Ngành thép trước sức ép của doanh nghiệp ngoại

Lam Hồng-Đại Dương 11/01/2017 09:45

Theo TS Nguyễn Văn Sưa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành công nghiệp thép Việt Nam vẫn chưa vận hành tối đa công suất. Trong khi đó, sản lượng thép nhập khẩu vẫn tăng rất mạnh, đặc biệt là phôi thép và sản phẩm cuối cùng.

Ngành thép trước sức ép của doanh nghiệp ngoại

Ảnh minh họa.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu phôi thép ở mức 1 triệu tấn và sản phẩm thép ở mức 13 triệu tấn (trong đó sản phẩm dẹt là 4 triệu tấn, tôn mạ 1,5 triệu tấn, 0,5 triệu tấn thép không gỉ và 6 triệu tấn thép hợp kim).

Ông Sưa cũng đưa ra con số tổng lượng tiêu thụ thép trong năm 2016 là 20,5 triệu tấn (so với 18,25 triệu tấn năm 2015). Như vậy, nếu theo ước tính này, sản lượng thép tính theo đầu người của Việt Nam tăng từ 200kg/người năm 2015 lên 220kg/người.

Ở một diễn biến khác, trong thông tin được Bộ Công thương phát ra ngày 15/11/2016 cho biết trong quá trình rà soát quy hoạch cho thấy đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Bộ này cho rằng trong 5 năm tới, Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 6 triệu tấn công suất thép phôi xây dựng có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong nước.

Không những vậy, vấn đề còn nằm ở thép cuộn cán nóng, như thông tin đăng trên trang web của Bộ Công thương, Việt Nam mới chỉ có duy nhất dự án Liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh với công suất 7,5 triệu tấn, sử dụng lò cao dung tích 4530m3 đã được đầu tư xây dựng.

Khi đi vào hoạt động sẽ là khu liên hợp thép đầu tiên tại Việt Nam sản xuất được các sản phẩm thép tấm cán nóng sẽ làm thay đổi diện mạo ngành thép Việt Nam.

Ngoài Dự án Formosa, thời gian tới, ngành thép Việt Nam không có dự án sản xuất thép tấm cán nóng được triển khai, nhập siêu ngành thép đối với chủng loại này sẽ tiếp tục gia tăng.

Bàn về chuyện này, giới đầu tư đặt vấn đề thị trường thép tấm cán nóng đang bị bỏ ngỏ. Liệu các doanh nghiệp thép nội địa có phát triển mảng này và có tiềm năng cạnh tranh với thép nhập ngoại hay không?

Tuy nhiên, do quy mô doanh nghiệp Việt còn nhỏ, hạn chế về đầu tư công nghệ, khả năng cạnh tranh thấp trong khi khả năng cạnh tranh là vũ khí quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp thép trong môi trường cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu này.

Do đó, Việt Nam cần gây dựng đội ngũ doanh nghiệp thép quy mô tương đối lớn để có đủ năng lực tài chính, công nghệ để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thép Việt.

Hiện tại năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam với thép dài là 12,6 triệu tấn/năm, cán nguội sản phẩm dẹt là 5,75 triệu tấn/năm, ống thép hàn là 3 triệu tấn/năm, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu là 4,95 triệu tấn/năm. Sản lượng sản xuất ước tính năm 2016 đạt 8,25 triệu tấn thép dài, 3,5 triệu tấn thép cuộn nguội (CRC), 1,75 triệu tấn ống thép và 3,7 triệu tấn tôn mạ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành thép trước sức ép của doanh nghiệp ngoại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO