09:35

“Phát triển khoa học và công nghệ được xác định là một trong những giải pháp chiến lược thúc đẩy tái cơ cấu ngành công thương, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững”- Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định như vậy tại lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa hai Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Công thương diễn ra mới đây.

Vai trò của KH&CN tiếp tục được khẳng định trong hoạt động tái cơ cấu ngành công thương.

Năm 2016 là năm chứng kiến một “cuộc cách mạng” về tái cơ cấu ngành Công thương. Trong đó phải kể đến việc thực hiện đơn giản hóa hàng loạt các thủ tục hành chính đã trở thành rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN. Bên cạnh đó là những thay đổi về nhân sự hết sức kiên quyết, mạnh tay. Và mới đây nhất, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành công thương bằng việc thực hiện ký kết với Bộ Khoa học và Công nghệ “chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2017-2020”.

Theo Bộ Công thương, giai đoạn vừa qua, khoa học và công nghệ đã trở thành yếu tố then chốt góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp chủ yếu, mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.

Vai trò của KH&CN tiếp tục được khẳng định trong hoạt động tái cơ cấu ngành công thương. Trong đó, phát triển khoa học và công nghệ được xác định là một trong 6 nhóm giải pháp quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu ngành công thương, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững. Giai đoạn 2016-2020, ngành Công thương đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân 13,0%/năm, tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp đạt 7%/năm, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 13%/năm, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42-43% trong GDP cả nước; tăng trưởng xuất khẩu bình quân 11%/năm. Vì thế, theo ông Trần Tuấn Anh, khoa học và công nghệ đang được xem là giải pháp chiến lược trong đổi mới, đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Công thương, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

“Trong bối cảnh môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, để đạt được mục tiêu này, khoa học và công nghệ phải được xem là giải pháp chiến lược trong đổi mới, tái cơ cấu ngành Công thương, phải đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế” – người đứng đầu ngành Công thương nhấn mạnh.

Ngành Công thương giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế, bởi đây là ngành bao hàm hầu hết các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như điện, than, thép, xi măng… và đất nước hội nhập ra sao phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển mạnh hay yếu của chính ngành này.

Chính bởi vậy, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có thông điệp yêu cầu cần tái cơ cấu ngành Công thương mạnh mẽ hơn để tạo ra một số sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thông điệp này được nêu rất rõ tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành Công thương.

Trong đó, nhấn mạnh, định hướng chiến lược đối với ngành Công thương là phát triển ngành công nghiệp Việt Nam theo hướng giảm phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh không bền vững, từ dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, than đá, quặng…), chuyển dịch sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh, phát triển bền vững.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp, tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch; chú trọng vai trò quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương nhất là các địa phương trọng điểm trong sự nghiệp phát triển ngành Công thương.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Công thương cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, trong đó, lãnh đạo Bộ, các Tập đoàn thuộc Bộ phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh công tác thoái vốn, cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước; tập trung hoàn thành về cơ bản trong năm 2017 việc giải quyết các dự án thua lỗ kéo dài, kém hiệu quả thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công thương, bảo đảm lợi ích tổng thể và lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành công thương nỗ lực tái cơ cấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO