Ngành mía đường lại cầu cứu

Thúy Hằng 08/05/2018 08:15

Giá đường xuống thấp, trong khi đó việc tiêu thụ đường sẽ còn gặp nhiều khó khăn do giá đường có thể sẽ xuống tới mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tương lai của các nhà máy đường Việt Nam không thực sự sáng sủa khi các hiệp định tự do thương mại liên tục mở ra cơ hội đường ngoại đi vào sâu hơn thị trường nội địa.

Ngành mía đường lại cầu cứu

Mía đường đang đứng trước thách thức của hội nhập.

Hiệp hội mía đường từ lâu đã đề nghị các nhà máy thành viên thực hiện các giải pháp như có giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài để ứng phó, thích ứng với điều kiện hội nhập khi Hiệp định thương mại hàng hóa Asean (ATIGA) có hiệu lực. Điều này cho thấy ngành mía đường đã phần nào tiên lượng được những kịch bản cho mình khi hội nhập; thế nhưng, vẫn chưa đủ.

Nếu theo đúng cam kết, từ đầu năm 2018, việc bỏ hạn ngạch thuế quan nội khối đối với sản phẩm đường đã được thực hiện. Hàng trăm nghìn tấn đường từ các nước Thái Lan, Indonesia hay Philipin đường hoàng đi qua cửa nhập khẩu chính ngạch có mặt tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó quy mô ngành đường Việt Nam (diện tích mía và sản lượng đường) là nhỏ bé nhất sau Indonesia, Philippines và chỉ bằng 16% so với Thái Lan. Diện tích trồng mía của Thái Lan hiện đạt 1,45 triệu ha, gấp 5 lần Việt Nam nhưng sản lượng đường lại cao gấp 8 lần. Thái Lan sản xuất khoảng 11 triệu tấn đường mỗi năm.

Trong khi đó cập nhật giá mới nhất từ nhiều nhà máy đường trong thời điểm hiện tại cho biết, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại các nhà máy ở miền Bắc giao động từ 11.000 - 12.000đ/kg thấp hơn khoảng 5.000đ/kg so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Tại kỳ Đại hội lần thứ 6 của Hiệp hội mía đường vừa diễn ra cách đây 3 hôm, nhiều thành viên trong ngành mía đường cũng thống nhất đưa ra ý kiến rằng, để ngành mía đường bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, ngành mía đường tiếp tục phát triển giống mới, kiểm soát chất lượng, tổ chức lại mạng lưới tiêu thụ bán hàng hình thành hệ thống logistic. Ngành mía đường cũng đưa ra mục tiêu phát triển phù hợp với quy hoạch tổng thể của ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, tổng diện tích mía nguyên liệu sẽ là 300.000 ha, trong đó, vùng nguyên liệu tập trung là trên 285.000 ha. Sản lượng đường đạt khoảng 2 triệu tấn.

Được biết, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng không chỉ ứng phó với tình hình hiện nay mà với hội nhập, trước hết là Hiệp định ATIGA giải pháp đầu tiên là phải giảm giá thành sản xuất mía. Cùng với những cải tổ trong trồng trọt, đa dạng hóa sản phẩm, tổ chức chế biến các sản phẩm sau đường và bên cạnh đường là một lợi thế để ngành đường tiếp tục đầu tư phát triển.

Số liệu từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), các nhà máy đường lớn trên toàn quốc kết thúc vụ đã sản xuất được trên 1,1 triệu tấn đường, lượng đường tăng 146.389 tấn. Tuy nhiên lượng đường tồn kho cũng rất lớn, khoảng 680.969 tấn (con số này đang tiếp tục tăng lên) cao hơn cùng kỳ năm trước 37.292 tấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành mía đường lại cầu cứu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO